(PetroTimes) - Thừa biết rằng mọi lệnh trừng phạt vào Triều Tiên hiện nay đều vô tác dụng nhưng chính quyền Mỹ vẫn đưa ra gói trừng phạt mới nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng để trả đũa vụ tấn công tin tặc hãng phim Sony Pictures. Đằng sau quyết định của Obama là một ẩn ý khác chăng?
Ngày 2/1, Tổng thống Mỹ Obama đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào 3 tổ chức và 10 cá nhân Triều Tiên. Cụ thể 10 quan chức cao cấp của chính quyền Bình Nhưỡng, cũng như cơ quan tình báo Triều Tiên và hai công ty có liên quan đến lĩnh vực quân sự của nước này bị Mỹ đưa thêm vào danh sách đen. Những cá nhân và các công ty này sẽ bị từ chối truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ, và các công dân Mỹ sẽ không được phép tham gia các hoạt động chung và các giao dịch tài chính với Triều Tiên.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, Tổng thống Barack Obama viết: “Lệnh (trừng phạt) không nhằm vào người dân Triều Tiên mà nhằm vào Chính phủ Triều Tiên cùng những hành động đe dọa nước Mỹ và các nước khác. Nước này (Triều Tiên) tiếp tục đe dọa tới an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ”.
Poster quảng cáo phim "The Interview" tại Mỹ ngày 23/12/2014
Cho tới nay, Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI vẫn khẳng định chính Triều Tiên đã chỉ đạo vụ tấn công tin học vào Sony Pictures hồi tháng trước, điều mà một số chuyên gia nghi ngờ.
Ngay lập tức ngày 4/1/2015, Triều Tiên đã cực lực lên án các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng của Mỹ và chỉ trích việc Washington từ chối mở cuộc điều tra chung về vụ tin tặc tấn công Sony Pictures. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chỉ khiến Bình Nhưỡng thêm quyết tâm đặt ưu tiên vào chương trình quân sự của nước này.
“Hành động đơn phương của Nhà Trắng đối với Bình Nhưỡng cho thấy rằng Mỹ không xa rời sự thù địch thâm căn cố đế chống lại Triều Tiên"-hãng Reuters trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chẳng qua chỉ là “hư chiêu”. Tác dụng thực tế của biện pháp này gần như bằng 0 vì từ hơn nửa thế kỷ qua, Bình Nhưỡng đã chịu đủ mọi hình thực trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhưng Chính quyền Triều Tiên vẫn đứng vững và luôn là mối lo ngại đối với phương Tây. Giáo sư François Durpaire, giảng dạy môn chính trị quốc tế tại Đại học Cergy-Pontoise, Pháp, nhận định: “Biện pháp trừng phạt kinh tế có rất ít ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng. Triều Tiên không thể nghèo hơn được nữa vì đã nghèo khó cùng cực rồi. Vậy thì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sẽ là gì? Một lần nữa điều đó cho thấy sự bất lực của chính phủ Mỹ trong việc xử lý vấn đề này”.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hành động tấn công tin tặc nhằm vào Sony Pictures là vô cùng nguy hiểm. Các chuyên gia chống khủng bố tại Mỹ cho vụ tin tặc tấn công Sony này còn tệ hại hơn cả Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS bởi vì có một sự bất đối xứng lực lượng thiên về phía Bình Nhưỡng. Washington cho rằng, Triều Tiên có một đạo quân tin tặc gồm khoảng 1.200 người, để chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Lực lượng này đông hơn nhiều so với phía Mỹ. Trước mắt, coi như không làm được gì nhiều, nhưng về lâu về dài, thì chính quyền Mỹ phải xác định trở lại các mối đe dọa, coi xem đe dọa đến từ các cuộc tấn công mạng trong tương lai là gì, phải chăng các cuộc chiến trong tương lai sẽ là chiến tranh trên không gian mạng.
Mặc dù biết trước chẳng có tác dụng gì nhiều nhưng Mỹ vẫn làm. Đây là lần đầu tiên Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên một quốc gia khác để trả đũa hành động tấn công mạng nhằm vào một công ty của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng thực chất hành động lần này của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc. Triều Tiên dù gì thì vẫn còn là một đồng minh của Trung Quốc. Việc Washington gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng chẳng khác nào hành động “vuốt mặt không nể mũi”. Mặt khác, lâu nay Mỹ luôn tố cáo Trung Quốc đứng đằng sau các đợt tấn công tin tặc nhằm vào các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước của Mỹ. Đã có nhiều báo cáo từ Mỹ đưa ra chứng minh thủ phạm các vụ tấn công tin tặc này đến từ Bắc Kinh nhưng chưa lần nào Mỹ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt mà chỉ dừng lại ở những biện pháp ngoại giao. Nay lần đầu tiên Washington đưa ra biện pháp trả đũa đối với một vụ tấn công tin tặc, mặc dù đó chỉ là vụ nhằm vào một công ty tư nhân đóng trên đất Mỹ, nhưng rõ ràng thông điệp của Washington đã được gửi đến Bắc Kinh, là từ giờ Mỹ sẽ đáp trả những vụ tấn công tin tặc từ bất cứ nước nào.
Việc áp đặt trừng phạt Triều Tiên lần này là một tiền đề cho những hành động của Mỹ sau này đối với những vụ tấn công trong không gian ảo.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét