McNamara đã không đoán được ý đồ của lãnh đạo Trung Quốc muốn cuộc kháng chiến của nhân dân VN "có thể kéo dài 10, 20,, thậm chí có thể 100 năm nữa" |
Đoán sai mục tiêu của Trung Quốc, xem nhẹ khía cạnh quốc gia dân tộc của ông Hồ Chí Minh cùng với sự thiếu thốn trong hiểu biết về văn hóa, địa lý, kinh nghiệm chống nổi dậy,... là những nguyên do McNamara giải thích sự thất bại của quân đội viễn chinh Mỹ tại Việt Nam.
Khi John Kennedy trở thành Tổng thống, chúng tôi đối diện với một cuộc khủng hoảng phức tạp ngày càng gia tăng tại Đông Nam Á song chúng tôi lại chỉ có đôi chút kinh nghiệm hiếm hoi cùng một vài lớp son hiểu biết cực kỳ đơn giản.
Dưới trào Kennedy, chúng tôi đã hành động dựa trên hai tiền đề cuối cùng đã được chứng minh là mâu thuẫn. Một là: việc Nam Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản sẽ đe dọa an ninh của Mỹ và phương Tây; Hai là: chỉ có người Nam Việt Nam mới có thể bảo vệ được đất nước của họ, và rằng Mỹ nên giới hạn vai trò bảo vệ của mình trong việc cung cấp huấn luyện và cung cấp tiếp liệu.
Lúc đó, trong cái nhìn thứ nhì kể trên, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch triệt thoái từng bước lực lượng Mỹ kể từ năm 1963. Kế hoạch này bị kịch liệt chống đối bởi những ai tin rằng điều đó sẽ dẫn đến việc mất Nam Việt Nam và rất có thể cũng sẽ mất cả châu Á.
Như đa số người Mỹ khác, tôi nhìn thấy chủ nghĩa Cộng sản như một thể thống nhất. Tôi nghĩ rằng Liên Xô và Trung Quốc đang hợp tác trong cố gắng bành trướng của họ. Sự dính líu của chúng tôi vào Việt Nam dựa trên sự sợ hãi đó.
Tôi không xem mối nguy cơ Cộng sản như là một cái gì không chống lại được, như nhiều người thuộc cánh hữu (tức Đảng Cộng hòa) vẫn nghĩ. Đó là một sự đe dọa song tôi chắc chắn sẽ đối phó được, và tôi chia sẻ với tâm tư của Tổng thống Kennedy khi ông kêu gọi cả nước Mỹ lẫn châu Âu cùng gánh vác gánh nặng của cuộc chiến đấu lâu dài nửa sáng nửa mờ này.
Vào năm đó, nước Mỹ chúng tôi đảm nhận từ nơi nước Pháp trách nhiệm bảo vệ Việt Nam tính từ phía nam giới tuyến chia cắt 1954. Chúng tôi cũng thương thuyết với khối Liên phòng Đông Nam Á (SEATO)…Và chúng tôi đã bơm 7 tỉ đôla viện trợ quân sự và kinh tế vào Nam Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1961.
…Tại sao chúng tôi đã không biết đánh giá Trung Quốc và Việt Nam như thể chúng tôi đã đánh giá Nam Tư – một nước Cộng sản nhưng độc lập với Moscow?
Tôi chỉ đối diện lần đầu với vấn đề Đông Dương trong một buổi họp tương đối ngắn ngủi giữa Tổng thống Eisenhower và tân Tổng thống Kennedy hôm 19/1/1961, ngày cuối cùng mà Tổng thống Eisenhower còn tại vị. Chúng tôi bàn về rất nhiều vấn đề song trọng tâm chính là Đông Dương.
Tổng thống Eisenhower đặt tiêu điểm của phần thảo luận này nơi Lào quốc chứ không phải Việt Nam. Cộng sản Pathet Lào lúc đó đã gia tăng chiến đấu chống lại lực lượng của Phoumi Nosavan do Mỹ hậu thuẫn nhằm giành quyền kiểm soát đất nước…
Chúng tôi rời cuộc họp với một dự báo xấu rằng nếu mất Lào, cả Đông Nam Á sẽ sụp đổ. Do đó, phương Tây cần làm tất cả những gì cần thiết để ngăn ngừa kết cuộc đó. Cuộc họp đã gây ấn tượng rất nhiều nơi Tổng thống Kennedy và tất cả chúng tôi cũng như ảnh hưởng nặng nề nơi cách tiếp cận giải quyết vấn đề Đông Nam Á của chúng tôi… Trong bối cảnh đó, mối nguy cơ mất Việt Nam và toàn thể Đông Nam Á, như các quân bài “đôminô” rơi rụng, đã hợp lý hóa việc xem xét gia tăng các nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam.
…Cuộc họp này cho thấy một sự thiếu sót trong hình thức cầm quyền của chúng ta và cũng cho thấy trước cái giá đắt đỏ mà chúng ta phải trả: chúng ta thiếu một phương thức chuyển giao có hiệu quả những kiến thức và kinh nghiệm từ một chính phủ này sang một chính phủ khác.
Trong hệ thống đại nghị, một tân nội các thường đã từng đóng, trong nhiều năm liền trước khi nhậm chức, vai trò một “nội các ma” đối lập. Ở đây tôi muốn nhắc lại thí dụ của Denis Healey của Anh và Helmut Schmidt của Đức, khi họ trở thành bộ trưởng quốc phòng họ đều đã được rèn luyện cho nhiệm vụ này trong thời gian hoạt động như là những lãnh tụ đảng đối lập và đã nghiên cứu các vấn đề quốc phòng của đất nước họ trong nhiều năm trời.
Còn tôi thì ngược lại, tôi đã đến Washington từ chức vụ Chủ tịch hãng Ford.John Locke (nhà triết học Anh thế kỷ 17 nổi tiếng với tư tưởng cho rằng kiến thức của con người không tự có sẵn mà do kinh nghiệm) đã có lý khi viết “(học hành) kiến thức chẳng tày (học tập) kinh nghiệm”.
…Tôi đã chẳng từng đến Đông Dương cũng chẳng hiểu biết hoặc đánh giá được gì lịch sử, ngôn ngữ, giá trị của vùng đất này. Ít nhiều cũng thế đối với Tổng thống Kennedy, Ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh Maxell Taylor và nhiều người khác.
Thành ra đối với Việt Nam, chúng tôi cứ như phải hoạch định chính sách cho một vùng đất xa lạ. Tệ hơn nữa là Chính phủ chúng tôi lại thiếu những chuyên viên để cho chúng tôi tham khảo bù lại sự không hiểu biết của chúng tôi.
Chẳng có một chuyên viên cao cấp nào ở Ngũ Giác Đài hoặc Bộ Ngoại giao am tường về Đông Nam Á. Tôi chỉ biết có mỗi một sĩ quan ở Ngũ Giác Đài với mớ kinh nghiệm chống nổi dậy ở khu vực này – Đại tá Edward Lansdale, từng làm cố vấn cho Ramon Magsaysay ở Philippines và Diệm ở Nam Việt Nam. Song Lansdale chỉ là một nhân viên cấp thấp và lại thiếu tinh thông rộng rãi về địa lý chính trị.
…Thiếu những người có được những cái nhìn thấu đáo, điêu luyện, tinh tế như thế, chúng tôi – và nhất định là cả tôi nữa – đã đoán sai những mục tiêu của Trung Quốc và đã lầm lẫn cho rằng những luận điệu hung hãn hiếu chiến này sẽ dẫn đến sự bành trướng khu vực. Chúng tôi cũng đã xem nhẹ khía cạnh quốc gia dân tộc của phong trào của ông Hồ Chí Minh.Chúng tôi đã nhìn thấy ông ấy trước hết như là một người Cộng sản, kế đến mới như là một người Việt Nam có tinh thần dân tộc. (còn nữa)
Danh Đức (tiêu đề và lời dẫn của MTG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét