Năm 2014 ghi nhận là năm đầy bạo lực tại Ukraine từ sự kiện những tay súng bắn tỉa tại Kiev, thảm sát Odessa cho tới những hố chôn tập thể tại miền đông. Song, 3 tội ác này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Các tay súng ly khai phát hiện một hố chôn tập thể trên ngọn đồi Savur-Mohyla, phía đông thành phố Donetsk hôm 28/8. |
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine bắt nguồn cách đây gần 1 năm, dẫn tới một cuộc nội chiến và hàng loạt tội ác tàn bạo liên quan tới 3 tội ác lớn nhất.
Đầu tiên phải kể đến sự kiện hôm 23/9, các tay súng ly khai đã phát hiện ra 3 hố chôn tập thể không tên tuổi chứa ít nhất 9 thi thể gần thành phố miền đông Ukraine, Donetsk. Sau đó, tổ chức Sứ mệnh giám sát đặc biệt (SMM) thuộc OSCE cũng xác nhận sự tồn tại của những ngôi mộ này.
Trả lời RT, bác sĩ pháp y Konstantin Gerasimenko cho hay: “Toàn bộ nạn nhân chết do trúng nhiều phát đạn và bị trói tay”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi các tổ chức quốc tế cần có “phản ứng rõ ràng, không thiên vị và có trách nhiệm”. Đáp lại lời kêu gọi của ông Lavrov, Washington lên tiếng ủng hộ triển khai một cuộc điều tra “toàn diện để tìm ra chân lý của sự thật”.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra của OSCE, cơ quan thi hành sứ mệnh giám sát tại Ukraine do Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền Liên Hợp Quốc ủy quyền, vẫn chưa thu được kết quả nào đáng kể.
Phát ngôn viên tổ chức Các vấn đề Ngoại giao và Chính sách an ninh châu Âu cho biết: “Thông qua báo cáo của OSCE SMM, chúng tôi biết rằng chưa có bất cứ phân tích pháp lý nào liên quan tới những thi thể tại hố chôn tập thể”.
Vụ cháy tòa nhà Hiệp hội thương mại tại Odessa hôm 2/5. |
Tội ác thứ hai phải kể đến là vụ thảm sát tại thành phố Odessa hôm 2/5, cướp đi sinh mạng của gần 40 người trong vụ cháy một tòa nhà vốn là nơi cư ngụ của những người biểu tình phản đối chính phủ Kiev. Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích vụ thảm sát khi chứng kiến hình ảnh các phần tử dân tộc cực đoan Right Sector phóng hỏa tòa nhà.
Sau 5 tháng xảy ra thảm kịch trên, RT đã liên lạc với Hội đồng châu Âu (EU). Tuy nhiên, phát ngôn viên của tổ chức Các vấn đề Ngoại giao và Chính sách an ninh châu Âu vẫn chỉ cho biết: “Cuộc điều tra này đang diễn ra nhanh chóng, minh bạch, không chịu ảnh hưởng từ chính trị, tìm hiểu sự thật và xem xét trách nhiệm của các bên liên quan bao gồm người biểu tình và các cơ quan hành pháp”.
Trong khi đó, giới chức Ukraine cũng đang tiến hành một cuộc điều tra nhưng bản báo cáo chỉ kết luận một từ là “không thể” tìm ra thủ phạm gây ra những cái chết thương tâm “do thiếu trang thiết bị hiện đại”.
Giới truyền thông địa phương khẳng định kết quả của cuộc điều tra do chính quyền Ukraine tiến hành là “bịa đặt và thiếu bằng chứng”.
Thậm chí, Svetlana Fabrikant, một thành viên trong quốc hội Ukraine kiêm thư ký ủy ban quốc hội điều tra vụ thảm sát tại Odessa cho rằng chữ ký của bà trong bản kết quả điều tra công bố trước dư luận “hoàn toàn khác” so với bút tích mà bà đã ký.
Bản báo cáo này cũng không hề nhắc tới những bằng chứng liên quan tới việc tố cáo khoảng 500 phần tử cực đoan bị nghi đưa tới Odessa để giúp đỡ Thống đốc Vladimir Nemirovsky trấn áp người biểu tình.
Ngay cả những thông tin liên quan tới việc ông Andrey Parubiy, người sau này trở thành Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, đã tham gia vạch kế hoạch cho vụ thảm sát trên, cũng không được đề cập.
Người biểu tình phản đối chính phủ tại Quảng trường Độc lập đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại Kiev hôm 20/2. |
Tội ác thứ ba xảy ra hồi tháng Hai khi các tay súng bắn tỉa cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở quảng trường Maidan. Một số tổ chức nhân quyền khẳng định cuộc điều tra về tội ác này diễn ra quá chậm và các bằng chứng quan trọng đã bị phá hủy.
Bản báo cáo sơ bộ đã đổ lỗi cho cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich và đơn vị đặc nhiệm Berkut là phủ phạm. Song, họ đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.
Trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ hồi tháng Ba liên quan tới tội ác của các tay súng bắn tỉa, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia đã nói với Đại diện cấp cao phụ trách Chính sách an ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton rằng: “Liên minh mới không muốn điều tra chính xác chuyện gì đã xảy ra. Điều chắc chắn là các tay súng bắn tỉa không liên quan tới ông Yanukovich mà thuộc về liên minh chính trị mới”.
Tuy nhiên, không ít thành viên thuộc đơn vị Berkut đã bị bắt giam trước cáo buộc thảm sát tại quảng trường Maidan và gần đây đã bị đưa ra tòa án xét xử. Song cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ một cuộc điều tra quốc tế nào được tiến hành để làm rõ tội ác trên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét