PetroTimes) - Người nông dân ở châu Âu và Mỹ bắt đầu cảm nhận được sức nóng từ các biện pháp trả đũa của Nga.
Hiện đang là mùa thu hoạch nhiều loại rau quả ở châu Âu
Ngày 7/8, Nga chính thức thông báo áp lệnh "cấm toàn diện" đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Na Uy trong thời hạn một năm và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.
Trước đó, ngày 6/8, Nga cũng đã tung ra một loạt các lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm nước ngoài vì "lý do sức khỏe" và để "bảo vệ người tiêu dùng". Các mặt hàng như sữa, pho mát, hành tây từ Ukraina; đào từ Hy Lạp; táo từ Ba Lan, hoa quả khác từ Moldova, hay thịt từ Tây Ban Nha đều bị cấm nhập khẩu vào Nga.
Các biện pháp này là một phần trong chuỗi những biện pháp trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây áp dụng đối với Nga, trước cáo buộc chính quyền Moskva không dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Một ngày sau quyết định trả đũa của Nga, nông dân châu Âu đã bắt đầu nao núng. Ngày 8/8, Chính phủ các nước EU đã yêu cầu Brussels bồi thường tài chính liên quan đến việc đình chỉ xuất khẩu sang Nga. Cao ủy Thương mại EU Karel De Gucht nói với các nhà báo rằng Ủy ban châu Âu có quỹ 400 triệu euro để đền bù cho nông dân châu Âu những thiệt hại liên quan đến lệnh cấm vận thực phẩm mà Nga vừa áp đặt.
Cùng ngày, sau khi điện đàm với Tổng thống François Hollande, Chủ tịch Tổng công đoàn các nhà khai thác nông nghiệp Pháp (FNSEA), Xavier Beulin, thông báo Paris sẽ yêu cầu (châu Âu) có những biện pháp quản lý khủng hoảng, chủ yếu đối với các loại rau, quả và cả thịt.
Đó là những biện pháp cho phép giữ lại một phần sản lượng các nông sản, đồng thời đền bù cho người sản xuất, qua đó tránh gây ra tình trạng thừa cung và làm sụt giá.
Pháp, Ý và Tây Ban Nha sẽ phối hợp với nhau để đề ra các biện pháp đền bù, hỗ trợ. Đại diện giới sản xuất nông nghiệp Pháp nhấn mạnh là cần phải khẩn trương vì hiện nay đang là mùa thu hoạch nhiều loại rau quả. Bỉ, Hà Lan, Đức và Ba Lan cũng là những nước sản xuất và xuất khẩu nhiều nông phẩm.
Những nước này lo ngại các nông phẩm, trước đây được xuất khẩu sang Nga, nay đổ vào thị trường châu Âu và sẽ làm sụt giá, gây khó khăn thêm cho giới sản xuất.
Ngày 9/8, Ba Lan, nước xuất khẩu táo hàng đầu ở châu Âu, đã tiến hành các thủ tục khẩn cấp đề nghị Mỹ mở cửa thị trường, do cấm vận của Nga.
Một cuộc họp của các chuyên gia nông nghiệp thuộc 28 quốc gia thành viên châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 14/8 tới tại Bruxelles. Pháp sẽ đề nghị Ủy ban châu Âu có những biện pháp khẩn cấp, phù hợp với tính nghiêm trọng của tình hình. Hiện tại, Nga vẫn chưa động đến mặt hàng rượu vang, có lẽ nhằm tránh đụng chạm đến Pháp vì Paris vẫn tiếp tục hợp đồng bán chiến hạm Mistral cho Nga. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đánh giá, rượu vang sẽ là bước kế tiếp của các biện pháp trả đũa của Nga. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev mới đây còn đe dọa sẽ cấm nhập khẩu xe hơi và cấm các hãng hàng không phương Tây bay qua vùng Siberi.
Cuộc đọ sức giữa phương Tây và Nga sẽ kéo dài trong bao lâu? Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đọ sức sẽ không quá lâu như Chiến tranh Lạnh trong vòng 50 năm nhưng cũng không kết thúc quá sớm.
Ngày 9/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các công ty của phương Tây vẫn hướng tới hợp tác với Nga bất chấp lệnh trừng phạt. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định Moskva hoan nghênh tinh thần này và sẵn sàng mở rộng hợp tác.
Nh.Thạch (tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét