(Quan hệ quốc tế) - Thủ lĩnh Lugansk đã gửi thư thách đấu đến đích danh "Tổng thống Chocolate", trong khi Ukraine vẫn chỉ nhận được những sự giúp đỡ hời hợt
Chiến thư của phe ly khai
Thông tin từ hãng RT của Nga cho biết, ông Igor Plotnitsky, người đang nắm cương vị đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng qua cuộc bầu cử ngày 2/11 đã đơn phương gửi tới Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (được bầu tháng 5/2014) một lá thư thách đấu.
Thủ lĩnh Lugansk trong thư nêu rõ: Với cương vị là những người đứng đầu của mỗi bên, ông Plotnitsky muốn xác định bên chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa hai bên ly khai và chính quyền Kiev bằng cách... đấu tay đôi.
Ông Plotnitsky nói trong thư: "Lịch sử Ukraine có những trang sử bi thương nhưng anh hùng. Tôi và ngài hãy noi gương những thủ lĩnh Slavo và Cozak xa xưa đã gặp nhau trong một cuộc đấu tay đôi. Người thắng có quyền ra điều kiện, và người thua phải tuân phục vô điều kiện."
Thủ lĩnh Lugansk tiếp tục: "Hãy chứng tỏ mình là một người anh hùng và can đảm. Tất nhiên, ngài có quyền chọn địa điểm và vũ khí."
Thậm chí, lãnh đạo của Lugansk còn đưa ra những lời đề nghị hết sức hấp dẫn đối với Kiev: nếu thua, các nhóm vũ trang ly khai sẽ rút ra khỏi biên giới Ukraine một cách nhanh nhất, chấm dứt mọi hành động đối đầu. Nhưng ngược lại, nhà lãnh đạo này cũng kèm theo điều kiện: Nếu ngài thua, Kiev cần chấm dứt mọi hoạt động quân sự, trả lại ranh giới tỉnh Lugansk và Donetsk, khẩn trương đàm phán về hòa ước giữa Kiev và chúng tôi.
Ông Igor Plotnitsky, thủ lĩnh của Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng |
Tất nhiên, đây là một bức chiến thư. Chỉ có điều, thế kỷ 21 đã không còn chỗ cho chủ nghĩa anh hùng tương tự như cách mà ông Plotnitsky nêu ra. Nhưng bức chiến thư này cũng có những tác dụng nhất định.
Trước hết, đây là một lời khích lệ sĩ khí của những người miền Đông. Nó cho thấy các tay súng đang chiến đấu vì một nền tự do của chính họ, và dẫn dắt họ là những thủ lĩnh can trường, dũng cảm. Sĩ khí của ly khai, đặc biệt là vùng Lugansk sẽ nhanh chóng gia tăng.
Và ngược lại, nếu ông Tổng thống Poroshenko không hồi thư một cách khôn ngoan, nó sẽ tạo cái cớ để những người ly khai có thể vui vẻ mà cười với nhau rằng: ở bên kia chiến tuyến chỉ là những kẻ hèn nhát, được dẫn dắt bởi một lãnh đạo thảm hại.
Chiến thư thực chất chỉ là một đòn tâm lý chiến. Nhưng nó phản ảnh được một sự thật, các vị tướng chỉ khích lệ sĩ khí quân sĩ của mình khi họ chuẩn bị bước vào một trận đánh. Và trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Poroshenko vừa tuyên bố ở Kiev rằng ông đã chuẩn bị sẵn kịch bản cho cuộc chiến tổng lực ở với những người ly khai.
Ngược lại, Lugansk và Donetsk đã sẵn sàng cho cuộc chiến ấy, điều họ chờ đợi lúc này là tiếng súng mở màn cho trận đánh cuối cùng. Thực tế thì cả hai bên ly khai và Kiev đều chờ tiếng súng ấy, chỉ có điều tâm thế của họ đang hoàn toàn trái ngược.
Ukraine mong ngóng Mỹ, EU...
Nếu ly khai đã sẵn sàng, thì ngược lại, Ukraine vẫn chưa thực sự chắc chắn. Dấu hiệu thể hiện điều này rõ ràng, đó là việc Kiev vẫn chưa phát đi lệnh tổng tấn công, và các vị lãnh đạo của quốc gia này vẫn đang chật vật với những nỗ lực ngoại giao để tìm thêm sự giúp đỡ.
Ngày 20/11, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa tới Ukraine để thảo luận với các nhà lãnh đạo chính quyền này về việc sẽ ủng hộ như thế nào. Trước thềm cuộc gặp gỡ, cả Tổng thống Poroshenko, Thủ tướng Yatsenyuk đều mong ngóng rằng ông Biden sẽ mang đến những thứ họ cần.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk thời còn là Thủ tướng lâm thời |
Và giới phân tích cũng có nhiều đánh giá cho rằng tình hình Ukraine sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ có sự thay đổi hoàn toàn. Còn nhớ cách đây vài tháng, hồi tháng 4/2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và những người miền Đông bắt đầu thúc đẩy phong trào đấu tranh chống chính quyền trở nên mạnh mẽ, giám đốc Cục tình báo Trung ướng Mỹ CIA đã xuất hiện ở Kiev.
Sau đó ít ngày, Kiev bắt đầu chiến dịch quân sự vào các địa điểm đòi ly khai. Cục diện tiếp tục căng thẳng, và sau khi Tổng thống Poroshenko lĩnh chức, ông Biden lần đầu tiên tới Ukraine. Và ngay sau đó, chiến dịch tổng tấn công nổ ra kéo dài tới tận ngày 5/9, khi hiệp định ngừng bắn ở Minsk (Belarus) được ký kết.
Điều này cho thấy mỗi khi quan chức cao cấp của Mỹ xuất hiện, Kiev dường như có thêm dũng khí, tự tin và có những động thái đầy cứng rắn với miền Đông.
Nhưng lần này, sự tình đã khác. Trước khi vào làm việc chính thức với Kiev, một nguồn tin thân cận với Joe Biden đã chia sẻ, không có một hành động can thiệp hay hỗ trợ quân sự nào của Mỹ với Ukraine.
Thực tế thì những gì mà Mỹ mang đến chỉ là các trang thiết bị phi sát thương, một vài chiếc xe quân sự hạng nhẹ Humvee, và tăng cường cố vấn quân sự. Sự thật thì ông Joe Biden không mang đến súng, đạn, xe tăng, máy bay và USD như Kiev kỳ vọng.
Còn EU, Thủ tướng Yatsenyuk đã cất công lặn lội thực hiện một cuộc ngoại giao chớp nhoáng khi thăm một số chính phủ châu Âu trước khi nguyên thủ các nước này tham gia hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc.
Ukraine mong mỏi EU sẽ có những hành động quyết liệt hơn với Nga, và nhờ đó, Moscow sẽ dần lơi lỏng sự hỗ trợ cho ly khai. Nhưng những gì EU mang lại là trừng phạt kinh tế và lãnh đạo của phe ly khai. Còn với Nga, Ngoại trưởng Đức đã mất công tới tận Moscow để hội đàm.
Xe tăng và các thiết bị cơ giới quân sự của phe ly khai |
Cần phải chú ý rằng, Đức không phải là quốc gia nhiệt tình trong việc thuận theo Mỹ cùng gây hấn với Nga. Bản thân Berlin năm 2008 đã kiên quyết cự tuyệt không cho Ukraine bước chân vào NATO.
Mỹ và EU vẫn ủng hộ Ukraine, nhưng chỉ trên lý thuyết, họ không có việc làm cụ thể.
Ukraine lúc này khác với vài tháng trước. Họ không còn đủ tiềm lực để vận hành cuộc chiến tranh tổng lực. Bức tường Ukraine ở biên giới với Nga không thể hoàn thành vì thiếu kinh phí. Nó cũng phản ánh những gì đang diễn ra trên đất nước này - với chính quyền Kiev, mọi thứ đều dở dang và lúng túng.
Quay trở lại với lá chiến thư của ông lãnh đạo Lugansk tới "Tổng thống chocolate", nó là vô nghĩa với Ukraine, nhưng nó phản ánh đúng nội dung cuộc chiến giữa Nga và Mỹ hiện tại. Washington đã thách đấu với Moscow, và họ chọn chiến trường là Ukraine, chọn vũ khí là những người dân Ukraine.
Bên nào thắng, bên kia sẽ phải phục tùng. Chiến trường có ngã ngũ thì những gì trên bàn đàm phán mới được tôn trọng.
Chả nhẽ Mỹ và phương Tây chỉ trang bị cho Kiev một thanh kiếm gỗ và đẩy họ vào cuộc chiến sinh tử?
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét