CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Người đàn ông bí ẩn của hoàng hậu Trần Thị Dung

Hoàng hậu Trần Thị Dung được biết đến với tư cách hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý, vợ vua Lý Huệ Tông, mẹ nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam là Lý Chiêu Hoàng. Sau khi vua Lý Huệ Tông mất, bà trở thành vợ thái sư Trần Thủ Độ nhà Trần và nhận được rất nhiều lời chê trách chỉ trích về sự thất tiết, phản bội dòng tộc của mình.

Thế nhưng, trước khi trở thành vợ của vua Lý Huệ Tông thì hoàng hậu Trần Thị Dung có tình cảm sâu nặng với một người tên Phùng Tá Chu.

Người vợ “ba chìm, bảy nổi” của vua Lý Huệ Tông

Vua Lý Huệ Tông có tên thật là Lý Sảm. Lý Sảm là con trưởng của vua Lý Cao Tông với hoàng hậu họ Đàm. Vào năm 1208, Lý Sảm được vua cha lập làm Thái tử.

Lúc đó, Lý Sảm lúc đó lên 15 tuổi. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, vua Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du, giết trung thần Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc liền khởi binh báo thù cho chủ.

Quách Bốc đánh vào kinh thành, lập con thứ của vua là Lý Thầm làm vua. Trong thời cục loạn lạc, không chống đỡ được, vua Lý Cao Tông phải chạy lên vùng Quy Hoá.

 Trong khi đó thái tử Sảm cùng mẹ và hai em gái chạy về vùng Hải Ấp, nơi Trần Lý cai quản. Trần Lý và Tô Trung Từ bèn đón vương tử Sảm lập làm vua, tôn xưng là Thắng Vương.

Cũng chính ở đây, Thái tử Sảm đã có cuộc gặp gỡ và nên duyên với Trần Thị Dung. Trần Thị Dung trước khi trở thành hoàng hậu có tên là Trần Thị Ngừ.

 Cái tên của bà cũng được xem là một trong đặc trưng đặt tên của dòng họ Trần. Dòng họ Trần vốn xuất thân từ vùng chài lưới nên thường đặt tên theo các loài cá.

Bà Trần Thị Ngừ sinh tại thôn Gia Lưu, Hải Ấp, nay chính là Làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bà là con gái của ông Trần Lý, em gái kế của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, tức là cô ruột của Trần Thái Tông.

Thái tử Sảm thấy Trần Thị Dung có nhan sắc xinh đẹp, lại thông minh, nhanh nhẹn nên đem lòng cảm mến, hỏi cưới Trần Thị Dung làm vợ.

 Về phía Trần Lý, do muốn củng cố quyền lực của dòng họ Trần nên đã đồng ý gả Trần Thị Dung cho Lý Sảm. Ngay sau khi Lý Sảm cưới Trần Thị Dung, ông Trần Lý được phong làm Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Vua Lý Huệ Tông
Vua Lý Huệ Tông

 Trong khi đó, vua Lý Cao Tông biết tin thái tử Sảm lập triều đình riêng và tự ý phong tước cho Trần Lý, Tô Trung Từ,… nên muốn đánh dẹp. Vua Lý Cao Tông sai Phạm Du liên lạc với họ Đoàn ở vùng Hồng nhằm tổ chức lực lượng đánh lý Sảm.

Tuy nhiên, do Du trễ nải công việc nên bị quân của hào trưởng Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải giết chết. Trong lúc này, Trần Lý và Tô Trung Từ mang quân đánh về kinh thành dẹp Quách Bốc để lập công với nhà Lý. Đến cuối năm 1209, loạn Quách Bốc bị dẹp.

Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du đã chết mà thế lực Trung Từ mạnh nên vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ. Tô Trung Từ trở thành đại thần nhà Lý. Lý Sảm và Trần Thị Dung vẫn sống tại quê nhà của Trần Thị Dung.

Đến đầu năm 1210, vua Lý Cao Tông bị bệnh nặng nên muốn đón thái tử Sảm về kinh. Lý Sảm nghe lệnh vua cha trở về kinh thành, Trần Thị Dung ở lại quê nhà.

Vào cuối năm 1210, vua Lý Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi, xưng là Lý Huệ Tông. Việc đầu tiên nhà vua làm khi lên ngôi là sai đón Trần Thị Dung về triều.

Tuy nhiên, lúc này anh trai của Trần Thị Dung là Trần Tự Khánh lại không cho nhà vua đón vợ vì có mâu thuẫn với đại thần Tô Trung Từ.

Vua Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung tiếp tục sống trong xa cách. Đến đầu năm 1211, không chịu được cảnh xa cách người mình yêu quý, vua Lý Huệ Tông một lần nữa lại sai người đi đón Trần Thị Dung.

Lần này thì Trần Tự Khánh đồng ý để Trần Thị Dung về triều. Trần Tự Khánh cũng sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống. Khi Trần Thị Dung vào cung liền được vua Lý Huệ Tông phong làm nguyên phi, được vua Lý Huệ Tông rất mực tin yêu và chiều chuộng.

Mặc dù được vua yêu thương nhưng Trần Thị Dung lại bị thái hậu Đàm ghét bỏ. Do Trần Thị Dung là người họ Trần, trở thành vợ vua nên khiến cho thế lực họ Trần ngày càng lớn mạnh trong triều đình.

Cùng với quyền lực của người cậu Tô Trung Từ nên tiếng nói họ Trần khiến vua Lý Huệ Tông không thể làm ngơ. Điều này khiến cho thái hậu Đàm rất tức giận. Xưa nay, thái hậu Đàm vẫn luôn muốn tìm trong hàng tôn thất một người vợ mà theo bà là xứng đáng hơn.

 Chính bởi vậy, thái hậu Đàm tỏ rõ thái độ ghét bỏ Trần Thị Dung. Thậm chí, bà không ngần ngại tìm mọi cách để xỉ vả và hại chết Trần Thị Dung.

Một thời gian sau khi Trần Thị Dung vào cung thì người cậu Tô Trung Từ bị giết. Trong khi đó, anh trai Trần Tự Khánh lại xung đột với các hào trưởng địa phương thân và với cả quân đội của vua Lý Huệ Tông nên Trần Thị Dung bị Thái hậu Đàm đã ghét bỏ nay lại càng ghét bỏ hơn.

Thái hậu liên tục nói những lời dèm pha về Trần Thị Dung với vua Lý Cao Tông, tạo ra cho vua Lý Cao Tông không ít áp lực.

Trước những lời nói của Đàm thái hậu, vua Lý Cao Tông bản thân cũng có chút nghi ngờ người anh trai Trần Tự Khánh của Trần Thị Dung.

Chính bởi vậy, vua Lý Cao Tông đã giáng Trần Thị Dung từ ngôi nguyên phi xuống làm ngự nữ. Viết về sự kiện này, sách “Danh tướng Việt Nam” có ghi: “Từ ngày vào cung, cuộc đời của bà Trần Thị Dung trải qua không ít phen ‘ba chìm, bảy nổi’ Ban đầu, bà được nhà vua phong làm Nguyên phi, bậc cao nhất trong hàng thứ hai của vợ vua, đứng sau Hoàng hậu.

Vì có chút nghi ngờ đối với Trần Tự Khánh, người anh trưởng của bà Trần Thị Dung, Vua Lý Huệ Tông đã giáng bà xuống hàng Ngự nữ, bậc thấp nhất trong hàng các thứ bậc của vợ vua”.
Trần Thị Dung trên phim
Hoàng hậu Trần Thị Dung trên phim

Tuy nhiên, mặc dù có sự nghi ngờ với Trần Tự Khánh nhưng tình yêu của vua Lý Huệ Tông dành cho Trần Thị Dung thì vẫn rất lớn. Chính vì quá yêu thương Trần Thị Dung nên nhà vua cũng cố gắng tìm mọi cách để có thể che chở cho bà.

Kể cả trong thời gian vua Lý Huệ Tông đối đầu với Trần Tự Khánh khi ông này đã lập một hoàng thân khác lên làm vua Càn Ninh thì vua Lý Huệ Tông vẫn quyết định phong bà là Thuận Trinh phu nhân.

Về phía Đàm Thái hậu thì bà luôn cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc lại không thể làm gì nên thường chỉ Trần Thị Dung mà nói là bè đảng của giặc.

Bà cũng liên tục bảo vua Lý Huệ Tông phải đuổi Trần Thị Dung đi. Khi vua Lý Huệ Tông không làm theo thì Đàm thái hậu sai người nói với Trần Thị Dung phải tự sát. Vua Lý Huệ Tông biết nên cố gắng ngăn lại.

 Mặc dù thế, Đàm thái hậu vẫn tiếp tục tìm mọi cách để có thể giết chết Trần Thị Dung. Đàm Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của Trần Thị Dung. Vua Lý Huệ Tông biết được điều này song không thể can ngăn mẫu thân bèn cùng ăn với Trần Thị Dung.

Mỗi bữa ăn, vua Huệ Tông thường chia cho Trần Thị Dung một nửa thức ăn của mình để đảm bảo sự an toàn cho phu nhân. Không những thế, vua Lý Huệ Tông luôn luôn cho bà theo sát bên cạnh mình, gần như không lúc nào rời bước.

Đến tháng 4 năm 1216, các tướng ở Cảo Xã, nay là vùng Từ Liêm, Hà Nội gồm Đỗ Át, Đỗ Nhuế nổi loạn chống lại triều đình. Lý Huệ Tông dựa vào Lý Bát để dẹp loạn nhưng không thành công.

 Trước tình thế bất lợi, vua Lý Huệ Tông phải quay về nương nhờ anh em họ nhà Trần. Khi đó trong triều, Đàm Thái hậu ngày ngày muốn giết Trần Thị Dung. Thậm chí, Đàm thái hậu còn sai người cầm chén thuốc độc bắt Trần Thị Dung phải chết.

Huệ Tông ngăn lại không cho, rồi đêm ấy cùng với bà lẻn đi đến chỗ quân của Tự Khánh. Do họ Trần nắm quyền trong triều nên Trần Thị Dung được vua Lý Huệ Tông phong làm hoàng hậu. Tháng 12 năm 1216, Thuận Trinh phu nhân Trần Thị Dung được phong làm hoàng hậu.

Từ lúc đó, anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều. Tự Khánh làm Phụ chính thái uý, Trần Thừa làm Nội thị phán thủ. Trần Thừa cho đúc vũ khí, dần dần chấn chỉnh lại quân đội. Vua Huệ Tông lại bị trúng phong, đau yếu luôn, không đi đâu được, lại không sinh được hoàng tử, chỉ có toàn công chúa.

Tháng 3 năm 1217, nhà vua phát điên, nhiều lúc tự xưng là Thiên tướng giáng trần, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, và múa hát: “Ta đây là tướng nhà trời/ Hôm nay giáng thế cho người sợ oai”.

Từ sớm đến chiều không nghỉ, khi múa xong thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự giao phó cả cho Trần Tự Khánh.

Tự Khánh ra tay đánh dẹp các lực lượng cát cứ của Đỗ Bị, Lý Bát, Hà Cao. Đoàn Thượng thấy thế lực họ Trần mạnh, tạm quy hàng triều đình, được phong tước vương và vẫn giữ vùng Hồng châu. Đến năm 1223, Trần Tự Khánh chết, quyền lực lại rơi vào tay em họ Tự Khánh là Trần Thủ Độ. Anh Tự Khánh là Trần Thừa được phong là Phụ quốc Thái uý.

Năm 1224, bệnh vua càng nặng hơn. Vua đem chia cả nước làm 24 lộ, chia cho các công chúa, lại phong Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Đến tháng 10 cùng năm, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, vua Lý Huệ Tông chính thức nhường ngôi lại cho con gái là công chúa Chiêu Thánh mới lên 8 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng.

 Huệ Tông lên làm thái thượng hoàng và đi tu ở chùa Bút Tháp, lấy pháp danh là Huệ Quang đại sư.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngô Sĩ Liên bàn về việc Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái để đến nỗi cơ nghiệp nhà Lý mất về tay nhà Trần như sau: “Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy.

Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý”.

Đến năm 1225, Trần Thủ Độ sắp đặt để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức là Trần Thái Tông. Nhà Lý mất về tay nhà Trần từ đó.

Sau khi làm sư, Huệ Tông vẫn thường đi dạo chơi trong kinh thành. Một hôm đi qua chơi chợ Đông, dân chúng nhận ra, xúm lại xem, có người còn khóc thương.

Năm 1226, Trần Thủ Độ sợ lòng dân nhớ vua cũ, bèn chuyển Huệ Quang vào chùa Chân Giáo. Một lần Thủ Độ thấy Huệ Tông nhổ cỏ ở vườn, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.

 Huệ Tông nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”. Sau đó, ông tự tử ở sau vườn, trước khi chết còn khấn: “Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”.

Lý Hạo Sảm mất ngày mồng 10 tháng 8 năm Bính Tuất, tức 3 tháng 9 năm 1226. Vua Lý Huệ Tông thọ 33 tuổi, làm vua 14 năm, đi tu 2 năm. Thủ Độ cho hỏa táng xác ông, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang.

Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, đời sau có người làm phép chiết tự cho rằng: tên ông là Sảm, theo Hán tự thì bên trên chữ nhật là mặt trời, bên dưới chữ sơn là núi, chữ “Sảm” nghĩa là “mặt trời gác núi”. Theo nghĩa đó mà suy thì đến đời Lý Sảm, mặt trời nhà Lý sẽ tắt. Trần Thị Dung trở thành Thiên Cực công chúa của triều Trần.

Linh từ Quốc mẫu và mối tình bí ẩn với Phùng Tá Chu

Không lâu sau khi vua Lý Huệ Tông mất, Trần Thị Dung lấy Trần Thủ Độ. Việc Trần Thị Dung tái giá với Trần Thủ Độ không chỉ bị đánh giá là “thất tiết” mà còn được xem là một hành động phản bội nặng nề với triều Lý. Trước hết là vì vua Lý Huệ Tông đã vô cùng thương yêu Trần Thị Dung, luôn cố gắng làm mọi điều tốt đẹp để bảo vệ bà.

Lại cũng vì người mà Trần Thị Dung tái giá không ai khác lại chính là người đã vừa bức hại chồng mình và cũng là kẻ đã khiến cho quyền lực nhà Lý rơi vào tay nhà Trần, Trần Thủ Độ. Chuyện về cuộc tình giữa Trần Thị Dung với Trần Thủ Độ được lưu truyền và ghi chép với nhiều giai thoại khác nhau.

Có người nói rằng, ngay từ khi Trần Thị Dung còn ở quê nhà, Trần Thủ Độ đã đem lòng yêu mến. Trần Thủ Độ tuy không chịu đọc sách nhưng lại rất thạo cung kiếm. Đặc biệt, Trần Thủ Độ là người mạnh bạo, thông minh.

Trần Thủ Độ thường trốn học đến nhà Trần Thị Dung để có thể gần gũi hơn. Khi mọi người trong gia đình Trần Lý phát hiện ra mưu đồ của Trần Thủ Độ đều cực lực phản đối. Cũng vì thế mà Trần Thị Dung không có cảm tình với Trần Thủ Độ.

Phải đến năm 1223, Trần Thừa lên làm Phụ quốc thái úy, Lý Huệ Tông lại phong Trần Thủ Độ làm điện tiền chỉ huy sức và ông càng có điều kiện lộng hành, ra vào chốn thâm cung để tính chuyện “tằng tịu” với Trần Thị Dung, người mà ông khao khát ngay từ hồi niên thiếu.

Lúc này, Trần Thủ Độ đang tuổi trai tráng, mạnh mẽ, đầy nam tính, trong khi Trần Thị Dung lại “phòng the” lạnh lẽo. Vì vậy, con người như Trần Thủ Độ, tuy hồi trẻ bị Trần Thị Dung hờ hững, ghét bỏ thì nay trở nên quý giá hơn.

Người ta còn nói rằng Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đã “cắm sừng” vua Lý Huệ Tông, sống “già nhân ngãi, non vợ chồng” với nhau để vừa thỏa mãn dục vọng vừa tính chuyện chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần.

Đến ngày 11 tháng 12 năm 1225, khi vua bà Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lại phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, coi việc thiên hạ. Nhà Trần đã hoàn toàn điều hành đất nước thì cũng là lúc Trần Thị Dung cũng làm vợ chính thức của Trần Thủ Độ và được phong là Linh từ quốc mẫu.

Tuy nhiên, ngoài việc là hoàng hậu yêu của vua Lý Huệ Tông, Linh từ Quốc mẫu – vợ của Trần Thủ Độ dưới đời Trần, chuyện tình ái của bà hoàng hậu nổi tiếng Trần Thị Dung còn gắn với một người đàn ông là Phùng Tá Chu. Phùng Tá Chu là quan Thái phó vào cuối đời Lý.

 Sau khi nhà Lý sụp đổ, ông theo nhà Trần, lập nhiều công trạng và được nhà Trần trọng dụng. Năm 1226, vua Trần Thái Tông cử ông đi trấn thủ Nghệ An, được quyền tự ý ban chức vị cho người dưới quyền, ban trước rồi tâu sau.

Năm 1233, ông lại được cử đi duyệt định các sắc mục ở Nghệ An, rồi được phong tước Hưng Nhân Vương.

Năm 1239, ông làm nhập nội thái phó, trông coi việc xây dựng cung điện, rồi làm quản đốc công trình xây dựng 5 sở hành cung ở Thanh Hóa. Mối tình của Trần Thị Dung và Phùng Tá Chu không được sử ghi chép lại nhiều và cho đến nay vẫn còn nhiều sự kiện không rõ đúng sai.

Chỉ biết rằng, Phùng Tá Chu chính là mối tình đầu của Trần Thị Dung, là người đàn ông mà Trần Thị Dung yêu trước khi trở thành hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông. Theo một số sử liệu thì vào gia đình ông Trần Lý, bố của Trần Thị Dung vào thời đó là bậc phú gia dịch quốc, hùng trưởng cả một vùng.

Trần Thị Dung trở thành đóa phù dung chói ngời từ trên cao, mà nhiều chàng trai có danh vọng muốn theo đuổi.

Lúc đó, duy chỉ có Phùng Tá Chu, hơn Dung 2 tuổi, là một chàng trai khỏe mạnh, có tư chất thông minh hơn người, văn võ toàn tài có thể sánh ngang với người đẹp.

Chưa kể, Tá Chu lại là bạn thân và là em kết nghĩa của Trần Tự Khánh, anh ruột của Trần Thị Dung. Không những thế, Phùng Tá Chu lại được Trần Lý giao cho chỉ huy, rèn luyện đội gia binh họ Trần với mấy trăm tay cung kiếm.

Chính vì vẻ đẹp, sự khỏe mạnh và tư chất hơn người của Phùng Tá Chu mà Trần Thị Dung rất có cảm tình với chàng trai này. Tá Chu cũng biết được tình cảm mà Trần Thị Dung dành cho mình nên ngày càng dốc hết tâm sức với họ Trần.

Cùng với đó, Phùng Tá Chu cũng hết sức quan tâm và thuận chiều những gì mà mỹ nhân yêu ghét. Chuyện tình của Phùng Tá Chu và Trần Thị Dung không rõ Trần Lý có biết không nhưng theo một số chép sử thì Trần Thủ Độ có biết.

Mà khi đó, bản thân Trần Thủ Độ cũng thích Trần Thị Dung nên luôn tìm cách nói xấu Phùng Tá Chu trước mặt Trần Lý. Tuy nhiên, cuối cùng, “có duyên nhưng không nợ” nên khi binh biến triều đình xảy ra hoàng tử Sảm chạy đến thôn Lữ Gia - Hải Ấp.

Trên đường chạy, Hoàng tử được ông chủ thuyền cá Trần Lý đón về nhà mình ở làng Tức Mạc che chở rồi nên duyên với Trần Thị Dung.

Mối tình của Trần Thị Dung với Phùng Tá Chu cũng bị cuốn vào trong vòng xoáy triều chính thay đổi giữa hai họ Lý – Trần. Phùng Tá Chu trở thành quan phụng sự nhà Trần với nhiều công lao được ghi nhận.

 Phùng Tá Chu mất năm 1241, Phùng Tá Chu được phong Phúc Thần. Dân chúng thờ ông làm Thành Hoàng ở đình làng Quảng Bá, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Từ Tống quân Từ mục.

Cuộc đời và chuyện tình của hoàng hậu Trần Thị Dung cho đến nay vẫn còn rất nhiều bí mật. Dù có không ít ý kiến trái chiều về cuộc đời cũng như hành động của bà, tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận công lao của Trần Thị Dung với đất nước và dân tộc trong những cuộc chống ngoại xâm Nguyên Mông.

 Cuộc đời Trần Thị Dung gắn chặt với sự chuyển đổi quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần. Bà nhiều lần thay ngôi đổi vị, do sự biến đổi của thời thế. Lấy và tác động tới Huệ Tông, từ thái hậu xuống làm công chúa, lấy người trong họ tộc, tái giá với kẻ sát hại chồng mình, cùng sắp đặt để con gái lớn lấy em rể, hoà giải 2 cháu là con rể.

Những việc làm của Trần Thị Dung trước sau đều vì sự tồn tại và phát triển cơ nghiệp của họ Trần.

Sử gia Ngô Sĩ Liên viết về bà như sau: “Linh Từ (hiệu do nhà Trần ban cho Trần Thị Dung) trước lấy Lý Huệ Tông là bất chính, sau lấy Trần Thủ Độ là thất tiết, thế nhưng con gái bà là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần và người con gái khác là Thuận Thiên là hoàng hậu của vua Trần Thái Tông, thân mẫu của vua Trần Thánh Tông.

An Sinh Vương có hiềm khích với Thái Tông, nhưng Linh Từ đã ra sức hòa giải, nhờ đó mà anh em lại tình nghĩa như xưa”.

Đinh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét