Ký và thông qua mọi khâu pháp lý bản Hiệp định hạt nhân dân sự 123 giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ là một bước đi quan trọng về hợp tác song phương giữa hai nước trong lĩnh vực điện hạt nhân. Và các nhân vật có trách nhiệm về công nghệ hạt nhân nước Mỹ đã nhấn mạnh đến lợi ích của cả hai bên mà hiệp định 123 mang lại.
Vừa mới đây, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Mỹ đã trao đổi văn bản xác nhận hiệu lực của Bản Hiệp định hạt nhân dân sự giữa 2 nước, hay còn gọi là Hiệp định 123. Có thể xem đây là thủ tục pháp lý cuối cùng chính thức đưa Hiệp định nói trên vào thực thi.
Mặc dù, các thủ tục pháp lý khác đã diễn ra trong suốt một năm qua. Khởi đầu vào ngày 10/10/2013, tại Brunei, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Bản Hiệp định hạt nhân dân sự Việt Mỹ được ký tắt giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Hơn nửa năm sau đó, ngày 06/5/2014, tại Hà Nội, lễ ký kết chính thức Bản Hiệp định đã diễn ra, tại Hà Nội, giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear. Ảnh: VietNamNet. |
Bản Hiệp định dự thảo trên đã được Tổng thống Mỹ chuyển cho Quốc hội Mỹ xem xét. Theo luật lệ hiện hành của Hoa Kỳ, sau một năm nếu văn bản này không nhận được một dự luật nào có tính ngăn cản ở quốc hội thì sẽ xem như đã được phê chuẩn.
Trong thực tế không hề có sự ngăn cản chính thức nào xảy ra. Do đó, bản Hiệp định về hạt nhân 123 đương nhiên đã chính thức có hiệu lực và được đánh dấu bằng động thái mang tính thủ tục pháp lý cuối cùng: hai nước trao đổi văn bản xác nhận hiệu lực của Bản Hiệp định.
Bản Hiệp định có hiệu lực 30 năm và sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn 5 năm và có thể sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua con đường ngoại giao.
Bản Hiệp định rõ ràng đáp ứng nhu cầu của hai nước. Vì vậy, trong khi bản Hiệp định đi vào hiệu lực, Tổng công ty Lightbridge trụ sở tại Mỹ đã ký ngay một biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với Việt Nam cộng tác xây dựng các chương trình an toàn năng lượng hạt nhân của mình. Biên bản ghi nhớ đó được bình luận như là "một ví dụ điển hình" của những lợi ích sẽ tích luỹ không chỉ cho ngành công nghiệp Mỹ mà cả cho ngành an toàn hạt nhân nước này.
Đồng thời, giữa Trường Đại học Điện lực Việt Nam (viết tắt EVN EPU) và Công ty tập đoàn đa quốc gia Mỹ General Electric (viết tắt GE), ở New York cũng đã có bước đi đầu tiên trong sự hợp tác liên quan điện hạt nhân giữa hai nước, ký kết hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo điện hạt nhân. Theo nội dung ký kết, GE sẽ hỗ trợ EVN EPU trong việc tiếp cận công nghệ mới, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, đưa chuyên gia hạt nhân sang tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Điện lực… Ngoài ra, GE cũng sẽ hỗ trợ EVN EPU trong một số lĩnh vực đào tạo như: Hệ thống điện, công nghệ cơ khí…
Một chương trình hợp tác rộng lớn hơn về điện hạt nhân cũng đã được khởi động và đang tích cực chuẩn bị giữa Tập đoàn lớn về điện hạt nhân Westinghouse (Hoa Kỳ) và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN).
Về phía Hoa Kỳ, các đại diện của một số đối tác quan trọng liên quan thực thi bản Hiệp định 123, cụ thể liên quan các dự án phát triển điện hạt nhân ở Việt nam đã sớm phát biểu hoan nghênh.
Bà Carol Berrigan, Giám đốc cao cấp Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ. |
Theo VOV, đánh giá về triển vọng hợp tác song phương mà Hiệp định 123, Giám đốc cao cấp của Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ, bà Carol Berrigan phát biểui: “Hiệp định 123 là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân an toàn và an ninh. Tại Mỹ, chúng tôi đang vận hành hàng trăm nhà máy điện hạt nhân với mức độ an toàn và an ninh rất cao và đây là cơ hội để các doanh nghiệp và nhà cung cấp Mỹ chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam.”
Theo Viện Năng lượng Hạt nhân Mỹ, năng lượng hạt nhân có thể giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm được 79 triệu mét khối khí CO2 hàng năm, tương đương với lượng khí thải của 15 triệu ô tô. Tuy nhiên, an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu khi xem xét phát triển năng lượng hạt nhân, nhất là khi một số quốc gia đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Về vấn đề này, Giám đốc Carol Berrigan cho rằng các nước cần căn cứ vào nhu cầu phát triển của mình để quyết định xem có nên phát triển điện hạt nhân hay không.
VOV cũng đưa ra thông tin: Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, điện hạt nhân được kỳ vọng sẽ đáp ứng trên 10% nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước vào năm 2030. Theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ, thị trường điện hạt nhân Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ từ 10 - 20 tỷ USD, đồng thời tạo ra hơn 50.000 việc làm với thu nhập cao cho người lao động Mỹ. Đây là tiềm năng mà các công ty Mỹ không thể bỏ qua.
Ông Jeff Benjamin, Phó Chủ tịch của Tập đoàn Công nghệ Hạt nhân hàng đầu của Mỹ Westinghouse nhận định: Việt Nam là thị trường rất quan trọng đối với Mỹ tại khu vực Viễn Đông. Các công ty hạt nhân Mỹ đều rất quan tâm tới Việt Nam, trước hết là bởi vì Việt Nam đã có cách tiếp cận rất thấu đáo khi xem xét triển khai năng lượng hạt nhân. Điều này tạo sự tin tưởng rằng chương trình năng lượng hạt nhân của Việt Nam đang đi đúng hướng, khi Việt Nam đang có nhu cầu lớn về sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình.
Nhà máy điện hạt nhân có khả năng ứng phó với sự cố nặng. |
Điều nên lưu ý rằng, Westinghouse đang giới thiệu mô hình lò phản ứng AP1000 sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Lò này được chú ý như là 1 trong 4 loại lò được đề xuất lựa chọn cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2, công nghệ AP1000 sử dụng hệ thống an toàn thụ động, giúp nhà máy điện hạt nhân có khả năng ứng phó với sự cố nặng và vận hành an toàn trong một thời gian dài mà không cần con người hay máy móc.
Ngoài ra, theo ông Jeff Benjamin, trong các trường hợp khẩn cấp, công nghệ AP1000 sử dụng các quy luật của tự nhiên như lực hút trái đất, các nguyên tắc hoá rắn, hoá lỏng cũng như bốc hơi để vừa ngừng hoạt động vừa đảm bảo duy trì nhà máy ở tình trạng an toàn mà không cần phải dùng nhân lực, động cơ diesel hay pin sạc để đối phó.
Ông Benjamin nhấn mạnh thêm, hợp tác hạt nhân dân sự Việt-Mỹ không chỉ gói gọn trong phạm vi công nghệ mà còn góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Theo ông, Westinghouse đang xúc tiến kế hoạch đưa một số kỹ sư và nhà nghiên cứu Việt Nam sang học tập cũng như làm việc tại Mỹ trong một số lĩnh vực liên quan tới điện hạt nhân.
Trở lại với Hiệp định Hạt nhân dân sự Việt-Mỹ vừa bắt đầu có hiệu lực, cũng nên biết thêm thông tin sau đây: Mỹ không phải là đối tác đầu tiên, mà là nước thứ 8 sau Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ và Argentina. Với quy mô ước tính lên tới 50 tỷ USD, thị trường điện hạt nhân Việt Nam hiện được đánh giá là đứng thứ 2 tại khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc.
Minh Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét