Những ông lớn của EU đã lên tiếng về việc không cần thiết phải tiếp tục trừng phạt Nga, trong bối cảnh EU chịu thiệt, còn Mỹ thì ung dung
EU đã thấm mệt
Nhiều ngày qua, nhiều quốc gia thuộc liên minh châu Âu thi nhau lên tiếng về việc họ đã quá mệt mỏi trong cuộc tranh đấu giữa Nga và Mỹ. Sau một loạt các nước nhỏ như Cộng hòa Czech, Ba Lan, Áo... thì Đức đã chính thức đánh tiếng.
Những tuyên bố của Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel hôm 4/1/2014 cho thấy Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu đã lo sợ những tác động xấu từ sự ốm yếu của kinh tế Nga sẽ lan sang EU. Và Đức cũng nhấn mạnh rằng trừng phạt kinh tế Nga không phải với mục đích làm Nga suy yếu, sụp đổ mà để góp phần giải quyết các vấn đề của Ukraine.
Phó Thủ tướng Đức cũng thể hiện quan điểm rằng nếu bất kỳ bên nào coi các biện pháp trừng phạt này là nhằm vào việc hạ bệ Nga, thì đã đến lúc không cần phải duy trì trừng phạt vì nó đã đi sai mục đích.
Ngay sau tuyên bố của Đức, Pháp - một trong 4 bên có tiếng nói quan trọng quanh vấn đề Ukraine đã có những tuyên bố rất đáng chú ý. Ngày 5/1/2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thừa nhận cuộc khủng hoảng ở Nga không phải là điều tốt đẹp cho châu Âu.
Ông Hollande phát biểu: "Ông Putin dường như không mong muốn chiếm giữ miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng của Nga lên người láng giềng lâu năm và đưa nước này tránh xa khỏi NATO. Tôi đã ghi nhận những tích cực của Nga để giải quyết vấn đề Ukraine. Và đã đến lúc cộng đồng quốc tế dỡ bỏ những lệnh cấm vận kinh tế với Nga."
Tổng thống Pháp Francois Hollande không muốn tiếp tục trừng phạt Nga |
Tuyên bố này của Tổng thống Pháp được đưa ra sau khi ông cam kết sẽ tái thiết nền kinh tế Pháp vào năm 2015. Theo đó, Paris sẽ cố gắng cải thiện tăng trưởng Pháp từ mức gần như con số không lên 1% trong năm mới. Những gì ông Hollande tuyên bố về Nga cho thấy sức khỏe của kinh tế Moscow ảnh hưởng nhiều đến các chiến lược kinh tế của châu Âu nói chung, và cả Pháp nói riêng.
Nếu như một loạt các quốc gia nhỏ bé như Ba Lan, Czech, Áo... lên tiếng, Mỹ có thể bỏ ngoài tai. Nhưng các ông lớn EU như Đức, Pháp đã thừa nhận sự mệt mỏi của châu Âu, thì tình hình đã vượt ngoài sự kiểm soát của Mỹ. Đã đến lúc Washington phải toan tính lại về cuộc chiến kinh tế với Nga, khi mà những đồng minh đã không còn đồng lòng.
Vì sao EU phản đối trừng phạt Nga?
Còn nhớ hồi tháng 6/2014, khi Mỹ kêu gọi trừng phạt kinh tế Nga, lác đác một vài quốc gia thân cận với Washington đã hưởng ứng. Nhưng các biện pháp trừng phạt chính thức được cả EU áp đặt được đánh dấu sau khi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine, khiến gần 300 người thiệt mạng hồi tháng 7.
Khi đó, Thủ tướng Hà Lan đã khẳng định Nga sẽ phải trả giá cho những sinh mạng này (đại đa số là người Hà Lan), có thể Nga không phải là kẻ chủ mưu, nhưng những gì Nga theo đuổi ở miền Đông Ukraine, dẫn đến cuộc nội chiến đã khiến những sinh linh vô tội đó thiệt mạng.
Tuy nhiên, khi cả châu Âu vào cuộc, lập tức Nga có những hành động đáp trả kiên quyết, cho thấy Moscow không đầu hàng trước bất kỳ sức ép nào. Bằng chứng cho thấy, Nga đã trả đũa cấm nhập khẩu nông sản từ EU. Và rất nhiều nông dân của các nước thành viên châu Âu đã mang trái cây, nông sản thừa thãi đến trước các cơ quan công quyền của nhà nước để biểu tình phản đối chính sách trừng phạt Nga.
Pháp, Đức đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu gỡ bỏ cấm vận |
Tình hình càng ngày càng tệ hơn và phần thiệt hại không phải chỉ mình Nga gánh. Cần phải biết rằng thị trường Nga đang là nguồn sống quan trọng cho những sản phẩm công nghệ cao, ngành cơ khí, hay đồ xa xỉ phẩm của châu Âu. Có thể lấy ví dụ, tính đến tháng 12/2014, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Nga với sự rớt giá thảm hại của đồng Ruble đã khiến hãng xe Volkswagen của Đức mất 20% doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Các thương hiệu danh tiếng như bia Carlsberg, thời trang thể thao cao cấp Adidas cũng chịu thiệt hại không kém.
Ngoài ra, Nga còn là thị trường tiêu thụ những sản phẩm công nghệ cao của EU như thiết bị điện tử, thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí, và thậm chí là cả vũ khí hiện đại. Thiệt hại có thể lên tới vài chục tỷ euro mà EU mất sau đó, cùng với nhiều chục tỷ khác sẽ mất trong tương lai mới là điều khiến EU rùng mình.
Mặt khác, một khi đoạn tuyệt với EU, tất nhiên Nga sẽ tìm đến những thị trường khác, hoặc đơn giản hơn là tự sản xuất.
Bài học về thương vụ Mistral của Pháp là một ví dụ. Khi Pháp gây sức ép không bàn giao tàu cho Nga, Moscow vui vẻ chấp nhận, họ làm theo đúng hợp đồng, phạt Paris hàng tỷ USD, và sau đó tuyên bố Moscow sẽ tự đóng những con tàu tương tự.
Điều đáng ngại hơn, khi Moscow bị áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm thu hẹp thị trường và vốn đầu tư nước ngoài, họ sẽ phải mở rộng thị trường ra các hướng không đối lập. Và Trung Quốc vẫn sẵn lòng hồ hởi mở rộng vòng tay đón nhận những bản hợp đồng hợp tác với Nga.
Hiện tại Bắc Kinh vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ và EU trong các sản phẩm công nghiệp phân khúc trung, cao, các thiết bị công nghệ cao, thiết bị điện tử... Một khi Nga mở rộng sản xuất những thiết bị này để phục vụ nhu cầu trong nước, tất nhiên họ cũng tìm đường xuất khẩu chúng. Và EU hay Mỹ sẽ chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ phía Nga lên thị trường béo bở Trung Quốc.
Đó là các vấn đề về kinh tế, còn một vấn đề khác dẫn đến nhiều hệ lụy hơn: dự án dòng chảy phương Nam của Nga. Thay vì những đường ống khí đốt này đi qua lãnh thổ châu Âu, khiến nhiều quốc gia được hưởng lợi từ phí trung chuyển lên đến hàng tỷ USD mỗi năm, thì Nga đã quyết định "nắn" đường ống này qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Italy, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang là những thành viên đứng ở ngưỡng cửa phá sản |
Châu Âu không chỉ mất tiền trung chuyển, mà họ còn đối diện với nguy cơ mua khí đốt, năng lượng với giá cao hơn do quãng đường của dòng chảy phương Nam đến châu Âu bị đội thêm hàng trăm km.
Ngoài ra, EU không phải đang trong thời kỳ sung mãn của nền kinh tế. Hiện tại, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bắt đầu tính đến việc thanh trừng những thành viên yếu kém, và Hy Lạp là cái tên đầu bảng trong danh sách. EU cũng đã phải móc hầu bao 30 tỷ euro để giải nguy cho nền kinh tế bên bờ vực phá sản của Tây Ban Nha.
Đồng thời, niềm tin của người dân các quốc gia thành viên vào sự lãnh đạo của chính phủ, và tính hiệu quả của liên minh châu Âu đang ngày càng giảm sút. Thậm chí hồi tháng 12/2014, Pháp đã cân nhắc đến việc rút khỏi EU.
Những tính toán đó cho thấy EU đang thiệt đơn thiệt kép xung quanh việc theo đuôi Mỹ để áp đặt trừng phạt lên Nga. Trong khi đó, nhìn về phía Mỹ, đồng USD của họ vẫn tăng giá, nền kinh tế của họ đảm bảo mức tăng trưởng đều đặn và ổn định. So sánh những lợi ích trong cục diện Ukraine giữa EU và Mỹ lúc này chỉ khiến EU thêm tủi phận.
Điều đó lý giải vì sao các nhà lãnh đạo châu Âu không thể tiếp tục theo đuổi những quan điểm địa chính trị của Mỹ. EU buộc phải lựa chọn việc đảm bảo quyền lợi kinh tế của chính họ, cũng là duy trì sự ủng hộ của nhân dân châu Âu với chính phủ hiện hành.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét