Vasily Kashin. |
Đài Tiếng nói Nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 9/10 dẫn bình luận của Vasily Kashin, chuyên viên phân tích Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Moscow bình luận, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ giúp người Việt nâng cao đáng kể khả năng trinh sát chống tàu ngầm và năng lực phòng thủ trên Biển Đông. Trung Quốc có thể không vui về điều này.
Vasily Kashin đánh giá, cho đến nay quy mô hợp tác quân sự Việt - Mỹ không lớn, nguyên nhân quan trọng là do còn những khác biệt sâu sắc về chính trị giữa hai nước. Rất có khả năng sau khi nới lỏng lệnh cấm vận, Việt Nam sẽ mua máy bay trinh sát trên biển P-3C đã qua sử dụng của Mỹ, đó là những thứ không thể mua được từ các đối tác quân sự truyền thống như Nga, Israel hay châu Âu.
Hiện tại Nga đã không sản xuất các loại máy bay trinh sát trên biển thế hệ mới mà chỉ tân trang lại dòng IL-38 và Tu-142 từ thời Liên Xô để lại. Châu Âu cũng không sản xuất loại thiết bị này, chỉ có Mỹ tiếp tục sản xuất hệ thống máy bay trinh sát chống tàu ngầm thế hệ mới (P-8) và Trung Quốc cũng đang thử nghiệm loại máy bay trinh sát chống ngầm GX-6.
Tất nhiên không có chuyện Việt Nam sẽ mua máy bay Trung Quốc, nhưng hoàn toàn có khả năng mua máy bay P-3C đã qua sử dụng của Mỹ, nhưng có thể cắt giảm một số thiết bị đi cùng.
Bắc Kinh vô cùng lo lắng các quốc gia ven Biển Đông nâng cao năng lực trinh sát và chống tàu ngầm. Lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc nằm ở các căn cứ tại đảo Hải Nam, theo giới chuyên gia, Bắc Kinh rất muốn thiết lập một khu vực tuần tra tàu ngầm được bảo đảm an toàn trên Biển Đông.
Máy bay trinh sát chống ngầm GX-6 Trung Quốc đang thử nghiệm. |
Vasily Kashin cho rằng, Mỹ muốn thu thập thông tin tình báo về hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông bằng các máy bay trinh sát chống ngầm và hệ thống tàu quân sự, điều này có thể vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh. Những vụ va chạm, đối đầu máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông các năm 2001, 2009 và mới nhất là vài tuần trước đây minh chứng cho điều đó.
Một khi Việt Nam nâng cao năng lực trinh sát và chống ngầm trên Biển Đông, Trung Quốc "chưa chắc" đã thích (?!). Tuy nhiên, theo học giả Nga thì hiện tại chưa chắc Mỹ đã sẵn sàng cung cấp các thiết bị giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ trên biển và Việt Nam chưa chắc đã muốn trở thành "anh em với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc"?!
Nhận xét của Vasily Kashin có vẻ khiên cưỡng, mâu thuẫn với thực tiễn cũng như những bình luận phía trên về hợp tác quân sự Việt - Mỹ. Thứ nhất, chắc chắn Bắc Kinh chắc chắn sẽ không hài lòng chứ không phải "chưa chắc", khi thấy Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ trên biển, trinh sát chống ngầm mà nguyên nhân tại sao là điều quá dễ hiểu. Nhưng không hài lòng là việc của họ, nâng cao năng lực phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền trước các mối đe dọa xâm lăng là việc đương nhiên cần làm của người Việt.
Thứ hai, nếu nói như Vasily Kashin, hiện tại chưa chắc Mỹ đã sẵn sàng cung cấp các thiết bị giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ trên biển thì tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ là lời nói bông đùa? Giả thiết này của học giả Nga hoàn toàn không thực tế. Mặt khác, nới lỏng lệnh cấm vũ khí với Việt Nam là vì lợi ích của cả hai bên chứ không riêng gì Việt Nam.
Máy bay trinh sát chống ngầm P-3C của Mỹ đang trong biên chế sử dụng. |
Thứ ba, quan điểm nhất quán của Việt Nam đã được khẳng định rõ ràng lâu nay là không liên kết với nước này để chống lại nước kia, nên không có chuyện Việt Nam thành "anh em của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc" như Vasily nói. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn mọi âm mưu xâm lăng thôn tính trên Biển Đông. Bất kỳ nước nào muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này đều được hoan nghênh.
Vasily Kashin cho rằng, hiện tại hầu hết vũ khí của Việt Nam đều mua từ Nga vốn không liên quan gì đến Biển Đông. Mặt khác, Moscow không yêu cầu đòi hỏi người Việt Phải cam kết bất kỳ nghĩa vụ chính trị nào khi mua vũ khí của mình nhắm "định hướng lựa chọn" cho người Việt?
Tuy nhiên, bình luận của ông lại mâu thuẫn với chính những gì ông vừa nói, cái Việt Nam cần để nâng cao năng lực phòng thủ trên biển, trinh sát và chống ngầm thì cả Nga, EU, Israel đều không có, chỉ Mỹ và Trung Quốc có, mà Việt Nam thì không bao giờ mua máy bay Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn có thể mua nó từ Mỹ, khẳng định này là của chính ông.
Kết thúc bài viết, học giả Nga cho rằng Trung Quốc và Nga đang (muốn?) làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam, nhưng là để "ngăn chặn xu thế gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực". Như đã nói ở trên, Việt Nam không theo nước này chống nước kia, chỉ muốn chung sống hòa bình và sẽ tự vệ trước mọi âm mưu xâm lăng. Việt Nam không theo Mỹ chống Trung Quốc như Vasily lo ngại, nhưng cũng không có chuyện Việt Nam theo Nga và Trung Quốc để chống lại Mỹ như học giả này đề xuất - PV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét