Chi nhánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở tỉnh Salah al-Din, Iraq đã công bố các hình ảnh cho thấy một phiến quân đã sử dụng tên lửa phòng không vác vai FN-6 của Trung Quốc để tấn công một máy bay của quân đội Iraq ở gần thị trấn Bayji.
Đây là bằng chứng đầu tiên về việc tên lửa FN-6 đã được cung cấp cho một số nhóm nổi dậy ở Syria bị cáo buộc do Qatar hỗ trợ đang được sử dụng bởi phiến quân IS. Các hình ảnh có vẽ được cắt ra từ một video chưa phát hành cho thấy một phiến quân đang hướng tên lửa vào một trực thăng có thể là loại Mi-17.
Tuy nhiên, các hình ảnh sau đó về đống đổ nát cho thấy nó là một trực thăng tấn công Mi-35 được trang bị 1 pháo 23 mm và 4 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka. Bộ Quốc phòng Iraq cũng đã xác nhận trực thăng tấn công Mi-35 bị bắn rơi ở gần Bayji, tỉnh Salah al-Din vào ngày 3/10.
Các bức ảnh ghi lại quá trình bắn hạ trực thăng Mi-35 bằng tên lửa FN-6. |
Các quan chức Iraq cho biết thêm, một tên lửa khác đã bắn rơi một chiếc trực thăng Bell 407 ở khu vực nói trên vào ngày 08/10. Đây là biến thể trinh sát vũ trang đang được sử dụng bởi Không quân Iraq. Các hình ảnh cho thấy tên lửa đã thay đổi đường bay của nó trước khi tấn công mục tiêu.
Việc bắn hạ thành công Mi-35 của IS đã đặt ra những câu hỏi về các biện pháp đối phó được cài đặt trên loại trực thăng tấn công hiện đại này. Những chiếc trực thăng chuyển giao từ Nga trong năm 2014 đều được lắp hệ thống đối phó hồng ngoại Adron KT-01 AVE Adros nhưng có vẻ hệ thống này hoạt động không hiệu quả.
Một vấn đề khác là các phi công của Không quân Iraq đã tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm khi chọn lộ trình bay quá đơn giản. Họ thường bay dọc theo các tuyến đường điều này giúp họ đơn giản hóa trong việc chuyển hướng. Tuy nhiên, kiểu đường bay này rất dễ dàng cho phiến quân dự đoán và phục kích bằng tên lửa phòng không vác vai. Hai chiếc trực thăng bị bắn hạ chỉ trong vài ngày đã cho thấy điều đó.
Các tên lửa FN-6 do Qatar cung cấp cho lực lượng nổi dậy ở Syria đang được sử dụng bởi phiến quân IS gây ra nhiều thiệt hại cho Không quân Iraq. |
Đây không phải là lần đầu tiên các trực thăng Nga sản xuất bị bắn hạ bởi tên lửa FN-6 của Trung Quốc. Trong cuộc nội chiến ở Syria, một số trực thăng Mi-17 của quân đội chính phủ đã bị bắn hạ bởi tên lửa FN-6, tuy nhiên đây là các loại trực thăng vận tải quân sự có thể không được trang bị hệ thống phòng vệ hồng ngoại.
Năm 2013, New York Times từng cảnh báo Qatar trong việc cung cấp tên lửa FN-6 cho lực lượng nổi dậy ở Syria có thể rơi vào tay các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan. Việc loại trực thăng tấn công hiện đại của Nga bị bắn hạ quá dễ dàng bằng tên lửa của Trung Quốc đã đặt ra hai giả thuyết.
Thứ nhất đó là chất lượng vũ khí Trung Quốc đã được cải thiện hơn trước rất nhiều, nó đã đủ khả năng để tấn công những máy bay hiện đại nhất. Thứ hai là chất lượng các biện pháp đối phó hồng ngoại lắp trên trực thăng và các máy bay cánh cố định khác của Nga có vấn đề.
Quốc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét