Nếu Nga động binh, NATO sẽ đáp trả quân sự?
Ngày 11/8/2014, người phát ngôn của quân đội Ukraine Andriy Lysenko thông báo hiện tại sát biên giới Ukraine đã có tới 45.000 quân Nga cùng hàng loạt các thiết bị quân sự hạng nặng.
Người phát ngôn của quân đội Ukraine cho biết thêm những thiết bị quân sự hỗ trợ cho bộ binh Nga được trinh sát gồm 160 xe tăng, 1.360 xe bọc thép, 390 đơn vị pháo binh, 150 bệ phóng tên lửa Grad, 192 chiến đấu cơ và 137 trực thăng các loại.
Phía quân đội Ukraine cho rằng cuộc điều binh này của Nga là lớn nhất kể từ thời điểm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra. Ngay cả khi Nga chuẩn bị sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, quân đội Nga cũng chỉ có thời điểm cao nhất là 40.000 binh sĩ.
Những động thái này của Nga khiến Kiev và NATO không khỏi giật mình lo lắng và có những dự cảm không lành về việc Nga sẽ phát động chiến tranh nhằm vào Ukraine với lý do bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga.
Doanh trại của quân đội Nga sát biên giới với Ukraine |
Đánh giá về tình hình này, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhận định nhiều khả năng Nga sẽ tổ chức trực tiếp can thiệp quân sự vào Đông Ukraine, còn việc ngầm hỗ trợ lực lượng ly khai khí tài chiến tranh và binh lính là đã quá rõ ràng. Tướng Rasmussen cũng khẳng định chưa nhìn thấy dấu hiệu gì cho việc Nga sẽ thu hồi số lượng quân lính khổng lồ này trong thời gian tới.
Trước câu hỏi của báo giới về việc nếu Nga phát động chiến tranh với Ukraine, NATO sẽ phản ứng thế nào? Ông Rasmussen cho hay NATO sẽ không triển khai quân sự đáp trả bởi Ukraine chưa phải là thành viên của họ. Nhưng chắc chắn, cộng đồng quốc tế sẽ siết chặt biện pháp trừng phạt về kinh tế và cô lập nước Nga.
Xe cứu trợ của Nga băng vào vùng chiến sự
Xung quanh vấn đề Nga điều binh, ngày 12/8/2014 cũng đánh dấu việc Nga chính thức đưa lực lượng của mình vào lãnh thổ Ukraine với sứ mệnh viện trợ, cứu hộ cho những thường dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Lực lượng này được hộ tống quân sự, tổ chức với quy mô lớn lên tới 280 xe tải chở hàng cứu trợ.
Tuy nhiên, đoàn xe của Nga được đặt dưới sự kiểm soát của Tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc tế. Được biết, lực lượng này đã có mặt tại thành phố Luhansk, tỉnh Lugansk để thực thi các nhiệm vụ nhân đạo.
Phát biểu về hành động cứu trợ của nước Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Ukraine, Moscow sẽ duy trì và đảm bảo những chuyến hàng cứu trợ cần thiết. Chúng tôi muốn thế giới thấy rằng các chính phủ phương Tây đã không làm gì ngoài thái độ đạo đức giả về cuộc khủng hoảng tại đất nước này.”
Quang cảnh tại một trại tị nạn người Ukraine trên lãnh thổ của Nga |
Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh chính quyền Kiev đang tiến hành một cuộc thanh lọc sắc tộc đầy đẫm máu với cộng đồng người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, đáp lại hành động cứu trợ nhân đạo này của Nga, Mỹ và các đồng minh của mình vẫn cho rằng nước Nga đang vi phạm pháp luật quốc tế. Nhà Trắng phát đi thông điệp hôm 11/8 cho biết ngay cả việc đưa lực lượng vào cứu trợ nhân đạo của Nga cũng đang “không thể chấp nhận được.”
Theo thông tin từ phe ly khai tại miền Đông Ukraine, chiến dịch quân sự mà chính quyền Kiev phát động từ tháng 4/2014 đã khiến cư dân thành phố Luhansk giảm từ 425.000 người xuống còn 250.000 người. Nguyên nhân do thiệt mạng và sơ tán.
Tại Donetsk, nơi đang diễn ra “Chiến dịch cuối cùng” của Ukraine, dân số nơi đây ước tính khoảng 1 triệu người, nay chỉ còn khoảng 600.000 người.
Ngày 11/8/2014, Người phát ngôn Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Aleksandr Drobyshevsky cho biết Nga đã triển khai 703 điểm tị nạn cho người dân miền Đông Ukraine. Tính đến nay có 51.319 người Ukraine đang sơ tán tại đây, trong đó có 17.027 trẻ em. Phía Nga cho biết tất cả những người này đều được cung cấp thuốc men và nhu yếu phẩm.
Để trợ giúp người tỵ nạn, giới chức Nga đã thiết lập một đường dây nóng và đã nhận được hơn 6.100 yêu cầu trợ giúp. Ngoài ra, Nga cũng huy động các phương tiện giao thông, bao gồm cả máy bay của Bộ Tình trạng khẩn cấp, để chở những người đi lánh nạn.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét