Chính quyền mới ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự phong đã cam kết giải quyết các vấn đề như phục hồi kinh tế trong khu vực, tăng lương và phúc lợi xã hội. Ông Denis Pushilin - một trong những lãnh đạo của phong trào Cộng hòa Donetsk thắng cử trong nghị viện của DPR - phát biểu rằng, không thể để bầu cử ở Donetsk lùi đến 7.12 như Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đề xuất, do một loạt vấn đề cần giải quyết khi mùa đông đến và không thể chờ chính quyền Ukraina hành động. Ông nói rằng, chính quyền mới ở Donetsk “không thể phớt lờ Ukraina, nhưng sẽ chia tách không gian quan hệ chính trị và quân sự” với chính quyền Ukraina.
Cả hai nước cộng hòa tự phong Donetsk và Lugansk hôm 3.11 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh, họ sẵn sàng đối thoại với Ukraina và khôi phục quan hệ với các vùng của Ukraina, kể cả việc cung cấp than để chuẩn bị cho việc sưởi ấm mùa đông tới. “Chúng tôi để ngỏ khả năng tiếp tục đối thoại. Nhưng đối thoại này phải bình đẳng… Chúng ta cần hợp tác về cung cấp điện, sản phẩm nông nghiệp, trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, sản phẩm xuất khẩu. Nền kinh tế của chúng tôi sẽ hoạt động trong vùng đồng tiền hryvnia nếu Ukraina ngừng cấm vận tài chính” – tuyên bố viết.
Cùng ngày tại Kiev, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các quan chức Hội đồng Quốc phòng An ninh Ukraina về bầu cử của quân ly khai ở miền đông mà ông cho là “phá hoại tiến trình hòa bình”. Trong cuộc họp này, ông đề xuất xóa bỏ luật về dành quyền tự quản đặc biệt cho Donetsk và Lugansk – điều mà Ukraina đã đề xuất trong tiến trình hòa bình. Ông nói, luật sẽ được khôi phục nếu 2 vùng ly khai hủy bỏ kết quả bầu cử.
Phản ứng trước đe dọa của Tổng thống Poroshenko, đại biểu Nghị viện Donetsk - ông Denis Pushilin - cho rằng, đây là quyết định “điên rồ” của Ukraina. “Vấn đề là cuộc bầu cử đã diễn ra với số người đi bầu cao và các quan sát viên nhấn mạnh bầu cử là hợp pháp. Và Ukraina gây ra sức ép kiểu khác” - ông Pushilin nói và hy vọng các chính trị gia ở Ukraina sẽ bắt đầu đối thoại với chính quyền mới ở Donetsk hơn là chọn cách khác. Còn đại diện Hội đồng Nhân dân Lugansk Alexey Karyakin thì huỵch toẹt rằng, quy chế đó không cần thiết, không phù hợp với Lugansk.
Cho dù các quan chức và chính trị gia ở Ukraina có ủng hộ bãi bỏ luật quy chế tự quản cho Donetsk và Lugansk thì hành động này cũng chỉ mang tính biểu tượng, bởi xét cho cùng, hai vùng ly khai này đã tự tuyên bố quy chế đặc biệt của họ và tự tổ chức bầu cử.

Và điều quan trọng, hai nước cộng hòa ly khai đã có sự hậu thuẫn của Nga, tất nhiên sẽ có cả hậu thuẫn về kinh tế. Nga đã khẳng định tôn trọng ý chí của người dân đông nam và kêu gọi đối thoại bền vững giữa chính quyền Ukraina với phe ly khai. Nga cho rằng, cuộc bầu cử ở miền đông ngày 2.11 là hoàn toàn hợp pháp, còn đề xuất của Tổng thống Poroshenko trong luật quy chế đặc biệt về tổ chức bầu cử ở miền đông vào 7.12 là đơn phương, trái với tinh thần thỏa thuận Minsk.
Ukraina đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây. Từ Washington, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã ra tuyên bố nói rằng, Mỹ “lo ngại trước việc Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố tìm cách hợp pháp hóa các cuộc bầu cử giả mạo này”. Đức nói rằng, việc Nga ủng hộ bầu cử của miền đông là không thích hợp. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cảnh báo, Nga có thể tiếp tục đối mặt với lệnh cấm vận gia tăng để trả đũa cho quan điểm của họ.