Đặc nhiệm Indonesia ập lên một con tàu bị cướp biển tấn công - Ảnh: CNBC |
Tối 14/6/2014, tàu chở dầu MT Ai Maru đang di chuyển lặng lẽ ngoài khơi Malaysia thì bất thần một chiếc canô tốc độ cao xuất hiện và áp sát mạn tàu.
Lúc 21g15, bảy tay cướp biển với súng và dao leo lên boong tàu, phá cửa buồng lái và trói nghiến 13 thủy thủ Thái Lan cùng thuyền trưởng người Indonesia rồi đập phá hệ thống liên lạc của con tàu. Chúng giam tất cả các thủy thủ vào một căn phòng.
Một chiếc tàu chở nhiên liệu khác xuất hiện, nhưng do bọn cướp biển điều khiển. Trong vài giờ, chúng rút tổng cộng 700.000 lít dầu diesel từ tàu MT Ai Maru sang con tàu của chúng.
Đến 5g sáng 15/6, hải quân và cảnh sát biển Malaysia tiếp cận tàu MT Ai Maru. Nhưng bọn cướp biển đã biến mất từ lâu. Số nhiên liệu chúng cướp được có giá trị lên tới 550.000 USD trên thị trường chợ đen.
Tấn công liên tiếp
Vụ tấn công tàu MT Ai Maru được mô tả rõ trong các tài liệu của Tổ chức chống cướp biển châu Á ReCAAP (www.recaap.org) và Cục Hàng hải quốc tế (IMB).
Các chuyên gia ReCAAP, IMB và hãng thông tin quốc phòng IHS Jane’s đánh giá đây là ví dụ điển hình phản ánh phương thức hoạt động và mục tiêu của cướp biển tại eo biển Malacca và eo biển Singapore, tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Một vụ tấn công khiến nhà chức trách khu vực đặc biệt lo ngại xảy ra hôm 23/4/2014 ở khu vực phía bắc eo biển Malacca.
Tàu chở dầu Naniwa Maru 1 khi di chuyển ngoài khơi thành phố cảng Port Klang của Malaysia bất ngờ gặp nạn. Tám tên cướp biển, tình nghi là người Indonesia, xông lên tàu, cầm súng và kiếm khống chế thủy thủ đoàn.
Sau đó, chúng điều hai tàu khác tới và bơm hơn 3 triệu lít dầu diesel mà tàu Naniwa Maru 1 chuyên chở sang hai con tàu này.
Sau đó, bọn cướp biển biến mất cùng thuyền trưởng, máy trưởng và một thủy thủ tàu Naniwa Maru 1. Ban đầu, nhà chức trách Malaysia cho rằng bọn cướp biển đã bắt cóc ba thành viên thủy thủ đoàn trên.
Chuyên gia Noel Choong thuộc IMB khẳng định cơ quan này rất lo ngại bởi đây là lần đầu tiên cướp biển Đông Nam Á bắt cóc thủy thủ. Vụ tấn công cũng lần đầu tiên xảy ra ở cực bắc eo biển Malacca. Tuy nhiên sau đó phía Malaysia tình nghi ba người này đã thông đồng với bọn cướp.
Bởi tất cả đồ đạc cá nhân và giấy tờ của ba người này cũng biến mất và bọn cướp biển không hề đòi tiền chuộc. Ước tính số nhiên liệu chúng cướp đi có giá trị lên tới 2,5 triệu USD trên thị trường.
Ám ảnh kinh hoàng
Đến nay thuyền trưởng Thiwa Saman của tàu Orapin 4 chở dầu diesel từ Singapore đến Indonesia vẫn chưa hết ám ảnh về cơn ác mộng mà ông đã trải qua hôm 27/5.
Tàu chở dầu MT Ai Maru di chuyển bên cạnh một tàu hải quân Malaysia - Ảnh: CNBC
Khi tàu di chuyển trên eo biển Malacca lúc rạng sáng, ba gã cướp biển với súng và kiếm đập cửa cabin của ông, bắt giữ các thủy thủ và phá hệ thống liên lạc của tàu.
Thuyền trưởng Thiwa và 13 thủy thủ bị bịt mặt và bị trói. “Bọn cướp biển nói rằng sẽ không giết hại chúng tôi mà chỉ muốn lấy dầu”, ông Thiwa kể.
Trong vòng 10 giờ, chúng rút 4 triệu lít dầu trị giá 2 triệu USD trên thị trường chợ đen sang một con tàu khác.
Tất cả các tay cướp biển đều mặc quần áo giống hệt các thủy thủ trên tàu Orapin. Do đó chúng dễ dàng rút dầu từ tàu này sang tàu của chúng vào buổi sáng trên vùng biển đông đúc mà không hề bị tàu nào khác để ý. Thậm chí chúng còn sơn lại tên tàu của thuyền trưởng Thiwa để đánh lạc hướng lực lượng an ninh khu vực.
Sau đó chúng vét sạch mọi tài sản quý giá trên tàu rồi biến mất. May nhờ một chiếc radar không bị phá mà tàu Orapin 4 đi được tới một hải cảng gần Bangkok. Thuyền trưởng Thiwa cho biết nhiều tuần sau đó ông và các thủy thủ vẫn không dám quay trở lại làm việc vì quá sợ hãi.
Hai năm trước, một chiếc tàu chở dầu của thuyền trưởng Thiwa cũng bị cướp biển tấn công ngoài khơi Malaysia. Nhưng ông kể khi đó bọn cướp biển chỉ có dao và kiếm. Bây giờ, chúng có đủ mọi “đồ chơi” cần thiết để đánh cướp thành công là đủ các loại súng đạn khác nhau.
“Gia đình tôi không muốn tôi quay trở lại biển vì điều đó quá mạo hiểm”, thuyền trưởng Thiwa cho biết.
Truyền thống cướp biển từ nhiều thế kỷ Theo IMB, cướp biển đã hoạt động mạnh trên eo biển Malacca từ thế kỷ 14. Đặc biệt trong thế kỷ 18 và 19, cướp biển hoạt động dữ dội khi thực dân châu Âu đến Đông Nam Á, thúc đẩy giao thương trên biển. Năm 2004, các vụ tấn công cướp biển ở Malacca chiếm 40% tổng số thế giới. Indonesia là khu vực có nhiều cướp biển nhất năm 2007 với 93 vụ tấn công. Từ năm 2004, hải quân ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore đã phối hợp tuần tra trên eo biển Malacca và eo biển Singapore để chống cướp biển. Sau đó hải quân Ấn Độ cũng tham gia tuần tra vào năm 2006. Nhờ đó các vụ cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore giảm dần. Năm 2011, chính quyền các nước khu vực cho rằng nạn cướp biển ở Malacca đã chấm dứt. Tuy nhiên sang năm 2012 và 2013, cướp biển lại trỗi dậy ở Đông Nam Á. |
Theo Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét