CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan

Dưới chế độ phong kiến, vai trò của phụ nữ không được coi trọng đúng mức, tuy nhiên có một số người bằng khả năng, tài trí của mình đã trở thành quan chức trong triều đình, mặc dù hiếm hoi nhưng để lại dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử, trong số đó có bà Phạm Thị Trân.



Ngoại trừ các nữ tướng tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo và các nữ kiệt trong các cuộc kháng chiến chống ách đô hộ của ngoại bang thời Bắc thuộc, thì sau khi đất nước bước vào giai đoạn độc lập tự chủ lâu dài, kể từ triều Ngô, việc xây dựng bộ máy chính quyền ngày càng được hoàn thiện hơn.
Song song với nó là việc hình thành đội ngũ quan chức có sự phân định rõ ràng và tham gia vào đó có nhiều thành phần: quan văn, tướng võ, sư tăng, đạo sĩ và cả… phụ nữ.
Theo sách 'Đả cố lục' (Phép đánh trống), bà Phạm Thị Trân có hiệu Huyền Nữ, sinh năm Bính Tuất (926), quê ở đất Hồng Châu (nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), là người thông tuệ, tài sắc, từ thuở nhỏ đã tham gia vào các nhóm, các đoàn đi múa hát và làm trò, rất được các quan khách ca ngợi.
Khi trưởng thành, bà là người phụ nữ nhan sắc xinh đẹp, tài múa hát ngày thêm điêu luyện nên tiếng đồn lan khắp cả một vùng, nổi tiếng trong đám hý phường ở Hồng Châu.
Bấy giờ, Đinh Tiên Hoàng sau khi dẹp 'loạn 12 sứ quân' đã thi hành nhiều biện pháp tích cực trong việc gây dựng những nền móng cho nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, đặt quốc hiệu, định phẩm hàm, chế triều nghi, tổ chức lại quân đội, ban hành các quy chế pháp luật, đúc tiền tệ…
 Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho Phạm Thị Trân chức Ưu Bà với nhiệm vụ dạy cho cung nữ và quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò...
Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho Phạm Thị Trân chức Ưu Bà với nhiệm vụ dạy cho cung nữ và quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò...
Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được Đinh Tiên Hoàng coi trọng, thể hiện qua việc sử dụng các thiền sư, là những trí thức lớn, những người đại diện văn hóa, văn hiến của thời đại bởi cái tâm lo đời, thương đời; bởi sự uyên thâm, lịch lãm của trí tuệ, nó còn thể hiện qua việc vua cho xây chùa, dựng đền…
Và cũng nhờ vua mà từ hơn 1000 năm về trước, Hoa Lư đã là nơi thành danh của các vị tổ nghề ca hát, trong số đó có bà tổ hát chèo Phạm Thị Trân.
Truyền rằng, khoảng niên hiệu Thái Bình (970-979), khi biết tin Đinh Tiên Hoàng ban chiếu lệnh tìm người giỏi ca múa, viên quan trấn giữ địa phương Hồng Châu đã tiến cử Phạm Thị Trân với triều đình Hoa Lư.
Vua Đinh Tiên Hoàng biết bà có tài bèn vời về triều phong cho chức Ưu Bà với nhiệm vụ dạy cho cung nữ và quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò (gọi là hát trò nhời, ngày nay gọi là hát chèo) vì thế sau này bà được tôn là Tổ sư của nghệ thuật hát chèo.
Lời ca tiếng hát của bà Phạm Thị Trân có sức lay động tâm hồn mạnh mẽ, được dân gian ca ngợi thành thơ:
Múa tay như muốn hái bàn đào,
Hát giục mây bay, giục gió ào.
Tiếng hát kinh hồn quân bạc ác,
Lời than làm nhỏ lệ đồng bào.
Việc phong chức quan cho một phụ nữ xuất thân bình dân không chỉ cho thấy sự coi trọng của Đinh Tiên Hoàng với phái đẹp mà còn thể hiện sự thông minh của vua khi biết sử dụng nghệ thuật ca hát, diễn xướng phục vụ tinh thần quân đội vì ngoài mục đích giải trí, các hoạt động đó cổ vũ lớn đối với sức chiến đấu của quân sĩ.
Đặc biệt với chủ trương của vua, bà Phạm Thị Trân đã sáng tạo ra phép đánh trống rất hào hùng, mạnh mẽ vừa dùng khi biểu diễn, vừa dùng trong chiến trận mà đến nay vẫn còn lưu truyền, như phép đánh tiếng trống rước được thể hiện như sau:
'Chinh tùng chinh, chinh tùng chinh, bất diệt thù hề, bất nguyện sinh' (Đi chiến đấu, đi chiến đấu, không diệt được thù không thèm sống)
Hoặc tiếng trống chèo:
'Nam chinh sát Bắc tướng, diệt Bắc tướng. Nam thiên sinh vương, Nam thiên sinh vương thánh, thánh Đinh vương xưng đế' (Quân Nam giết tướng Bắc, diệt tướng Bắc, trời Nam sinh vương, trời Nam sinh vương thánh, thánh Đinh vương xưng đế).
Theo sách 'Hải Dương nhân vật chí', từ việc dạy binh lính sử dụng các loại nhạc cụ, ca hát, nhảy múa với nội dung, sắc thái mang tinh thần thượng võ và yêu nước, dần dần bà Phạm Thị Trân đưa bộ môn nghệ thuật đó lên sân khấu, diễn tả từng tích sinh hoạt gần gũi với đời sống xã hội nông nghiệp, được không chỉ quân lính mà đông đảo người dân cũng rất yêu thích.
Nghệ thuật hát trò nhời (tiền thân của hát chèo) được nảy sinh từ đó và kinh đô Hoa Lư được coi là đất tổ của sân khấu chèo. Nguồn gốc tên gọi chèo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng lối hát này ban đầu được dùng trong triều đình để cho vua xem nên nó là lối hát chầu vua rồi từ chữ chầu, chữ triều người ta gọi chệch ra là chèo.
Quan điểm khác thì đưa giả thiết vì là hoạt động biểu diễn giúp vui cho quân lính nên lời ca, điệu múa mang tính pha trò trào phúng, từ chữ trào mà đọc chệch thành chèo; trong sách 'Việt Nam văn học sử yếu'.
Giáo sư Dương Quảng Hàm viết: 'Chữ chèo có người cho là do chữ trào mà ra. Trào là giễu cợt. Lối chèo xưa thường diễn những việc vui cười những tật rởm thói xấu của người đời, lời văn có giọng khôi hài, bông lơn, để người xem buồn cười'.  
Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại nên ban đầu nó được gọi là hát trò nhời hay hát trò lời.
Một quan điểm được cho là xác định đúng xuất xứ tên gọi của hát chèo nêu ra rằng, xét về nghệ thuật trình diễn thì ngoài phần ca hát, còn có phần pha trò, làm trò hề bằng những điệu bộ hài hước, giễu cợt để chọc cười người xem vì thế danh từ chèo có gốc từ chữ trò mà ra, rồi lâu ngày từ chữ trò nói trại đi thành chữ chèo.
Nhạc cụ chủ yếu của chèo là trống chèo. Chiếc trống là một phần của văn hoá cổ Việt Nam, người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và biểu diễn chèo chính vì sự gắn bó mật thiết đó mà người xưa đặt ra các loại trống khác nhau và các cách thức đánh trống tương ứng với từng thời điểm, cung bậc.
Cũng như tiếng đàn, trống cũng dìu dặt khúc vui, khúc buồn, khúc sâu lắng, khúc hừng hực trào dâng. Nhạc điệu trống trỗi lên, người ta có thể diễn dịch ra ý nghĩa trong từng điệu thức, ở một ý nghĩa siêu việt, tiếng trống còn là thần thức luôn réo gọi xao xuyến trong mỗi tâm hồn.
Phép đánh trống được coi là quy củ, có bài bản được bắt đầu từ thời Đinh, nhờ những đóng góp lớn của bà Phạm Thị Trân và sách 'Đả cố lục' là sự tập hợp các cách thức của phép đánh trống.
Về trang phục biểu diễn, cho đến nay những dấu tích về trang phục thời Đinh – Tiền Lê hầu như không được rõ, chỉ còn một ít chi tiết còn được thấy trên một số họa tiết trang trí bằng đá, gỗ, đồng.
Trong sách 'Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam', tác giả Trịnh Quang Vũ ở phần viết về trang phục của người dân thời Đinh có đoạn như sau:
'Thời kì Bắc thuộc, người Việt vẫn giữ lối ăn mặc truyền thống và ít phát triển các kiểu cách. Đàn ông vẫn buộc khăn, đóng khố, mặc quần áo ngắn. Phụ nữ mặc áo bó tay hẹp, áo tứ thân xẻ giữa, trong mặc yếm, thắt lưng kép thả dài, váy ngắn.
Lối trang phục này được thể hiện trong ba phù điêu tượng Phật tam thế ở di chỉ tháp Nhạn – Nghệ An, tượng làm bằng đất nung TK VII hoặc VIII. Cùng lối trang phục này, khảo cổ học còn tìm thấy một pho tượng Phật bằng đồng quý hiếm ở Thanh Hóa cao 10,5cm, khoảng thế kỉ VII, VIII hiện để tại Bảo tàng lịch sử nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (Bruxelles).
Tượng Phật này trước đây đã ở trong bộ sưu tập của Huet – người đã tham gia nhiều cuộc khảo cổ ở Đông Sơn nước ta. Trang phục tượng là áo tứ thân, yếm, váy thắt lưng bao kép ở thời Đinh đã dùng trong trò 'nhời', khởi nguồn của hát chèo mang tính cộng đồng bản địa Việt cổ'.
Qua đoạn viết trên, chúng ta phần nào mường tượng được trang phục của những nghệ nhân thời Đinh khi biểu diễn nghệ thuật 'hát trò nhời', tiền thân của hát chèo sau này. Loại hình nghệ thuật biểu diễn đó dần dần được phát triển rộng ra đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt.
Mỗi khi vụ mùa được thu hoạch, người dân lại tổ chức các lễ hội để vui chơi và cảm tạ trời đất, thần thánh đã phù hộ cho vụ mùa no ấm và từ thế kỷ thứ X, họ đã được thưởng thức các vở diễn đầu tiên tại kinh đô Hoa Lư do các vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh thể hiện dưới sự hướng dẫn, tổ chức của Ưu bà Phạm Thị Trân.
Không có nhiều tư liệu cho biết thêm về Phạm Thị Trân nhưng khi nhắc đến bà là nhắc đến một con người tài hoa, sáng tạo đã góp phần to lớn trong việc giữ gìn, phát huy và làm phong phú hơn bản sắc văn hoá dân tộc.
Sách '154 nghề cổ truyền' do bảo tàng Hải Dương và hội đồng nghiên cứu biên soạn lịch sử Hải Dương phát hành năm 1995 có đoạn viết: 'Hồng Châu Phạm Thị Trân 926 – 976. Bà Trân có tài ca múa, làm trò vui.
Vua Đinh Tiên Hoàng cho vời về kinh đô Hoa Lư, phong cho là Ưu Bà, dạy quân lính múa hát, gẩy đàn đánh trống, diễn các tích trò nhời manh nha của nghệ thuật hát chèo, từ đó bà được tôn là tổ hát chèo. Hàng năm ngày giỗ tổ là 18 tháng 2 âm lịch'.
Như vậy là Ưu bà Phạm Thị Trân qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm Bính Tý (976), thọ 50 tuổi, sau khi bà mất, hậu thế đã suy tôn là bà tổ nghệ thuật sân khấu chèo - loại hình sân khấu cổ truyền tiêu biểu nhất của Việt Nam, cũng từ đó đến nay, các phường hát chèo lấy ngày 18/2 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Tổ nghề của mình, trong một số nhà thờ, đình chùa của các làng bài vị thờ bà thường đặt chính giữa.
Đánh giá về nghệ thuật chèo, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng chèo giữ một vai trò quan trọng trong hội làng, là linh hồn không thể thiếu của ngày hội với sức lan tỏa rộng khắp bởi nó mang tính quần chúng với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.
Qua các vở diễn, người dân thấy được sự phản ánh đời sống của mình với những mặt tích cực và phản diện, những ước mơ và ý niệm của mình về cái thiện và cái ác. Mọi người đã yêu và càng yêu nghệ thuật chèo bởi tính nhân đạo, sự tươi mát và vì mang màu sắc độc đáo của nó, bởi vậy chèo luôn được coi một 'viên ngọc long lanh sắc màu' trong kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian.
Với Phạm Thị Trân, là người phụ nữ đầu tiên làm quan trong cung đình, tiếp nối sau bà đã có thêm nhiều nữ nhân tài ba được trọng dụng, qua các triều đại được giữ các chức khác nhau, đảm nhận việc ghi chép gia phả hoàng tộc, dạy múa hát, lễ nghi, văn hóa cho công chúa, cung nữ…
Một số người đã lưu danh trong sử sách như Bạch Hoa, Đào Ngọc Nương, Nguyễn Thị Lộ, Ngô Chi Lan, Nguyễn Thị Hinh…, họ trở thành những ngôi sao sáng trong lịch sử, 'làm cho nữ giới vẻ vang oai hùng' và Phạm Thị Trân là người phụ nữ đầu tiên của thời kỳ độc lập tự chủ khai mở cho sự vẻ vang đó.
  • Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét