Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có mặt tại Sydney (Úc) để hoàn tất thỏa thuận điều động lính thủy đánh bộ Mỹ đến Úc.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) và người đồng cấp Úc Julie Bishop tại Sydney hôm 11/8 |
Hiện có khoảng 1.150 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại thành phố Darwin, miền bắc nước Úc, theo một hiệp ước được ký kết hồi năm 2011, nhằm phục vụ cho chiến lược xoay trục về châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đến Úc chủ yếu để tham gia vào công tác đối phó khủng hoảng nhân đạo và xung đột trong khu vực, số binh sĩ này dự kiến sẽ tăng lên 2.500 người vào năm 2017.
Ngoài ra, quan chức hai nước cũng đang gấp rút hoàn tất thỏa thuận cho phép Mỹ gia tăng các hoạt động không quân và hải quân ở miền bắc nước Úc, thông qua việc điều động thêm chiến đấu cơ và máy bay ném bom Mỹ.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Bộ trưởn Chuck Hagel khẳng định: Mỹ sẽ không đi đâu cả vì các đối tác của Mỹ và các cam kết hiệp ước đồng minh của Mỹ đều ở khu vực Thái Bình Dương
Trước đó, vào hôm 11/8, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington sẽ giám sát các hoạt động tại Biển Đông để xem "các biện pháp làm giảm căng thẳng" có được thực thi hay không.
Với loạt động thái trên, Mỹ đang siết chặt vòng vây quanh Trung Quốc. Điều đáng nói, chính Trung Quốc lại là người thúc đẩy hành động trên của Mỹ khi nước này thể hiện sự bất hợp tác, hung hăng khi bàn về vấn đề Biển Đông.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Myanmar, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thể hiện sự quan ngại trước những diễn biến tại nơi có “những tuyến đường biển và hải cảng toàn cầu thiết yếu” mà “khu vực kinh tế năng động châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào”.
“Ai cũng hiểu bất cứ điều gì xảy ra ở vùng biển này không chỉ ảnh hưởng đến khu vực và Mỹ, mà đến bất kỳ ai trên thế giới muốn nhìn thấy một Đông Nam Á tiếp tục lớn mạnh dựa trên tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế”, ông Kerry lập luận.
Bởi vậy, “Mỹ và ASEAN có chung trách nhiệm bảo đảm an ninh cho những tuyến đường biển và hải cảng toàn cầu thiết yếu này”, bằng cách quản lý các mối căng thẳng một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, ông nói.
“Chúng tôi khuyến khích các quốc gia tuyên bố chủ quyền cân nhắc tự nguyện đồng ý chấm dứt một số hành động mà theo ngôn ngữ của DOC năm 2002 là làm phức tạp và leo thang tranh chấp”, ông đề nghị.
Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi lập trường về quốc phòng cũng như các quyền lợi trên biển của mình, và sẽ không chấp nhận bất cứ ai cố tình làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông”.
“Tình hình trên Biển Đông nhìn chung là ổn định. Chẳng có vấn đề gì đối với sự lưu thông trên biển cả. Chỉ có ai đó cố tình thổi phồng và gọi đó là căng thẳng ở biển Đông”, ông Vương nói qua phiên dịch viên.
Nhà ngoại giao đến từ Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa: “Chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết nếu bị khiêu khích”.
Có lẽ Trung Quốc sẽ cảm thấy hối tiếc khi họ đã "mời" Mỹ vào Biển Đông, không những thế còn tự tay siết thòng lọng quanh cổ mình khi mạng lưới quân sự Đông Bắc Á - được thiết lập bởi các đồng minh của Mỹ giờ đây có thêm sự tham gia của quân đội Úc.
An Nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét