Ảnh: Tiếng nói nước Nga. |
Trong số những Công dân danh dự đó có ba người Nga. Phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga đã có cuộc đàm đạo ngắn với ông Evgeny Glazunov, nhà nghiên cứu Đông phương học nổi tiếng. 16 năm liền ông Evgeny Pavlovich đứng đầu Hội Hữu nghị Nga-Việt và bây giờ ông là Chủ tịch danh dự của tổ chức này.
Mở đầu câu chuyện, ông Evgeny Glazunov nói ngay: “Tôi luôn coi Hà Nội là ngôi nhà thứ hai của mình”.
“Tôi đã làm việc mười năm ở Đại Sứ quán Liên Xô tại Hà Nội hồi những năm 60 và 70. Còn không biết bao nhiêu lần tôi sang đó trong những tháng năm khác nữa! Tôi chỉ tính được đến 100 rồi thôi không đếm nữa. Bởi thực tế là khoảng trước năm 1991, tôi công tác trong Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, ở bộ phận chuyên trách hợp tác với các nước Đông Dương mà trước hết là với Việt Nam. Nhưng lần đầu tiên đến Hà Nội thì tôi còn nhớ rõ, đó là hơn năm chục năm trước - năm 1962. Thành phố lúc ấy rất thanh bình, yên tĩnh, hơi quá nắng đối với tôi là một người con của miền đất Siberia lạnh giá khắc nghiệt.
Thế rồi trước mắt tôi, Hà Nội đã lớn lên, được xây dựng to đẹp hơn. Xuất hiện nhiều tòa nhà hiện đại tân kỳ nhưng phần lịch sử của thủ đô vẫn được chú ý trân trọng gìn giữ.
Cũng như bao năm nay, nơi ưa thích nhất của tôi ở Hà Nội vẫn là khu phố quanh Hồ Gươm, những phố cổ mang tên gọi dân dã mà thân quen như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Quạt, Hàng Bạc… Tôi dám chắc là tôi biết lịch sử Thủ đô Việt Nam còn rõ hơn nhiều bạn trẻ trong số các cư dân của thành phố hôm nay”, ông Evgeny Glazunov kể.
Địa danh Hà Nội trong lòng người cựu chiến binh, chuyên gia Việt Nam học lão thành, gắn bó với nhiều kỷ niệm - có cả những hồi ức vui vẻ và đau buồn, đan xen những nỗi mừng gặp gỡ và chia ly.
Ông Evgeny Glazunov kể: “Tôi nhớ mãi những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng. Khi tôi còn là một nhân viên phiên dịch trẻ của ông Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí đã thử thách tôi bằng một kỳ thi nhỏ về vốn kiến thức văn học Việt Nam. Tất nhiên tôi cũng không bao giờ quên cảnh khởi đầu cuộc ném bom Hà Nội của máy bay Mỹ. Tôi nhớ khi còi báo động vang lên, thay vì nấp trong căn phòng dành riêng không có cửa sổ thì tất cả các cán bộ ngoại giao Liên Xô lại vội vã ra khỏi đại sứ quán, chạy về nhà để lo cứu gia đình của mình.
Chúng tôi lao đi trên phố trong tiếng đạn bom nổ rền, bất chấp cả tiếng hô của cảnh sát và bộ đội tuần tra quân sự Hà Nội. Trong khi đó thì vợ con chúng tôi lại theo đường khác hối hả chạy tới Sứ quán để tránh bom trong tòa nhà cơ quan ngoại giao…
Tôi nhớ trong một lần máy bay tấn công Hà Nội ban đêm, tôi leo lên sân thượng, nhìn bầu trời tối đen bị rạch nát vì những tia sáng từ đạn cao xạ bắn máy bay rồi những chùm lửa bom lấp lóa…Quả tên lửa Mỹ phóng vụt ngang qua đầu, một mảnh sắc rơi ngay cạnh chân tôi. Tôi nhặt mảnh kim loại nóng bỏng lên và giữ cái vật lưu niệm khủng khiếp ấy rất lâu…”.
Toàn bộ cuộc đời của ông Evgeny Glazunov - nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, chuyên gia kỳ cựu về Việt ngữ, dịch giả văn học Việt Nam uyên thâm - đều gắn với Việt Nam.
Còn Hà Nội - thành phố cổ kính và tươi trẻ, thay đổi nhanh chóng và cẩn thận bảo tồn lịch sử của mình, thì luôn chiếm chỗ yêu quí trong trái tim của người Nga này. “Được nhận danh hiệu "Công dân danh dự của thủ đô Hà Nội" đối với tôi là niềm vinh dự lớn lao”, Chủ tịch danh dự của Hội Hữu nghị Nga-Việt nhấn mạnh với giọng xúc động.
Và ông đọc lên câu thơ tuyệt vời mà Evgeny Glazunov thấy mô tả rất đúng tâm trạng và tình cảm của ông với thủ đô Việt Nam: “Hà Nội luôn thắp lên trong tim mỗi chúng ta ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét