Sau sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych mà liền sau đó là biến động ở miền Đông, chính quyền mới tại Kiev phải đối mặt với thực tế chỉ có trong tay một quân đội yếu kém và buộc phải kêu gọi sự “giúp sức” của đạo quân “tình nguyện”.
Đạo quân này lên đến hàng nghìn người, được “biên chế” trong các tiểu đoàn tiễu phạt. Nhiều trong số này từng là các “cựu binh” từng tham gia phong trào Maidan. Các chiến binh này chủ yếu nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ các tổ chức dân sự cũng như các doanh nghiệp Ukraine.
Cá biệt, trong số này có cả các phần tử mang hệ tư tưởng cực hữu; đó là nhóm Right Sector, tiểu đoàn tiễu phạt Azov khét tiếng - lực lượng đi lên sau các các cuộc biểu tình, xung đột Maidan. Một số tiểu đoàn tiễu phạt khác như Dnepr-1, Dnepr-2 thì do các trùm tài phiệt bỏ tiền ra chiêu mộ và nắm quyền điều hành.
Thời gian gần đây, chính những “tiểu đoàn tiễu phạt” này đã có đe dọa, bắt cóc các quan chức chính quyền, mạnh miệng tuyên bố sẽ lên “tiếm quyền” nếu Tổng thống Petro Poroshenko không “thắng” được Nga. Chính những nhóm này cũng nhúng tay vào việc chiếm đoạt các doanh nghiệp, khống chế chính quyền địa phương.
Hồi tháng 8/2014, các phần tử thuộc tiểu đoàn Dnepr-1 đã bắt cóc người đứng đầu Quỹ quản lý đất đai của chính quyền trung ương, ngăn không để ông này sa thải một quan chức được cho là có liên hệ mật thiết với các nhóm lợi ích doanh nghiệp. Hôm 15/12/2014, chính tiểu đoàn này đã cản phá đoàn xe nhân đạo trên đường đến cứu trợ ở Donbass. Gần 10 ngày sau đó, tiểu đoàn tiễu phạt Azov tuyên bố nắm quyền “quản lý trật tự” ở thành phố duyên hải Mariupol mà chưa được sự chấp thuận của quan chức chính phủ hay chính quyền địa phương.
Các công tố chính phủ đã phát lệnh điều tra, truy tố đối với 38 nhân vật chỉ riêng với tiểu đoàn Aidar. Lối hành động tàn ác kiểu vô luật, liều lĩnh, không tuân thủ chỉ huy của “đạo quân tình nguyện” này đang trở thành mối đe dọa ngày một lớn đối với ổn định tại Ukraine. Chính quyền của ông Poroshenko cũng đã nhận thức được mối nguy, từng triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh bàn về cách thức “xử lý” đạo quân trên.
Thế nhưng, điều đáng báo động chính lại nằm ở vai trò của Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov và các trùm tài phiệt. Thay vì kiểm soát, chế ngự những chiến binh này, tiến hành các cuộc thẩm tra về hành vi tội phạm mà họ gây ra, ông Avakov lại ra lệnh cung cấp cho các tiểu đoàn tiễu phạt nhiều vũ khí hạng nặng như xe tăng, bọc thép trở quân và nâng quy mô lên cấp lữ đoàn. Thậm chí, thủ lĩnh của tiểu đoàn Azov còn được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng khu vực Kiev. Tỉ phú Ihor Kolomoyskyy, thống đốc vùng Dnipropetrovsk, người bơm tiền và nắm quyền điều hành đối với 4 tiểu đoàn tiễu phạt Donbass, Azov và Dnepr-1 và Dnepr-2, cũng đã bật đèn xanh để đội quân này có các hành vi bất tuân luật pháp.
Vậy Kiev có thể làm gì? Tổng thống Poroshenko rõ ràng là muốn giải quyết vấn nạn trên, nhưng ông tỏ ra miễn cưỡng và dường như bất lực. Để thành công, ông Poroshenko sẽ phải cần đến sự hợp tác từ phía Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk - người hiện vẫn tỏ ra chần chừ trong vấn đề này, khi mà Bộ trưởng Avakov là một trong những đồng minh chính trị chủ chốt của ông.
Ở một khía cạnh khác, chính quyền Ukraine cũng không thể làm ngơ, che giấu những hành động sai trái, xấu xa của các tiểu đoàn tiễu phạt; vì e sợ làn sóng phản đối, chỉ trích từ trong nước cũng như từ cộng đồng quốc tế. Ukraine hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng việc đập tan xu thế cát cứ địa phương ngay từ trứng nước sẽ góp phần để quốc gia này lấy lại được sức mạnh, phục hồi phát triển.
Hoài Thanh (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét