(Quan hệ quốc tế) - Thay vì gia tăng trừng phạt Nga, EU quyết định áp dụng các đòn trừng phạt vào... miền Đông Ukraine
EU vẫn tiến thoái lưỡng nan
Cục diện Ukraine ngày càng căng thẳng. Điểm nóng này không chỉ phản ánh mâu thuẫn cố hữu giữa hai thế lực Nga - Mỹ, di chứng từ thời Liên Xô - Mỹ, mà còn phản ánh nhiều mâu thuẫn mới đang dần hình thành trong một thế giới đa cực.
Tất nhiên, thế giới đa cực ấy từ sau khi Liên Xô sụp đổ vẫn đang diễn ra theo một chiều hướng hết sức "thuận Mỹ". Thậm chí, Tổng thống Putin đã khẳng định trong bài diễn văn lịch sử của mình khi sáp nhập thành công bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga rằng "thế giới đang đơn cực dưới sự lãnh đạo của Mỹ".
Và ông Putin cũng khẳng định, từ giờ phút này Nga sẽ chấm dứt cái thế giới đơn cực ấy. Giờ phút này có thể hiểu từ khi Nga sáp nhập Crimea, hoặc rộng hơn, đó là khi Nga tự tin đủ sức trở thành một đối cực với Mỹ về kinh tế, địa chính trị, quân sự. Ít nhất là ở một Ukraine, Nga tự tin để đối chọi.
Tuyên bố của ông Putin chẳng khác gì chọc giận nước Mỹ, sau đó vài tháng, khi chiếc máy bay MH17 nổ tung trên bầu trời Ukraine, cuối cùng Mỹ đã lôi kéo được EU vào cuộc để trừng phạt kinh tế Nga. Kết quả của những đòn trừng phạt này thì ai cũng biết, EU thừa mứa sản phẩm nông nghiệp, còn Nga thiếu hụt nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Có thể nói rằng, đôi bên cùng thiệt hại.
EU đang vì Ukraine hay nể Mỹ mà gây hấn với Nga? |
Đôi bên ở đây chỉ là Nga và EU, còn Mỹ, họ hoàn toàn rời xa đám đông hỗn loạn ấy và họ chẳng thiệt hại gì. Ở đây, Mỹ vẫn đang thể hiện lối chơi của nhà vô địch: áp đặt, điều khiển.
Nhưng ở đây bắt đầu xuất hiện một mâu thuẫn khác, cái mâu thuẫn mà thế giới đa cực mang lại. Đó là sự tự do hợp tác kinh tế đã vô tình gắn Nga và EU lại với nhau. Khi Mỹ xúi giục, thúc ép EU trừng phạt Nga, những đồng minh bất đắc dĩ nghe theo nhưng lợi ích của họ lại bị thiệt hại trực tiếp.
Đó là lý do vì sao EU luôn chần chừ trong việc tuân theo Mỹ. Thương vụ Mistral là một ví dụ điển hình. Đến thời điểm này, dù Mỹ có thúc giục Pháp không bàn giao tàu cho Nga, nhưng bản thân các nghị sĩ của Pháp đang gây áp lực cho những nhà cầm quyền để đi ngược lại với ý định của Mỹ. Bởi đơn giản, ở đó người Pháp có nhiều quyền lợi mà người Mỹ không thể mang lại cho họ.
Câu chuyện tiếp tục khó có hồi kết khi Mỹ lôi kéo được những đồng minh như Australia, Canada, Anh, Nhật Bản... ra sức chỉ trích các đồng minh EU không chịu trừng phạt Nga. Tuy nhiên, họ cũng như Mỹ, ngoài vòng ảnh hưởng.
Thực tế thì Nga không nói nhiều về vấn đề trừng phạt. Moscow chỉ đưa ra một tuyên bố duy nhất, họ muốn bình thường hóa quan hệ với EU, nhưng chỉ khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
Đó là quan điểm của Nga, và EU buộc phải phân vân. Điều EU mong mỏi nhất lúc này là cơn ác mộng Ukraine sớm chấm dứt, để khi tỉnh giấc, mọi thứ bỗng nhiên trở lại bình thường, thay vì các chính trị gia sẽ phải ăn ba quả táo mỗi ngày như hiện nay.
Không muốn công khai phản đối Mỹ, cũng không muốn gây hấn thêm với Nga. EU - tập hợp của những quốc gia ánh sáng và giàu sang cuối cùng lựa chọn trừng phạt... miền Đông Ukraine.
Anh đã trang bị cho các nhân viên OSCE ở Ukraine 10 xe thiết giáp có vũ trang |
Trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels, Bỉ diễn ra ngày 17/11. Đại diện EU Federica Mogherini tuyên bố:
"Chúng tôi sẽ thảo luận nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất để phản ứng với cuộc bầu cử do lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine tổ chức hôm 2/11 vừa qua. Chúng tôi cho đây là cuộc bầu cử bất hợp pháp. Do đó, chúng tôi cần đưa ra phản ứng đối với sự kiện này."
Theo đó, Liên minh châu Âu sẽ đưa một số thủ lĩnh lực lượng đối lập Ukraine vào danh sách bị cấm nhập cảnh vào châu Âu và đóng băng hoàn toàn tài sản của họ.
Trừng phạt miền Đông, một khu vực từ nhiều tháng nay tồn tại bởi Nga liệu có khả thi? Đây chỉ có thể là một hành động chỉ mang tính hình thức không cần đến hiệu quả. Hành động này của EU chỉ nhằm thể hiện với Mỹ rằng họ đã hành động, đã trừng phạt; còn với Nga, EU muốn thể hiện rằng cuộc chơi chưa thể chấm dứt, dù đôi bên cùng mệt mỏi.
Nga cảnh báo hay đe dọa chiến tranh?
Ngày 18/11/2014, Anh gửi đến Ukraine 10 xe thiết giáp để bảo vệ cho những nhóm giám sát đặc biệt của OSCE. Tất nhiên, đây là một hành động mang tính nhiệm vụ quốc tế hoàn toàn bình thường của Anh - đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Nhưng nó đã đánh dấu những diễn biến khó lường của tình hình Ukraine.
Anh có thể đưa xe thiết giáp vào Ukraine một cách chính đáng, nó tương tự như cách Nga đưa xe cứu trợ vào miền Đông. Ở đây thấy rõ một sự ăn miếng trả miếng.
Cũng trong ngày này, Thủ tướng Yatsenyuk của Ukraine kêu gọi Nga tham gia đàm phán với Kiev về vấn đề giải quyết khủng hoảng, dưới sự giám sát của Mỹ và EU. Tất nhiên Nga đồng ý, Moscow khẳng định sẽ ngồi vào mọi cuộc đàm phán. Nhưng điều kiện đi kèm, người bạn đường của họ - lực lượng ly khai cũng phải tham dự.
Kiev cho thấy họ không công nhận ly khai như một thế lực bằng vai phải lứa, nhưng Nga cũng đang ép ngược rất hiệu quả, Moscow chỉ muốn ngồi vào vị trí mà Mỹ, EU đang ngồi, đó là giám sát, làm chứng, hỗ trợ... Còn câu chuyện của người Ukraine, phải để người Ukraine giải quyết. Điều này hoàn toàn hợp lý.
Ngày 18/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát đi thông điệp cảnh báo rằng Ukraine đang chuẩn bị nối lại các hoạt động quân sự nhằm vào những người ly khai.
Nga tuyên bố Ukraine đang chuẩn bị nối lại các hành động quân sự ở miền Đông |
Ông Lavrov phân tích, thay vì thiết lập mối liên lạc ổn định với khu vực miền Đông, chính quyền Ukraine đã lựa chọn theo cách triệt tiêu kinh tế, xã hội nhằm gây sức ép, và kịch bản tiếp theo sẽ là những biện pháp quân sự.
Nga hi vọng những người phương Tây sẽ không để điều này xảy ra, bởi Kiev đang không nhận thức được về những nguy hiểm họ sẽ mắc phải.
Lời tuyên bố của Ngoại trưởng Nga, một mặt là cảnh báo với thế giới rằng nếu có nội chiến, Kiev sẽ là người tấn công trước. Nhưng mặt khác, cũng nhằm gửi gắm đến phương Tây và Ukraine lời thách thức: tấn công quân sự, họ sẽ chỉ nhận lại những mối nguy hiểm không thể tưởng tượng được.
Vẫn như mọi khi, Nga không tỏ ra nao núng trước các đòn trừng phạt của phương Tây, và ly khai - dù cũng đang nhận trừng phạt, cũng sẵn sàng chiến tranh và giáng trả những đòn nguy hiểm.
Để cục diện này kết thúc, dường như EU sẽ phải quyết tâm theo đuổi trừng phạt và chơi đòn tự sát kinh tế với Nga, hoặc thuận theo ý Nga mà nối lại những cuộc đàm phán nhằm mang quyền lợi cho những người miền Đông.
Còn trông chờ vào Mỹ tích cực tháo gỡ cục diện này có lẽ sẽ là không tưởng, bởi Mỹ còn đang bận tranh giành những giếng dầu ở Trung Đông và triệt tiêu mối đại họa khủng bố IS.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét