Ngày 9/8, một chuyên gia về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh cần phải “phản công” trước sức ép mà Mỹ và Philippines tạo ra đối với nước này tại hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vừa mới khai mạc tại Myanmar.
Hội nghị ARF lần này là cơ hội để 10 quốc gia thành viên ASEAN và 17 nước khác cùng ngồi lại để bàn bạc các vấn đề mà khu vực cùng quan tâm, trong đó căng thẳng trên Biển Đông sẽ là một trọng điểm của chương trình nghị sự.
Hội nghị ngoại giao ASEAN vừa khai mạc ở Myanmar
Trước khi hội nghị này diễn ra, Mỹ đã bày tỏ quyết tâm sẽ “ép” Trung Quốc phải chấm dứt các hành động làm thay đổi hiện trạng, gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, trong khi Philippines đề xuất kế hoạch yêu cầu tất cả các bên “đóng băng” hoạt động đào đắp, cải tạo các hòn đảo tại vùng biển tranh chấp.
Trước sức ép khủng khiếp đến từ cộng đồng quốc tế, hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phải có những phát biểu “nhún nhường” rằng Trung Quốc mong muốn đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và tăng cường hợp tác trên biển với ASEAN.
Tuy nhiên, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh thì tuyên bố trên tờ Hoàn Cầu rằng Mỹ đang “đội lốt đạo đức” đến tham dự hội nghị ARF trong khi mục tiêu thực tế của họ là “nhắm vào Trung Quốc”.
Ông Shi đang đề cập đến một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay tại ARF lần này, Ngoại trưởng John Kerry sẽ yêu cầu các bên “tự nguyện đóng băng” các hành động làm gia tăng căng thẳng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và tuân thủ những thỏa thuận đã ký kết về tôn trọng hiện trạng trên vùng biển này.
Sát cánh với Mỹ trong hội nghị ARF là Philippines, khi nước này cũng đề xuất thực hiện COC trên Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Trước đó, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á đã nói rằng mặc dù Trung Quốc đã dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuy nhiên cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông đã “khiến các quốc gia láng giềng đặt câu hỏi lớn về chiến lược lâu dài” của Bắc Kinh.
Cách hành xử trên Biển Đông của Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo ngại
Trung Quốc hôm thứ Hai đã quyết liệt bác bỏ đề xuất này của Mỹ bằng một tuyên bố ngang ngược rằng Bắc Kinh “thích xây gì thì xây” trên các hòn đảo mà họ chiếm giữ trái phép ở Biển Đông.
Tờ báo tiếng Trung Lianhe Zaobao xuất bản tại Singapore cho rằng việc Mỹ và Philippines phản đối Trung Quốc có các hoạt động thay đổi hiện trạng trên Biển Đông thể hiện “tiêu chuẩn kép” vì rằng họ không có phản ứng gì với hoạt động tương tự của “các nước khác”.
Ông Shi lập luận một cách ngang ngược rằng Mỹ “chưa từng phản đối việc Việt Nam và Philippines khai thác dầu khí trên Biển Đông”, thế nên Trung Quốc “phải phản công” Mỹ trong hội nghị này.
Tuy nhiên các học giả Trung Quốc đang cố tình phớt lờ một thực tế rằng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các quốc gia láng giềng đều được được tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế quốc gia theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Họ không ngang nhiên kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, không điều một lực lượng tàu hộ tống đông đảo, trong đó có cả tàu quân sự để ngăn cản lực lượng thực thi pháp luật của nước khác thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, có thể thấy chính Bắc Kinh mới đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Một mặt họ đòi các nước khác phải tôn trọng “tuyên bố chủ quyền” của mình trên vùng biển chiến lược này mặc dù không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, mặt khác lại có những hành động ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trí Dũng (Theo GlobalTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét