Thời gian gần đây tỉnh tây nam Ukraine là Odessa liên tiếp xảy ra các vụ đánh bom bí ẩn, được cho là nhằm gây tâm lý bất an trong dân chúng.
Các vụ đánh bom bí ẩn
Dù nằm cách xa khu vực chiến sự tại miền Đông Ukraine, song thành phố cảng Odessa lại đang rung chuyển bởi những vụ đánh bom bí ẩn. Chúng khuấy động bầu không khí nghi ngờ, chia rẽ thành phố cảng nằm bên bờ Biển Đen này thành hai nửa.
Vụ nổ mới nhất xảy ra vào đêm ngày 04/01. Một quả bom đã phát nổ tại văn phòng Trung tâm điều phối EuroMaidan, nơi gần đây đã tham gia huy động sự đóng góp cho quân đội Ukraine đang chiến đấu ở Donbass. Vụ nổ đã phá hủy cửa chính của trung tâm, làm hư hỏng nhiều cửa sổ của các căn hộ gần đó.
Trước đó, hôm 03/01, nhiều xe tăng chở dầu tại một nhà ga đường sắt Odessa-Peresyp cũng bị đánh bom, may mắn là trong các vụ nổ trên không có thương vong. Cuối tháng 2 vừa qua, cảnh sát cũng thông báo là đã phá được một âm mưu khủng bố vào Odessa.
Cảnh sát cho rằng các vụ tấn công này là hành động khủng bố nhằm vào lực lượng chính phủ.
Thành phố cảnh Odessa thuộc vùng Odessa (Odessa Oblast), được Nữ hoàng Nga Yekaterina II thành lập vào năm 1794. Đây là một hải cảng quan trọng về thương mại hàng hải dưới thời Đế quốc Nga và đã từng chứng kiến nhiều trận chiến quan trọng trong Thế chiến thứ 2.
Thành phố nằm sâu trong vùng lãnh thổ do chính quyền trung ương ở Kiev kiểm soát. 60% cư dân thành phố là người Ukraine, người Nga chỉ chiếm hơn 20% nhưng đại đa số dân chúng lại nói tiếng Nga nên lực lượng ủng hộ Moscow rất đông, trong đó có rất nhiều người Ukraine.
Thành phố cảng Odessa đã chịu nhiều tang thương dưới tay các phần tử cực hữu |
Vào năm ngoái, những cuộc biểu tình đòi độc lập hay sáp nhập ở Nga đã bùng lên dữ dội và chỉ tạm thời lắng xuống sau vụ lực lượng cực đoan Pravyi Sector đốt chết 45 người biểu tình thân Nga ở tòa nhà công đoàn. Tuy nhiên, phong trào ủng hộ Nga ở thành phố này vẫn âm ỉ, rất dễ bùng lên thành đám cháy lớn.
Hiện nay, những người phản đối sự lãnh đạo của chính quyền Ukraine thân phương Tây vẫn tụ tập đều đặn mỗi tuần ở công viên trung tâm Odessa, gần tòa nhà công đoàn - nơi 45 người, chủ yếu là các nhà hoạt động thân Nga bị đốt chết và gần 200 người bị thương - vào ngày 2-5-2014.
Một nhân viên y tế ở Odessa là Alina Radchenko cho biết, hiện sự ủng hộ của người dân nơi đây đối với Nga và Ukraine hiện là 50-50. Những người ủng hộ Nga thường xuyên tham gia các buổi tụ tập tưởng nhớ các nạn nhân vụ tòa nhà Công đoàn và đã chia sẻ nhiều tờ rơi và những bài thơ kể tội chính quyền.
Có người hét vang “Chúng tôi không phải châu Âu, chúng tôi là Novorossiya!", có người hô lớn. "Tôi yêu nước Nga!", thậm họ còn tranh cãi với các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đang giám sát buổi tụ tập.
Svitlana Nabokova, lãnh đạo nhóm “Tiếng nói Odessa” thường lãnh đạo các cuộc tuần hành, tụ tập đó nói rằng, nhiều người ủng hộ Nga trong thành phố giờ không dám hoạt động vì nhà chức trách thường xuyên lục soát nhà của những người biểu tình bị, họ còn bị dọa giết và ngược đãi.
Các vụ nổ nhằm mục đích gì?
Hiện có 2 luồng ý kiến về vấn đề các vụ nổ bí ẩn liên tiếp xảy ra ở Odessa.
Cuộc biểu tình của lực lượng thân Nga tháng 3 năm 2014 |
Ông Andriy Yusov, cố vấn của của Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) gần đây cảnh báo rằng, tình hình hòa hoãn ở Đông Ukraine có thể làm tăng các hoạt động gây mất ổn định tại các thành phố do chính quyền kiểm soát như Odessa và Kharkov nhằm gây ra các vụ bạo loạn.
Đã có những tin đồn về việc quân ly khai đang tập trung lực lượng để thôn tính cả dải đất ven biển Đen ở phía nam Ukraine, chạy từ đông sang tây, kéo dài từ Mariupol đến Crimea, qua Kherson, Mykolaiv để tới Odessa và bành trướng tới tận khu vực ly khai Transnistria của Moldova.
Những giả thuyết như thế đã khiến chính quyền thành phố này và lực lượng ủng hộ chính phủ thân phương Tây ở Kiev nâng cao cảnh giác và phòng bị ở Odessa. Họ sợ khu vực này sẽ trở thành một nước "cộng hòa nhân dân" khác, trong khuôn khổ Liên bang Novorossiya như Donetsk và Lugansk.
Hồi năm ngoái, vào ngày 16/04, những người biểu tình thân Nga ở khu vực Odessa ở tây nam Ukraine, giáp với biển Đen, đã tuyên bố thành lập "Nước Cộng hòa nhân dân Odessa" và kêu gọi người dân phong tỏa giao thông thành phố này.
Đại diện thân Nga của thành phố này khi đó đã tham dự vào buổi lễ thành lập Liên bang Đông Nam Ukraine Novorossiya cũng trong ngày hôm đó. Tham dự buổi lễ đó có đại diện cho người biểu tình yêu cầu liên bang hóa tại Lugansk, Dnepropetrovsk, Donetsk, Kharkov, Odessa và Zaporozhye.
Khu vực Transnistria ở Moldova - hiện diện hơn 1000 quân Nga - có biên giới tiếp giáp với vùng Odessa |
Ngay sau đó, chính quyền Kiev đã điều động những thành viên Maidan, nòng cốt là Tổ chức cực đoan “Khu vực cánh hữu” (Pravyi Sector) tới đàn áp phong trào này và đã gây ra vụ thảm sát ở tòa nhà Công đoàn đã nêu ở trên. Tuy nhiên, phong trào ủng hộ Liên bang hóa vẫn âm ỉ ở thành phố cảng này.
Ông Oleksandr Bornyakov, một nghị sĩ địa phương và là thành viên đảng Samopomich thân phương Tây cho biết, văn phòng của đảng Samopomich cũng đã bị đánh bom và đổ lỗi cho lực lượng thân Nga đã gây ra các vụ nổ này nhằm mục đích gieo rắc sự nghi ngờ trong thành phố và dồn sự phẫn nộ về phía nhà chức trách.
Còn lực lượng thân Nga lại tuyên bố ngược lại rằng, những phần tử quá khích thân phương Tây đã thực hiện trò “ném đá giấu tay” để chính quyền có cớ để cấm hoạt động tụ họp của người dân vì sợ phong trào Liên bang hóa bùng lên.
Hồi cuối tháng 4 năm ngoái, cũng có những vụ đánh bom vào các trạm kiểm soát của chính quyền Kiev khiến chính quyền thành phố ra lệnh giới nghiêm, lập thêm các chốt kiểm soát ở khu vực giáp giới với vùng lãnh thổ ly khai Transnistria (hay còn gọi là Transdniestria hoặc Pridnestrovie) của Moldova.
Nguyên nhân của sự việc này là do tại vùng lãnh thổ ly khai này của Moldova còn có lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đồn trú ở đây từ năm 1992 với hơn 1000 binh lính và nhiều trang bị hạng nặng. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Nga ở đây không chỉ khiến Moldova lo lắng mà cả Ukraine cũng không yên.
Với đường biên giới rất dài với vùng Odessa, chính quyền Kiev sợ rằng 1 kịch bản Crimea thứ 2 sẽ lặp lại với thành phố cảng nên đã tăng cường lực lượng đến thành phố này nhằm ngăn chặn khả năng xấu xảy ra. Bởi vậy, phe thân Nga cho rằng, chính quyền đang tạo ra các vụ nổ để tạo cớ tăng cường an ninh, trấn áp hoạt động của họ.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét