Tướng Hwang Pyong So (bên trái, phía dưới), trong quân phục, ngồi cạnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (ngồi giữa). Ảnh chụp ngày 10/05/2014, do hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp.REUTERS/KCNA |
Từ sau chuyến viếng thăm Hàn Quốc rất đặc biệt và bất ngờ ngày 04/10/2014 của một viên tướng được xem là nhân vật số 2 của Bắc Triều Tiên, các suy đoán về số phận Kim Jong Un được nghe thấy ngày càng nhiều, các mối lo ngại cũng gia tăng.
Thậm chí, giới gọi là "Bình Nhưỡng học" tại Hàn Quốc cũng gợi lên giả thuyết đảo chính.
Giả thuyết 1: Sức khỏe không ổn
Kim Jong Un hôm 10/10/2014 đã không đến viếng lăng mộ của người cha Kim Jong Il và người ông Kim Il Sung. Trước đây, từ khi lên nắm quyền tại Bình Nhưỡng, ông chưa bao giờ bỏ lỡ buổi lễ này.
Tại Seoul, khả năng bất ổn ở trên thượng tầng của một chế độ đang trang bị vũ khí hạt nhân đã gây nhiều lo ngại... và suy đoán. Người Bắc Triều Tiên lưu vong tại Hàn Quốc đã nói đến đảo chính, trong lúc báo chí nêu lên vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường hay khả năng bị vỡ mắt cá chân...
Sự vắng mặt này càng được bình luận sôi nổi vì trước khi bị biệt tăm, ở Bắc Triều Tiên, đâu đâu cũng thấy Kim Jong Un ! Hầu như ngày nào cũng vậy, hình ảnh chính thức đều cho thấy ‘lãnh tụ tối cao’ đến quan sát một bệ phóng hỏa tiễn, thăm một nông trại trồng nấm, viếng một trạm trượt tuyết, một nhà thương .v..v...
Vào tháng 7, đài truyền hình nhà nước cho thấy Kim Jong Un đi khập khiễng. Cuối tháng 9, như để giải thích cho sự vắng mặt, chính quyền Bắc Triều Tiên đã công nhận Kim Jong Un bị ‘mệt’ vì làm việc quá nhiều. Một sự công nhận chưa từng thấy, và từ đó tin đồn sôi nổi hẳn lên.
Truyền thông Hàn Quốc khẳng định là Kim Jong Un bị giải phẫu mắt cá, tin đồn khác cho là lãnh đạo 31 tuổi của Bắc Triều Tiên bị bệnh tiểu đường hay bệnh gút.
Người Bắc Triều Tiên lưu vong ở Hàn Quốc từng khẳng định là quyền hành ở Bình Nhưỡng được tạm thời giao cho người em gái của Kim Jong Un.
Giả thuyết 2: Bị lật đổ
Nhưng giả thuyết ngày càng đuợc gợi lên là Kim Jong Un bị lật đổ. Nếu đúng như thế thì ai nắm quyền ở Bình Nhưỡng?
Jan Jin Sung, một viên chức Bắc Triều Tiên tỵ nạn ở Hàn Quốc, cho rằng là một cơ quan của Đảng, Ban Tổ chức và Định hướng, đã nắm quyền từ năm ngoái, vào lúc ông Jang Song Taek người dượng của Kim Jong Un bị xử tử.
Theo nhân vật này thì cơ quan đảng nói trên duy trì Kim Jong Un như một lãnh đạo mang tính chất biểu tượng, vị Kim Jong Un có tính chính đáng đối với dân chúng: 60 năm tuyên truyền đã tạo nên hình ảnh ‘thánh sống’ cho dòng họ Kim.
Quyền lực thực thụ trong tay Tướng Hwang Pyong So
Nhưng quyền lực thực thụ là ở nơi khác. Ông Jang Jin-sung nhận định là người nắm quyền ở Bình Nhưỡng là tướng Hwang Pyong So, đã thăng chức một cách ngoạn mục từ một năm nay. Đây chính là người đã gây bất ngờ khi đến Seoul ngày 04/10/2014, trong một chuyến viếng thăm ngoại giao.
Jang Jin Sung cũng lưu ý là tướng Hwang có cận vệ đi theo, một đặc quyền trước đây dành cho người lãnh đạo tối cao. Một điểm bất thường khác là ông Hwang vẫn mặc quân phục trong chuyến đi, trong khi trước đây chính quyền Bình Nhưỡng trong những chuyến công tác ngoại giao, thường cử giới dân sự.
Ông Jang Jin Sung còn thấy nhữung điều kỳ lạ, chứng tỏ một sự lộn xộn ở thượng tầng : Hàng loạt hành động hòa dịu và hung hăng như đã diễn ra vào hôm thứ 07/10. Theo ông Jang điều này chứng tỏ một sự ‘rối ren ở thượng tầng’.
Các nhà "Bình Nhưỡng học" xây dựng cả một lý thuyết từ một vài chi tiết cóp nhặt
Nghĩ sao về lập luận nói trên? Có thể tin được không? Phân tích này đến từ một người rất am tường về guồng máy của chế độ, có điều là không có bằng chứng xác đáng cụ thể.
Người ta thường gọi một cách diễu cợt những chuyên gia xây dựng cả một lý thuyết từ một vài chi tiết ghi nhận được là các nhà "Bình Nhưỡng học".
Nhiều nhà phân tích thì lại cho là Kim Jong Un vẫn nắm quyền, và sự vắng mặt của ông có lẽ chỉ do một vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên việc Kim Jong Un vắng mặt vào ngày lễ trọng đại 10/10/2014, kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Đảng Lao động có khả năng làm dấy lên trở lại các tin đồn.
Cho đến giờ, chính quyền Hàn Quốc tiếp tục bác bỏ các tin kể trên. Bộ trưởng Bộ Thống nhất khẳng định răng Bắc Triều Tiên dường như vẫn được lãnh đạo như bình thường.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu sự vắng mặt của Kim Jong Un kéo dài, tác hại tối thiểu của sự cố đó là làm suy yếu phần nào quyền kiểm soát của Kim Jong Un trên giới ưu tú tại Bình Nhưỡng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét