Đức đang tiến hành ngoại giao con thoi để dàn xếp những vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và trừng phạt kinh tế Nga...
EU đang tự dàn xếp?
Đức và Pháp ngày càng xích lại gần nhau về quan điểm trong vấn đề Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.
Những ngày vừa qua, những người đứng đầu các quốc gia này như Tổng thống Pháp hay phó Thủ tướng Đức đã đồng loạt lên tiếng về việc không nên trừng phạt kinh tế Nga, và các biện pháp trừng phạt này không nhằm khiến Nga sụp đổ mà chỉ nhắm vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Và phía Nga, dường như họ cũng cởi mở hơn để bày tỏ thiện chí của mình đối với EU. Vào ngày 6/1/2015, một lần nữa người phát ngôn của chính phủ Nga tuyên bố Moscow không hề có ý định muốn chiếm miền Đông Ukraine để sáp nhập vào lãnh thổ của mình. Tuyên bố này trùng khớp với những gì mà Tổng thống Pháp Hollande nói ngày 5/1/2015.
Tiếp đến, nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Nga đã thông qua các kênh truyền thông Nga khẳng định mọi bất ổn của châu Âu hiện nay đều do phương Tây dàn dựng. Còn nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô trước đây, ông Mikhail Gorbachov thì tuyên bố rõ ràng: Mỹ đang nhào nặn châu Âu trở thành một khu vực hỗn loạn, khủng hoảng và hoang tàn.
Vấn đề đặt ra ở đây, nếu muốn gỡ bỏ các hành động cấm vận, đồng nghĩa với việc cục diện ở Ukraine phải đạt được những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Đó là lý do vì sao mà cuộc họp sắp tới giữa bốn bên Đức - Pháp - Ukraine - Nga cần phải có một thỏa thuận nào đó mang tính đột biến.
Tổng thống Ukraine Poroshenko thị sát những vũ khí mới nhập về Ukraine |
Dù chưa chắc chắn được thời điểm diễn ra cuộc gặp mặt của Nhóm xúc tiến đó, thậm chí địa điểm gặp gỡ còn chưa chắc chắn có ở Thủ đô Astana của Kazakhstan hay không, nhưng đại diện của chính phủ Đức cũng đã bày tỏ niềm hi vọng về những kết quả tươi sáng hơn.
Ngày 6/1/2014, người phát ngôn của Chính phủ Đức Steffen Seibert đã bày tỏ: "Ngày 8/1/2014 tới, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Đức mong muốn sẽ có những thỏa thuận cần thiết trước khi bước vào hội nghị Thượng đỉnh sắp tới. Và khi có những thỏa thuận này, Tổng thống Pháp cũng sẽ có mặt trong hội nghị."
Như vậy, Đức đang có những bước đàm phán với Ukraine để định hướng cho chính phủ này về cách để giải quyết cuộc khủng hoảng, thay vì biện pháp quân sự giữa hai phe của Ukraine hay đối đầu kinh tế giữa Nga và EU.
Sự dàn xếp của Đức với Ukraine có lẽ là chưa đủ, đó là lý do vì sao mà Thủ tướng Đức Merkel đã thân chinh đến Anh - đồng minh lâu đời nhất của Mỹ để bàn bạc về vấn đề Ukraine.
Dường như, Đức đang đóng vai sứ giả và cường quốc này đang thực hiện hàng loạt biện pháp ngoại giao con thoi để định hướng châu Âu đến mục tiêu duy nhất là gỡ bỏ trừng phạt Nga, ổn định kinh tế châu Âu, và trao trả cuộc khủng hoảng Ukraine về tay người Mỹ. EU đang không muốn tiếp tục những trách nhiệm bất đắc dĩ của mình.
Ukraine vẫn mơ bánh vẽ
Tuy nhiên, để rút được hết trách nhiệm ra khỏi Ukraine là điều khó khăn với EU, trong hoàn cảnh họ đã nhúng tay quá sâu vào cục diện này. Và nếu để đạt được những gì EU muốn, điều then chốt là Kiev phải chấp thuận những biện pháp mà châu Âu, hay cụ thể là Thủ tướng Đức đưa ra.
Song Kiev dường như không tuân theo sự kiểm soát của EU. Chính quyền này được ra đời với mục đích duy nhất là chống Nga, sự sụp đổ của Nga là "giấc mơ Ukraine" duy nhất lúc này trong suy nghĩ của những nhà lãnh đạo Kiev.
Tổng thống Ukraine Poroshenko trong lần thị sát tăng thiết giáp của quân đội |
Điều đó lý giải vì sao trong cuộc trả lời báo giới Ukraine, ông Alexei Makeev, đại diện đàm phán của Kiev trong Nhóm Tiếp Xúc đã bình luận: "Hội nghị thượng đỉnh sắp tới chỉ mang tính kỹ thuật là chính."
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, chính quyền Kiev không còn con đường nào khác ngoài việc gương ngọn cờ chống Nga, bài xích người thân Nga nếu họ còn muốn tồn tại giữa tình trạng nhiều phe nhóm tranh giành quyền lực. Vấn đề một phần ở các thế lực chống lưng bên ngoài, còn một phần khác do chính sự hỗn loạn của chính trị, xã hội Ukraine bên trong.
Trước hết là thế lực của phe Cực hữu Pravy Sector. Lực lượng cực đoan này đã tuyên bố không theo phe của chính quyền Kiev, không phục vụ chính quyền này như một thành phần trong lực lượng vũ trang Ukraine và chịu sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng, dù họ đã được đề nghị chính thức từ cố vấn của Tổng thống Poroshenko và nhiều giới chức quân sự.
Pravy Sector là tổ chức cực đoan, họ có thể được coi là một xứ quân của Ukraine vào lúc này. Và cần nhớ rằng cuộc đảo chính tại Kiev hồi tháng 2/2014, những cuộc bạo loạn trên đường phố đều có sự tham gia của tổ chức này. Việc ngoài vòng kiểm soát của Pravy Sector đã tạo cho Kiev một sức ép không hề nhỏ, về việc họ có thể bị lật đổ bất kỳ lúc nào, tương tự như thời của cựu Tổng thống Yanukovych, nếu Kiev không dựng ngọn cờ chống Nga.
Ngoài Pravy Sector, các nghị sĩ, đồng thời là chủ tài phiệt của Ukraine cũng sở hữu những đội quân đánh thuê được trang bị tận răng, được gọi với tên tiểu đoàn tiễu phạt. Sự rối ren đó cho thấy Kiev cần phải thống nhất tất cả các xứ quân này lại dưới một ngọn cờ chung. Và lá cờ hữu hiệu nhất lúc này là nội chiến, chống lại Donbass - khu vực một lòng hướng Nga.
Binh lính trong tiểu đoàn cực đoan Pravy Sector |
Đó là yếu tố nội tại khiến Kiev không sớm chịu thuyết phục trước những điều khoản mà EU đưa ra. Còn từ bên ngoài, Ukraine vẫn đang mong ngóng sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Những chuyến hàng viện trợ mà Canada, Litva... vừa chuyển đến Ukraine đã thắp lên hi vọng về việc Washington giữ lời hứa mà viện trợ vũ khí, tiền bạc cho Kiev.
Tuy nhiên, Washington lúc này khó lòng có thể nghĩ đến Kiev. Họ đang rơi vào hoàn cảnh đấu đá quyết liệt, khi mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải tìm cách thuyết phục Quốc hội hiện đang chịu kiểm soát của Đảng Cộng hòa đối lập.
Một khi chưa thể ngã ngũ những mâu thuẫn giữa hai bên Nhà Trắng và Quốc hội thì sẽ chẳng có quyết sách nào đến nơi đến chốn. Hoặc Quốc hội không thông qua, hoặc Tổng thống tìm cách phủ quyết. Và sự rắc rối của chính quyền Mỹ phải đối mặt lúc này sẽ chỉ khiến cho sự chờ đợi của Ukraine thêm dài.
Trong khi đó, Ukraine vẫn đang phải đánh với người ly khai bằng tất cả những gì mình có. Chỉ có điều, người sốt ruột nhất lại là EU. Kiev có thể kiên nhẫn chờ Mỹ, nhưng người dân châu Âu đang thiếu sự kiên nhẫn với lãnh đạo của họ. Già néo đứt dây, nếu Mỹ không sớm đưa ra những toan tính kịp thời cuộc, rất có thể Washington sẽ phải độc lực đối đầu với Nga, điều mà chưa một tổng thống nào của Mỹ nghĩ đến.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét