(VnMedia) - Chiến đấu cơ đa dụng Sukhoi Su-30 của Nga đã được nâng cấp đẩy đủ để có khả năng mang các tên lửa hành trình siêu thanh. Chiến đấu cơ này sẽ được nâng câp cho cả Không lực Nga lẫn Không quân Ấn Độ. Chiến đấu cơ Su-30 của Nga sẽ được nâng cấp tại tập đoàn máy bay Irkut.
Trong khi đó, hiện Ấn Độ cũng đã bắt đầu tiến hành đợt bay thử với chiến đấu cơ Su-30MKI đầu tiên, được các chuyên gia Ấn Độ và Nga phối hợp nâng cấp để có thể mang tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos-A.
Công tác chuẩn bị thử nghiệm chiến đấu cơ Su-30MKI thứ hai vẫn đang được tiến hành và sẽ được bay thử trong năm nay, ông Mishra cho biết thêm.
Giám đốc điều hành của Tập đoàn Không gian Vũ trụ BrahMos – ông Sudhir Mishra cho biết, công tác thử nghiệm bay đối với các chiến đấu cơ Su-30 sẽ được tiến hành suốt trong năm nay.
Sukhoi Su-30 là dòng chiến đấu cơ đa dụng với biến thể "đình đám" là chiến đấu cơ Su-30MKI được sản xuất dưới sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ.
Đây là sản phẩm hợp tác của Tập đoàn United Aircraft Corporation của Nga và Hindustan Aeronautics Limited của Ấn Độ. Loại chiến đấu cơ này được thiết kế và chế tạo để dành riêng cho Không lực Ấn Độ theo một thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ phía Nga.
Việc phát triển Su-30MKI được bắt đầu vào năm 2000, khi Ấn Độ kí hợp đồng với Nga để mua 140 máy bay chiến đấu Su-30.
Chiếc Su-30MKI đầu tiên do Nga chế tạo được biên chế vào đơn vị của Không quân Ấn Độ vào năm 2002,trong khi chiếc Su-30MKI đầu tiên do Ấn Độ lắp ráp chế tạo được đưa vào biên chế của Không lực Ấn Độ vào năm 2004.
Năm 2007, Ấn Độ đặt hàng thêm 40 chiếc Su-30MKI, đến tháng 12/2011 đã có 137 chiếc phục vụ trong Không quân Ấn Độ và đến thời điểm này là 230 chiếc. Ngoài ra, với hợp đồng vừa ký kết với Nga trong chuyến thăm Ấn Độ hôm qua (24/12) của Tổng thống Nga- Vladimir Putin, trong một tương lai gần, Không lực Ấn Độ sẽ sở hữu tới 272 chiến đấu cơ loại này.
Những chiếc chiến đấu cơ này có phần khung và động cơ được chế tạo tại Nga, còn các linh kiện điện tử, hệ thống quản lí hàng do phía Ấn Độ đảm nhiệm.
Chiến đấu cơ này có khả năng mang vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí do Ấn Độ tự chế tạo, ngoài ra, máy bay tiêm kích này còn có thể kết hợp với các hệ thống khác nhau của Ấn Độ. Bên cạnh đó, Su-30MKI còn sử dụng các hệ thống phụ của Pháp và Israel.
Su-30MKI là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4,5 hạng nặng, tầm xa và có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết.
Su-30MKI là máy bay chiến đấu 2 phi công, tải trọng tối đa lên đến 38,8 tấn, trọng lượng không tải là 18,4 tấn, tốc độ tối đa là Mach 1,9 tương đương 2120km/h. Chiến đấu cơ này có cao độ 17.300 mét và có tầm hoạt động vào khoảng 3.000km khi ở độ cao tối đa, tầm hoạt động trung bình là 5000 km.
Su-30MKI được trang bị các loại vũ khí như đại bác 30mm với tốc độ 150 viên/phút. Bên cạnh đó là 12 điểm gắn vũ khí (một số chiếc có thể cải tiến lên 14) với khả năng mang được 8 tấn vũ khí bên ngoài bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất và nhiều loại bom khác nhau.
Hệ thống điện tử hàng không, đặc tính khí động học và các thành phần cấu tạo đều tương tự như Su-35, do vậy Su-30MKI cũng thường được coi là một biến thể của Sukhoi Su-35 được đặt làm theo yêu cầu của Ấn Độ. Thay đổi lớn nhất của Su-30MKI so với các phiên bản trước là động cơ đẩy vecto và các cánh phụ phía mũi giúp di chuyển linh hoạt hơn. Ước tính mỗi chiếc Su-30MKI có trị giá lên tới 35,9 triệu USD.
Từ năm 2004 đến nay, Su-30 MKI đã tham gia nhiều cuộc diễn tập quốc tế giành quyền kiểm soát không phận. Và trong quá trình diễn tập, Su-30 MKI nhiều lầnthể hiện ưu thế vượt trội so với các máy bay hiện đại khác của Mỹ và NATO như: máy bay chiến đấu hạng nặng F-15C và máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16C-D của Mỹ; máy bay chiến đấu Mirage của Pháp.
Trong cận chiến và tác chiến tầm trung, Su-30 MKI đã chiếm ưu thế tuyệt đối trước các máy bay Mỹ và NATO, đặc biệt là về khả năng theo dõi và phóng tên lửa tiêu diệt đa mục tiêu trong một thời điểm. Các máy bay chiến đấu hiện đại của Pháp cũng phải "ngả mũ" trước Su-30 MKI về khả năng đánh chặn tầm gần và tính năng của hệ thống tên lửa.
Trong một tình huống luyện tập cách đây vài năm, Su-30 MKI đã từng "đụng độ" với F-15C của không quân Mỹ cất cánh từ căn cứ Okinawa. Trong tình huống này, 2 loại máy bay thực hành không chiến và Su-30 MKI đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn hạ mục tiêu F-15C.
Với những tính năng vượt trội của mình, Su-30 MKI được mệnh danh là "Vua của các loại chiến đấu cơ".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét