(Quan hệ quốc tế) - Ngoại trưởng Nga và Đức bắt đầu hội đàm riêng. Vấn đề Ukraine sẽ là cuộc đọ sức giữa hai quốc gia này?
Nga lật bài
Xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đã có rất nhiều cuộc đàm phán diễn ra, từ bốn bên Mỹ-EU-Nga-Ukraine, cho đến ba bên EU - Nga - Ukraine, và rút xuống còn bốn bên Pháp - Đức - Nga - Ukraine. Và đến ngày 18/11/2014, những cuộc đàm phán ấy chỉ còn lại hai đối thủ bước vào vòng chung kết Đức và Nga.
Ngày 18/11 này, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow. Sau khi kết thúc hội đàm, người Đức đã hồ hởi nói: Ukraine sắp tìm được một giải pháp.
Cụ thể, Ngoại trưởng Đức tuyên bố: "Vấn đề cần đàm phán là việc phân tách các bên, và chúng tôi đã tới khá gần với giải pháp cho việc này. Điều vướng mắc duy nhất là các bên quân sự ký vào các văn kiện và đảm bảo tính khả thi của chúng."
Tiếp đến, Ngoại trưởng Đức nói nhiều về những vấn đề lòng tin, sự ổn định trong mối quan hệ giữa EU và Nga, về vấn đề không để tái diễn sự chia cắt như thời Chiến tranh lạnh. Quan điểm này của người Đức cho thấy họ không muốn có thêm bất kỳ xung đột nào với nước Nga trong thế kỷ 21.
Nụ cười của Ngoại trưởng Nga và gương mặt của Ngoại trưởng Đức trong cuộc hội đàm vừa qua ở Moscow |
Việc Nga và Đức hội đàm mà bỏ qua các bên liên quan như đại diện EU, Pháp, hay Ukraine, người ly khai đã cho thấy với EU, chỉ có Đức đủ khả năng giải quyết vấn đề. Và người mà Nga cần thảo luận để nhanh chóng chấm dứt sự lùm xùm tại Ukraine chỉ có thể là Đức.
Thực tế, Đức đang là đầu tàu của EU về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nền kinh tế Đức là chỗ dựa cho nhiều nền kinh tế thành viên khác, và sự ổn định từ Đức đang góp phần chèo lái EU đi khỏi cơn bão khủng hoảng nợ công. Đức đầy đủ điều kiện để đại diện cho EU trong vấn đề Ukraine, vốn đã bị Mỹ bỏ ngang và tổ chức này đang phải thay Mỹ gánh trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán này, Nga cũng đã chơi bài ngửa. Họ không giấu giếm những toan tính của mình ở Ukraine. Trước mắt, Nga đã có được bán đảo Crimea - viên ngọc quý giá nhất Biển Đen. Tuy nhiên, Nga vẫn cần một vùng đệm tạo sự liên kết giữa lục địa Nga và bán đảo này. Do đó, những người ly khai mới nổi lên và nhanh chóng có sức mạnh quân sự đủ để đương đầu với quân đội của cả một quốc gia.
Và chỉ một ngày sau khi Nga, Đức có những tuyên bố hồ hởi về vấn đề Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã tuyên bố Moscow muốn có sự đảm bảo về việc Ukraine sẽ không gia nhập NATO. Đây là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.
Đến lúc này, Nga đã chơi bài ngửa. Ngoài những toan tính với miền Đông, Nga còn muốn một điều kiện dài hơi hơn. Tuy nhiên, phương Tây đã muốn sở hữu một Ukraine toàn vẹn, lành lặn với chính phủ thân châu Âu và biến quốc gia này thành một thành viên NATO. Từ đó, tên lửa của NATO, những đội quân viễn chinh của họ có thể triển khai cách thủ đô của Nga vài trăm km.
Quân ly khai bên một chiếc xe tăng được trang bị không rõ nguồn gốc từ đâu |
Nhưng Nga đã chặn hoàn toàn mục đích ấy. Hoặc nghe theo Nga để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine. Hoặc cả hai bên sẽ bước vào một cuộc chiến mà Nga đang nắm thế chủ động, cả về quyết tâm và thực tế chiến trường.
Lựa chọn Đức để đàm phán về điều này, Nga cũng hoàn toàn đúng đắn, bởi năm 2008, chính nữ Thủ tướng Angela Merkel là người kịch liệt ngăn cản NATO chấp thuận đưa Ukraine vào danh sách thành viên.
Ukraine chơi vơi giữa dòng
Yêu sách của nước Nga đã khiến Ukraine như ngồi trên đống lửa. Nếu chấp thuận yêu cầu này, đồng nghĩa với việc chính quyền Kiev sẽ không nhận được bất kỳ sự bảo trợ nào về quân sự từ phía NATO.
Thứ hai, với sự quấy nhiễu của những người ly khai ở miền Đông, phải nói rằng không bao giờ Ukraine có thể đảm bảo an ninh, ổn định đất nước. Và tất nhiên, Ukraine không đáp ứng được điều kiện tối thiểu của EU là có một nền chính trị dân chủ, ổn định, một đất nước không chiến tranh để bước được chân vào liên minh châu Âu. Chưa nói đến các yêu cầu về kinh tế.
Chính trị, quân sự, kinh tế... tất cả các lĩnh vực Ukraine đều đang chơi vơi với nguy cơ không nhận được bất kỳ sự hậu thuẫn nào. Đây là cơn ác mộng với những nhà cầm quyền Kiev, vốn đã quen với việc kêu gào về những sự giúp đỡ từ nước ngoài để giải quyết vấn đề trong nước.
Đó là lý do vì sao Kiev luôn một mực khẳng định họ không thỏa hiệp với bất kỳ người ly khai nào. Bởi nếu công nhận ly khai là một đối trọng để ngồi vào bàn đàm phán, đồng nghĩa với việc cục diện đang được giải quyết theo hướng có lợi cho các yêu sách của Nga, và là thảm họa với Kiev.
Điều mà Kiev muốn làm nhất lúc này là xua quân đánh tổng lực vào Donetsk và Lugansk, nhanh chóng kết thúc cơn ác mộng ly khai. Giành lại được đất của ly khai, ít nhất Ukraine vẫn còn một vùng lãnh thổ rộng lớn giáp biển. Về kinh tế, miền Đông là khu vực trù phú, giàu tài nguyên, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Về địa chính trị, Ukraine có thể chia cắt được Nga với Crimea, khóa đường ra biển của hạm đội Biển Đen và các căn cứ ở Odessa hoàn toàn có thể làm chỗ trú ngụ cho các hạm đội của NATO.
Xe tăng của quân đội Ukraine bên một chốt chặn cách Donetsk 20km |
Ít nhất, Ukraine khi đó vẫn còn giá trị về địa chính trị để các chính quyền phương Tây mơ tưởng. Còn ngược lại, sự lớn mạnh của phe ly khai đang đẩy Ukraine đứng trước nguy cơ mất một vùng rộng lớn ở Đông Nam từ biên giới Nga cho đến bán đảo Crimea. Phần còn lại là nghèo đói, hỗn loạn, chính trị rối ren. Chỗ xương xẩu đó, chắc chắn các nhà tư bản ở Mỹ hay đồng minh không màng tới.
Tham vọng là vậy, nhưng Kiev thực tế đang lực bất tòng tâm, bởi những khu vực ly khai đang mạnh lên từng ngày với sự giúp đỡ từ phía Nga. Trong khi Kiev khánh kiệt từ vũ khí cho đến tài chính. Gây chiến trước lúc này chỉ giúp ly khai có cớ để phát động các chiến dịch quân sự của mình.
Tuy nhiên, EU vừa có một hành động sẽ khiến Kiev buồn nhiều ngày. Liên minh châu Âu vừa quyết định trừng phạt ly khai ở miền Đông Ukraine mà không phải trừng phạt vào Nga. Bề ngoài, hành động này cho thấy họ đang đe dọa Nga bởi những khả năng trừng phạt tăng cường. Nhưng mặt khác, nếu không công nhận sự tồn tại của những người ly khai, vì sao EU lại áp đặt trừng phạt vào họ?
Trong các cuộc đàm phán trước, EU đã sớm gạt bỏ ly khai được ngồi cùng bàn. Nhưng một khi đã trừng phạt và gắn trách nhiệm vào lực lượng này, họ đã nghiễm nhiên công nhận phe ly khai là một phần của vấn đề. Mà khi đã có sự công nhận này, mọi cuộc đàm phán tiếp theo sẽ có cái tên Donetsk và Lugansk. Và tất cả sẽ phải lắng nghe lời nói của khu vực này.
Như đã phân tích ở trên, chấp nhận sự hiện diện của ly khai trên bàn đàm phán đồng nghĩa với việc sẽ có những hội đàm, và khả năng tái triển khai chiến tranh sẽ là càng mong manh đối với Kiev.
Không có sự trợ giúp nhiệt thành từ EU, Kiev rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và chính quyền Kiev đang ngày một gần với sự thực đang là “đứa con” được phương Tây tạo dựng từ các cuộc cách mạng sắc màu, nhưng bị bỏ rơi không thương tiếc.
Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét