Trung Quốc huy động đại quân áp sát song sẽ không dám tấn công Myanmar vì sợ mắc bẫy Mỹ.
Động binh chỉ để ra oai?
Theo trang “Đa chiều”, trang tin của người Hoa ở nước ngoài, có quan điểm cho rằng Trung Quốc "sắp dạy cho Myanmar một bài học" khi thấy Bắc Kinh điều động binh lực quy mô lớn áp sát biên giới với Myanmar. Lực lượng phiến quân ở Kokang cũng nhận được tin tình báo rằng quân chính phủ Myanmar tăng cường binh lính, dường như đã chuẩn bị phương án để tiến hành không kích quy mô lớn.
Trung Quốc điều 7 nhóm máy bay tuần tra khu vực biên giới với Myanmar
|
Tuy nhiên, mạng “Đa chiều” đánh giá động thái này chỉ là một đòn mang tính cảnh cáo đối với Myanmar, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng xuất quân.
Trong số 3 lý do được nêu ra, “Đa chiều” cho rằng khai chiến với Myanmar lúc này là Trung Quốc mắc bẫy của Mỹ. Tờ báo người Hoa ở nước ngoài này cho rằng Myanmar và Trung Quốc giao tranh là mong muốn của Mỹ. Washington đã "ủng hộ ra mặt" quân chính phủ Myanmar tấn công phiến quân miền Bắc. Hôm 9/1 vừa qua, các quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Myitkyina, thủ phủ tỉnh Kachin.
Trong cuộc đối thoại nhân quyền từ 11-15/1, giữa Mỹ và Myanmar ở Naypyidaw có sự tham gia của một số tướng lĩnh quân đội, trong đó có Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khiến dư luận chú ý.
“Đa chiều” cho biết truyền thông Mỹ đã cố tình giảm nhẹ mức độ quan trọng của thông tin này, hãng thông tấn AP chỉ nói ngắn gọn rằng, một số tướng lĩnh của Mỹ sẽ tham gia đối thoại nhân quyền và gặp gỡ các quan chức quân sự cấp cao Myanmar để thảo luận về các hoạt động quân sự và cải cách. Điều đó chứng minh Washington ủng hộ chiến dịch quân sự tiêu diệt phiến quân miền Bắc của Chính phủ Myanmar.
“Đa chiều” cũng bình luận một cách tự tin rằng, ngày nay quân đội Myanmar căn bản không phải là đối thủ của Trung Quốc và Bắc Kinh "cũng không sợ quốc gia nào", nhưng không phải lúc nào thích là xuất binh khai chiến, đặc biệt khi chiến tranh lại là một cái bẫy giăng sẵn.
Về phản ứng của Trung Quốc, “Đa chiều” đánh giá đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo chính phủ, Bộ Ngoại giao, quân đội Trung Quốc. Trong khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar gặp Phó Tổng thống nước sở tại để phản đối, thì Phạm Trường Long - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc -cũng điện đàm nhắc nhở Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời Thủ tướng Trung Quốc cũng lên tiếng.
Cũng theo mạng tin này, để duy trì ổn định vùng biên giới, mới đây Trung Quốc đã thay thế một Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát Vũ trang Vân Nam.
Đòn cảnh cáo của Myanmar?
Ngoài lý do sợ mắc bẫy của Mỹ, “Đa chiều” còn nêu ra hai lý do khác khiến Trung Quốc không dám tấn công Myanmar.
Đây không phải lần đầu tiên bom đạn Myanmar lạc sang lãnh thổ Trung Quốc. Về mặt vị trí địa lý, thị trấn Mạnh Định huyện Cảnh Mã, thành phố Lâm Thương (có thể là Lan Thương - Lincang) tỉnh Vân Nam là một cửa khẩu vùng biên có từ thời Minh. Các hoạt động biên mậu của Mạnh Định cũng bắt đầu xuất hiện ở thời kỳ này. Những ngày đầu các hoạt động thương mại nhỏ lẽ giữa Mạnh Định và Myanmar chỉ đơn giản dưới hình thức hàng đổi hàng, dần dần đã chuyển thành nơi trao đổi hàng hóa và thương mại lớn.
Huyện Cảnh Mã (Gengma), thành phố Lâm Thương (Lincang). Ảnh: SCMP |
Thời gian 10 năm từ kế hoạch “5 năm lần thứ 8” đến “5 năm lần thứ 9”, kinh tế xã hội của Mạnh Định phát triển tương đối nhanh. Với vị trí thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, chính sách mở cửa cửa khẩu được ưu đãi thông thoáng, Mạnh Định đã trở thành một trong 500 thị trấn trọng điểm trên toàn quốc.
Nơi đây cũng chính là hậu phương cung cấp cho lực lượng phiến quân ở miền Bắc Myanmar nên việc quân đội Myanmar năm lần bảy lượt "đạn lạc" vào khu vực này cũng bởi vì có bối cảnh lịch sử sâu xa của nó.
Sở dĩ quân đội Myanmar "bắn nhầm" vào lãnh thổ Trung Quốc là vì Bắc Kinh không thể che giấu một sự thật về quan hệ giữa họ với phiến quân ở Kokang. Giới quân sự Myanmar lâu nay đều xem Trung Quốc là kẻ dung túng lực lượng phiến quân, thậm chí có viên tướng cấp cao Myanmar mới đây đã công khai tuyên bố điều này.
Theo “Đa chiều”, vì "chính sách không can thiệp công việc nội bộ nước khác" nên Trung Quốc chấp nhận thực tế giao tranh ác liệt ở Myanmar có thể sẽ có lúc lan sang lãnh thổ nước mình, nhưng cùng lắm cũng chỉ "khiển trách" chứ không hành động mù quáng.
Đầu năm nay các nhóm phiến quân miền Bắc Myanmar muốn nhờ Trung Quốc đứng ra làm trung gian đàm phán hòa bình với chính phủ, nhưng Naypyidaw đã không đồng ý. Qua đó có thể thấy thái độ cứng rắn của Chính phủ Myanmar.
Các tay súng phiến quân tại Kokang, Myanmar. Ảnh: Reuters
|
Có thể thấy, địa điểm bị ném bom lần này chỉ cách biên giới hai nước khoảng 1-2 km. Theo “Đa chiều”, đây là hiện tượng bình thường. Khi sử dụng máy bay ném bom, bom đạn có thể đi chệch mục tiêu ban đầu dù máy bay Myanmar không xâm phạm không phận Trung Quốc.
Một trang mạng của Đài Loan dẫn kết quả thử nghiệm của quân đội Trung Quốc cho thấy khoảng cách quả bom có thể “lạc” khỏi mục tiêu phụ thuộc vào độ cao và tốc độ của máy bay. Nếu máy bay bay ở độ cao 1.500 m với tốc độ 500 km/h thì quả bom 250 kg có thể bay chệch mục tiêu 2,2 km. Giữ nguyên độ cao, nếu vận tốc máy bay là 700 km/h thì sai số lên tới 3 km. Trong trường hợp máy bay ở độ cao 3.000 m thì quả bom có thể chệch mục tiêu 4,1 km và ở độ cao 6.000 m thì con số này là 5,7 km.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bắc Kinh dường như chỉ có hai lựa chọn. Một là bắn rơi máy bay quân sự Myanmar ngay trên không phận Myanmar, hoặc là cả hai phía đều phải vạch ra vùng cấm bay bán kính 10 km tính từ đường biên giới chung của 2 nước.
Trung Quốc đã không còn "vô can" trong vấn đề chiến tranh ở miền Bắc Myanmar. Lần này Bắc Kinh đem đại quân áp sát biên giới là có ý muốn ép Myanmar đồng ý cùng Trung Quốc tham gia đàm phán với phiến quân.
Bắc Kinh không vì vụ bom rơi đạn lạc mà quyết định động binh tấn công Myanmar, hiện nay việc kết hợp sức ép quân sự với ngoại giao đang là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc trong vấn đề Myanmar.
- An Ninh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét