'Cánh tay thần chết' sẽ là một trong những ưu tiên trong chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Bang Nga, Đại tướng Valeri Gerasimov, cho biết trong năm 2015 Nga sẽ dành ưu tiên chiến lược cho việc phát triển các lực lượng không quân, trong đó trọng tâm là phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược.
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Ria Novosti sau khi Tổng thống Vladimir Putin công bố Học thuyết quân sự 2014, Tướng Gerasimov khẳng định việc phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ là ưu tiên của quân đội Nga trong năm 2015.
Tướng Valeri Gerasimov |
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cũng cho biết quân đội Nga đã đặt hàng mua thêm 50 tên lửa xuyên lục địa chiến lược và bổ sung vào trực chiến thường xuyên 2 tàu ngầm mang tên lửa lớp Borei được trang bị 20 tên lửa Bulava.
Bên cạnh đó, các đơn vị tên lửa đặc biệt sẽ được thành lập thêm 4 trung đoàn mới, mỗi trung đoàn được cấp 12 tên lửa Yars, loại vừa được Nga thử nghiệm thành công.
Giới chuyên gia Nga cho rằng để thực hiện các nội dung trong bản Học thuyết quân sự mới, Nga sẽ phát triển đồng bộ các lực lượng hạt nhân, từ tăng cường sản xuất đến ứng dụng các phương tiện sát thương hạt nhân.
Cụ thể, Nga sẽ duy trì số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược ở mức độ cần thiết, đồng thời thành phần chiến đấu và các hệ thống điều khiển hạt nhân chiến lược phải được đảm bảo có khả năng đáp trả đòn đánh của đối phương trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào, thậm chí ngay cả khi toàn bộ các trạm điều hành và chỉ huy đều đã bị đối phương làm cho tê liệt.
Học thuyết quân sự mới của Nga vẫn coi trọng phát triển lực lượng hạt nhân |
Tổng thống Nga Putin cũng từng thừa nhận những thách thức đối với lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Đâu tiên, lực lượng này có thể bị tê liệt nếu đối phương tiến hành một đòn tấn công ồ ạt bằng vũ khí chính xác cao. Ví dụ minh họa là đòn tấn công của cùng lúc hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn quả trên lửa có cánh từ biển và từ trên không.
Để hóa giải nguy cơ này, tổ hợp phóng tự động vũ khí tên lửa hạt nhân sẽ được cải thiện mạnh mẽ trong năm tới, bởi hệ thống này vốn được xây dựng từ thời Liên Xô và đã bị lạc hậu so với tiến bộ kỹ thuật ngày nay. Hệ thống này có tên là Perimetr và được phương Tây đặt tên là “cánh tay thần chết”.
Bản chất của Perimetr là: Ngay cả trong trường hợp bị tấn công bất ngờ và toàn bộ giới lãnh đạo chính trị và quân sự tối cao của đất nước bị tiêu diệt thì lệnh đánh đòn trả đũa bằng vũ khí hạt nhân sẽ được đưa ra một cách tự động và chắc chắn sẽ được chuyển đến các khẩu đội tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các thành tố khác của lực lượng hạt nhân còn sống sót.
Lúc ấy sẽ không cần “các va li hạt nhân”, hệ thống chỉ huy Kazbek cũng như đường dây liên lạc với các Bộ tham mưu của lực lượng hạt nhân chiến lược và Hải quân.
Cụ thể, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt vào lãnh thổ Liên Xô, một quả tên lửa giống hệt như tên lửa Voevoda sẽ được tự động phóng lên từ một hầm phóng. Nhưng quả tên lửa này không mang đầu đạn mà mang một hệ thống các thiết bị điện tử tinh vi - Perimetr. Các thiết bị điện tử này sẽ liên tục kiểm tra và đo một loạt các tham số trên lãnh thổ Liên Xô như: mức độ phóng xạ, có hay không các điểm bức xạ ion và bức xạ điện từ, các dao động địa chấn.
Tiếp đó là kiểm tra cường độ các cuộc trao đổi trên mạng liên lạc vô tuyến quân sự và kiểm tra tình trạng các sở chỉ huy. Nếu các sở chỉ huy đã bị tiêu diệt, nếu tất cả các tham số được kiểm tra cho thấy thực sự đã có một cuộc tấn công hạt nhân – lúc đó lệnh đánh đòn trả đũa sẽ được Perimetr tự động truyền ngay lập tức đến các cụm quân của lực lượng hạt nhân còn lại trong các hầm phóng, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân.
Tên lửa RS-24 Yars của Nga |
“Cánh tay thần chết” Perimetr hiện vẫn đang trực chiến song do được phát triển từ những năm 1970, hệ thống này hiện đã lạc hậu và cần được hiện đại hóa để đáp ứng các yêu cầu tác chiến mới.
Nhiều khả năng Nga sẽ gia cố và hiện đại hóa các trạm điều khiển và lưu giữ tên lửa chiến lược cả trên mặt đất, dưới hầm ngầm và trên không. Đồng thời, việc bảo vệ các mục tiêu này trước các đòn tấn công từ bên ngoài cũng sẽ được tăng cường, hay nói cách khác Nga cũng sẽ xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa riêng.
Giới quân sự tính toán, để tiêu diệt nước Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, Nga cần ít nhất 50 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược được cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký năm 2010, số lượng tối đa tên lửa mà mỗi nước được phép duy trì bị giảm xuống còn 700 đơn vị. Như vậy, số lượng tên lửa hiện nay đủ để Nga có thể 14 lần tiêu diệt nước Mỹ.
Cũng trong chương trình quốc phòng năm 2015, Nga sẽ tiến hành thử nghiệm hệ thống lá chắn tên lửa S-500 do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Almaz-Antei sản xuất. Theo các tài liệu công bố, hệ thống này có khả năng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào có tốc độ bay đến 7 km/s ở độ cao đến 250 km. Ngoài ra, Nga cũng sẽ triển khai 2 trạm quan sát vô tuyến “Voronhezh” có khả năng phát hiện tên lửa xuyên lục địa và “radar bay” thế hệ mới, máy bay trinh sát tầm xa A-100.
Tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga |
Giám đốc Viện đánh giá chiến lược Alexandr Konovalov cho rằng trong bối cảnh quân sự hiện nay, Nga không cần thiết phải tiếp tục phát triển các lực lượng hạt nhân, mà chỉ cần duy trì và hiện đại hóa tiềm năng hiện có. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế hoạt động của NATO, nhiệm vụ đặt ra là sản xuất các loại vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao để gia tăng khả năng kiềm chế phi hạt nhân.
Chuyên gia này giải thích rằng thậm chí Nga không cần quan tâm loại vũ khí nào được đối phương sử dụng, mà chỉ cần đảm bảo khả năng phát hiện sớm và tiêu diệt chính xác ngay khi chúng vừa rời bệ phóng. Bên cạnh đó, vũ khí siêu chính xác còn cho phép tiêu diệt các mục tiêu nhỏ, cơ động như các tổ chức khủng bố, tội phạm có tổ chức…
Theo số liệu công khai của Bộ quốc phòng, tính đến thời điểm đầu năm 2010, Nga hiện duy trì trực chiến 300 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dưới lòng đất, hơn 179 tên lửa tương tự được bố trí trên tàu ngầm và trên 1.000 tên lửa được lắp đặt trên các máy bay ném bom tầm xa. Trong khi đó của Mỹ, các con số tương tự lần lượt là 450, 300 và 400.
Theo các phân tích tin cậy thì phương tiện mang vũ khí chiến lược của Nga mới hơn của Mỹ. Nga có các tên lửa mới như RS-24 Yars và Topol-M, các máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95, 7 tàu ngầm mang tên lửa dự án 667 BDRM Delphin và dự án 667 BDR Kalmar.
Tuy nhiên, những loại tên lửa cũ của Mỹ như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman dù đã có trong trang bị hơn 40 năm nhưng đã nhiều lần được hiện đại hóa về hệ thống điều khiển, động cơ, đầu đạn…Chính vì vậy, để đảm bảo cân bằng chiến lược và khả năng kiềm chế hạt nhân (và cả phi hạt nhân), Nga vẫn cần tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình.
- Nam Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét