Theo RFI, sau khi khẳng định Ấn Độ là một đối tác quan trọng, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, vấn đề Biển Đông không chỉ được thảo luận mà đây còn là một trong những nội dung đạt được trong các cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và lãnh đạo Mỹ, vào cuối tháng Chín.
Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/09, tại Washington, hai bên đã ra thông cáo chung, trong đó có đề cập trực tiếp đến vấn đề Biển Đông.
Thông cáo viết: «Hai lãnh đạo bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng gia tăng do các tranh chấp hàng hải và khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh hàng hải, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và trên không trong vùng này, đặc biệt là tại Biển Đông».
Trong thông cáo, lãnh đạo Ấn Độ và Hoa Kỳ kêu gọi «tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện quyền đòi hỏi của mình» và hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực.
Trong tuần này, Trung Quốc đã có phản ứng về thông cáo chung Mỹ-Ấn. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, lập trường của Bắc Kinh là «tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết giữa các nước trực tiếp liên quan, thông qua đàm phán và tham khảo. Không một bên thứ ba nào nên can thiệp vào việc này».
Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chủ quyền bao trùm gần 90% diện tích Biển Đông, nơi được đánh giá có tiềm năng tài nguyên cao. Việt Nam và Philippines, những nước cũng khẳng định chủ quyền ở Biển Đông đã lên tiếng phản đối điều này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét