Trong kỳ trước chúng ta đã nghe McNamara thuật lại về những khát vọng học hành thành tài cũng như quá trình học vấn và lòng ngưỡng mộ giới quân nhân. Kỳ này chúng ta sẽ thấy con đường hoạn lộ của McNamara cũng như McNamara sẽ lao vào cuộc chiến quân sự và chính trị ở Việt Nam với những hành trang như thế nào.
“Sau Berkeley, tôi theo học Đại học quản trị Kinh doanh Harvard. Tốt nghiệp năm 1939, tôi trở lại San Francisco và nhận một chỗ làm với lương 125 đô la một tháng. Mùa hè năm sau, Wallace Donham khoa trưởng ĐH Quản trị Kinh doanh mời tôi về lại trường giữ một chân trợ giảng khiêm tốn. Tôi trả lời rằng quyết định không chỉ thuộc về tôi. Tôi đang đeo đuổi một cô gái, nếu thuyết phục được cô ấy lấy tôi, tôi sẽ trở lại Harvard, bằng không thì đành chịu. Lúc đó, Marg đang nghỉ hè cùng mẹ và dì rong ruổi khắp nước.Qua điện thoại, Marg nhận lời cầu hôn của tôi. Chúng tôi sinh con đầu lòng ngày 31.10.1941.
Cuộc tấn công bất ngờ của Nhật lên Trân Châu Cảng xảy ra sau đó 5 tuần. Vào đầu năm 1942, trường kinh doanh Harvard ký một hợp đồng huấn luyện sĩ quan thống kê cho không quân Mỹ lúc bấy giờ đang bùng nổ về qui mô tầm cỡ. Khi cuộc chiến bắt đầu ở châu Âu, không quân Mỹ có chưa đến 1.800 máy bay và 500 phi công. Khi Hitler xâm chiếm Pháp vào tháng 5.1940, tổng thống Roosevelt hô hào sản xuất ít nhất 50.000 máy bay mỗi năm. Hầu như chỉ trong một đêm quân đội bỗng dưng nhận ra rằng mình đang quản lý một trong những xí nghiệp lớn nhất và phức tạp nhất. Do đó quân đội nhờ đến sự giúp đỡ của Harvard.
Do muốn góp phần vào nỗ lực chiến tranh, cùng nhiều đồng nghiệp, tôi nhận lời mời của khoa trưởng Donham tham gia giảng dạy trong chương trình này. Đầu năm 1943, Bộ Chiến tranh yêu cầu tôi và một giáo sư trẻ khác, Myle Mace, làm việc trực tiếp với quân đoàn 8 không quân Mỹ lúc đó vừa sang đóng căn cứ tại Anh. Rõ ràng điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ được yêu cầu nhận nhiệm vụ trong tư cách sĩ quan. Tôi rời quân ngũ vào tháng 1.1946 với một huy chương chiến công và cặp lon trung tá.
Tôi vào làm việc ở một trụ sở tập đoàn Ford vào cuối tháng 1.1946. Trong số 1.000 cán bộ cao cấp của Ford số người tốt nghiệp đại học chỉ là một dúm nhỏ. Thành ra khi tôi đến trình diện cùng một số người khác, có người nghĩ là chúng tôi muốn tranh giành chức tước…Cuối tháng 10.1960, tôi chính thức được hội đồng quản trị bầu làm Chủ tịch công ty. Hôm thứ năm 8.12.1960, tức 7 tuần sau khi tôi trở thành Chủ tịch công ty Ford, cô thư ký của tôi báo cho tôi rằng Robert Kennedy đang đợi tôi ở đầu dây nói…”
…Ngày hôm sau, tôi gặp Tổng thống Kennedy tại nhà riêng của ông ở Georgetown. Khi Tổng thống hỏi tôi liệu có nhận chức bộ trưởng quốc phòng hay không, tôi trả lời: “Tôi không đủ khả năng”.
-“Vậy chứ ai đủ khả năng?”, ông hỏi lại…Ông bác bỏ lý lẽ không đủ khả năng của tôi, lạnh lùng nhấn mạnh rằng chẳng có trường nào đào tạo bộ trưởng quốc phòng cũng như chẳng có trường nào đào tạo tổng thống. Ông yêu cầu tôi ít ra cũng nên suy nghĩ lại về đề nghị của ông và gặp lại ông vào thứ hai tuần sau.
Những ngày cuối tuần đó, Marg và tôi bàn bạc về việc này. Vợ chồng chúng tôi nói chuyện với 3 đứa con chúng tôi, giải thích cho chúng biết rằng nếu như tôi rời bỏ hãng Ford, tình hình tài chánh của chúng tôi sẽ hoàn toàn đổi khác. Tôi không có tài sản gì lớn lao cho lắm nhưng cũng còn quyền mua một số cổ phần (ưu đãi) cộng với số thu nhập hàng năm là 400.000 đôla (tương đương với 2 triệu đôla thời điểm 1995). Nếu tôi chấp nhận lời mời của Tổng thống, lương hàng năm của tôi sẽ chỉ còn là 25.000 đôla.
Con cái chúng tôi bất cần điều đó. Còn Marg thì…tôi muốn gì cô ấy cũng chịu cả miễn là tôi cảm thấy tôi có thể làm tốt công việc. Chúng tôi bàn với nhau về những gì có thể đòi hỏi. Có hai việc là: tôi phải có toàn quyền bổ nhiệm vào các chức vụ cao cấp nhất ở Bộ Quốc phòng những người có khả năng nhất nước để bù lại sự thiếu kinh nghiệm của tôi; tôi cũng cần mọi người hiểu rằng tôi sẽ không dành thời giờ công vụ của tôi cho những chuyện “thế sự” ở Washington.
Vài ngày sau khi tôi đồng ý nhận nhiệm vụ, tôi quay trở lại Washington và bắt đầu tuyển chọn nhân viên cao cấp cho bộ của tôi. Công việc tuyển dụng nhân sự cho tôi hiểu biết đôi chút về Tổng thống tân cử Kennedy: ông giữ lời hứa rằng các vụ bổ nhiệm quan yếu sẽ do tôi và chỉ trên cơ sở người đó có xứng đáng hay không.
…Ê kip của tôi và tôi nhất quyết lèo lái Bộ Quốc phòng sao cho hoàn thành được mục tiêu mà tổng thống đã hoạch định: giữ an toàn cho quốc gia với cái giá thấp nhất. Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm là thay đổi về mặt cơ bản những điều trần hàng năm trước quốc hội về tình hình.
Chúng tôi bắt đầu bằng một báo cáo về các mục tiêu của chính sách ngoại giao và từ đó rút ra một phân tích về những nguy cơ người Mỹ có và có thể gặp phải trong khi đeo đuổi các mục tiêu đó, sách lược quân sự cần thiết để đối phó với những hiểm họa này, cơ cấu lực lượng mà quân đội Mỹ cần đến để thực hiện sách lược, và những ngân khoản cần thiết để hỗ trợ cho cơ cấu lực lượng đó.
Việc hợp nhất chính sách đối ngoại và ngân sách quốc phòng mang tính cách cơ bản tuyệt đối.Vào thời đó, có nhiều sự chống đối cách làm của chúng tôi. Nhiều người ở Bộ Ngoại giao chẳng hạn, nghĩ rằng chúng tôi muốn tiếm đoạt quyền hành của họ qua những việc chúng tôi soạn bản điều trần về chính sách đối ngoại. Họ nào biết rằng tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng Dean Rusk đọc lại những chữ bản điều trần đó trước khi tôi sử dụng nó làm nền tảng cho chiến lược quân sự và các chương trình quốc phòng của tôi…Mục tiêu của Bộ Quốc phòng nay từ đầu đối với tôi rất rõ ràng: bảo vệ quốc gia với nguy cơ và với giá thấp nhất, và bất cứ lúc nào chúng tôi phải chiến đấu cũng với những tổn thất sinh mạng ít nhất”.
Danh Đức (trích lược)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét