Dù đang đối đầu căng thẳng với Nga trước những vấn đề liên quan tới Ukraine, NATO sẽ “tìm kiếm mối quan hệ hợp tác” với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thư ký NATO tuyên bố hôm 8/1.
Nga “sẽ trở thành một đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg phát biểu sau vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tại Paris cướp đi sinh mạng của 12 người.
“Đó là lý do chúng tôi sẽ xây dựng một mối quan hệ hợp tác và mang tính xây dựng với Nga. Chúng tôi cho rằng Nga đóng vai trò là quốc gia láng giềng lớn nhất tại châu Âu và NATO đang tìm kiếm mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chống khủng bố với Nga”, tờ Bloomberg dẫn lời ông Stoltenberg.
Cảnh sát Pháp được điều động tới hiện trường sau vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hôm 7/1. |
Ông Stoltenberg nhận định vụ xả súng cướp đi sinh mạng của 12 người do các tay súng Hồi giáo thực hiện tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hôm 7/1 là một “vụ tấn công nhằm vào nền báo chí tự do, sự tự do quan điểm và xã hội tự do”.
Điều đáng nói là lời kêu gọi thiết lập đồng minh chống khủng bố với Nga được Tổng thư ký NATO đưa ra sau nhiều tháng liên minh quân sự này hủy bỏ toàn bộ “chương trình hợp tác dân sự và quân sự” với Moscow kể từ hồi tháng 4/2014.
Quyết định cắt đứt quan hệ với Nga được NATO đưa ra sau cáo buộc Moscow hỗ trợ cho các tay súng ly khai trong cuộc chiến tại miền đông Ukraine và việc Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine hồi tháng Ba năm ngoái.
Hồi tháng 5/2014, Phó tổng thư ký NATO, ông Aleksander Vershbow còn tuyên bố liên minh quân sự này coi Nga “là kẻ thù chứ không phải là đối tác”.
Thậm chí, phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn nhấn mạnh Nga là mối đe dọa lớn thứ hai trên thế giới sau đại dịch Ebola nhưng lại đứng trên cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Ngoài ra, NATO còn tăng cường quân đội tới Ba Lan và các nước Baltic như một động thái chuẩn bị đối phó với những mối đe dọa từ Nga sau khi Moscow tuyên bố học thuyết quân sự mới hồi tháng 12 năm ngoái.
Vào thời điểm đó, khi nhắc tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng tình hình “rất nghiêm trọng” và “điều quan trọng là chúng tôi sẽ làm tất cả để đạt được một giải pháp hòa bình”.
Cuộc chiến tại miền đông Ukraine bùng nổ từ tháng Tư năm ngoái tại 2 thành phố miền đông Donbas và Lugansk, cướp đi sinh mạng của hơn 4.700 người và khiến 10.300 người bị thương, theo ước tính của Liên Hợp Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai trang chuyên về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác của doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét