Nền kinh tế và chính trị Ukraine sẽ ngày càng bị tổn thương nghiêm trọng từ chính các cuộc đấu đá nội bộ giữa chính phủ và giới đầu sỏ chính trị vốn nắm giữ phần lớn nguồn tài chính quốc gia.
Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Petro Poroshenko và vị tỷ phú kiêm cựu Thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk, ông Ihor Kolomoyskiy đã trở thành điềm xấu đối với nền kinh tế vốn đang ngập trong nợ nần của Ukraine.
Theo Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do, dù ông Kolomoyskiy đã quyết định từ chức Thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk, song những hậu quả từ cuộc tranh giành lợi ích trên sẽ chưa dừng lại.
Thực tế, lâu nay, bộ máy chính quyền Ukraine luôn bị vướng vào mớ bòng bong tranh chấp lợi ích trong lĩnh vực địa chính trị, chính trị và kinh tế cũng như cố gắng thoát khỏi mô hình của một nhà nước do các ông chủ lớn (hay còn gọi là thể chế đầu sỏ) dựng lên.
Ông Ihor Kolomoyskiy (trái) đã từ chức Thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk sau những bất đồng với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. |
Ông Kolomoyskiy đã quyết định thôi giữ chức Thị trưởng thành phố Dnipropertrovsk hôm 24/3 sau những bất đồng với Tổng thống Poroshenko về quyền kiểm soát và quản lý một số công ty dầu mỏ quốc gia.
Nhà lãnh đạo Ukraine còn cáo buộc ông Kolomoyskiy đã sử dụng "lực lượng dân quân tư nhân" để bảo vệ cho lợi ích kinh tế cá nhân bằng cách đưa các tay súng vũ trang tới chiếm đóng tòa nhà trụ sở của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Ukrnafta hôm 22/3. Trước đó, một nhóm vũ trang khác cũng đã tới bao vây các tòa nhà của Ukrtransnafta, công ty con của Ukrnafta.
Vậy chuyện gì đang xảy ra với Ukraine? Có phải Kiev đang có những bước đi mạnh mẽ để thoát khỏi sự kiểm soát của mạng lưới đầu sỏ trên khắp cả nước? Hay Ukraine đang rơi vào cuộc đấu đá nội bộ và tự hủy diệt chính nền kinh tế và chính trị quốc gia?
"Các cuộc biểu tình ở Quảng trường Maidan là bước đi đầu tiên trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống đầu sỏ ở Ukraine. Mt số đầu sỏ chính trị đã mất đi tầm ảnh hưởng và phần lớn tài sản cá nhân. Trong khi, không ít người dù bị mất tiền bạc và của cải nhưng lại giành được vị thế chính trị lớn hơn và bền vững hơn. Ông Kolomoyskiy là trường hợp thứ hai", nhà phân tích Andriy Zolotaryov thuộc Trung tâm Third Sector tại Kiev nhận định.
Cũng theo ông Zolotaryov, hiện còn quá sớm để khẳng định Tổng thống Poroshenko "thấy cần phải loại bỏ các đầu sỏ ra khỏi hệ thống kinh tế Ukraine cũng như loại bỏ họ khỏi hệ thống chính trị".
Theo Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do, mặc dù, các cuộc biểu tình ở Quảng trường Maidan đã lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych và gây dựng lên một bộ máy chính quyền mới đi theo phương Tây. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình này lại không thể phá vỡ "hệ thống các ông chủ lớn" lên làm lãnh đạo ở Ukraine. Điển hình, Tổng thống Poroshenko cũng là một thành viên trong câu lạc bộ "đầu sỏ chính trị".
Mới đây, chia sẻ trên tờ Bloomberg, nhà báo Nga Leonid Bershidsky đã viết: "Ukraine vẫn là một đất nước do các đầu sỏ chính trị điều hành. Và người dân Ukraine không có cơ hội hạ bệ được họ".
Trước đó, chính ông Kolomoyskiy là một trong những nhân vật ủng hộ phong trào Maidan và dùng tài sản cá nhân để xây dựng một vài đơn vị lính tình nguyện nhằm duy trì nền an ninh tại thành phố Dnipropetrovsk cũng như chiến đấu chống lại lực lượng ly khai tại Donetsk và Luhansk. Theo cách nói của nhà phân tích Zolotaryov, "chính phủ Ukraine đã mắc nợ ông Kolomoyskiy".
Đáng nói, ông Kolomoyskiy còn đang nắm giữ quyền kiểm soát một trong những ngân hàng hoạt động thành công nhất tại Ukraine. Do đó, việc ông này quyết định không tham gia bộ máy chính trị Ukraine sẽ là tổn thất lớn. Bởi giống như các tỷ phú Rinat Akhmetov, Dmytro Firtash, và Viktor Pinchuk, ông Kolomoyskiy cũng đang nắm giữ một phần không nhỏ của cải trong nền kinh tế Ukraine.
Tỷ phú Dmytro Firtash, một trong những người nắm giữ phần lớn khối tài sản trong nền kinh tế Ukraine. |
"Giới đầu sỏ chính trị vẫn nắm quyền kiểm soát kinh tế quốc gia. Trong khi, ông Akhmetov làm chủ ngành năng lượng, công nghiệp kim loại và truyền thông. Tỷ phú Dmytro Firtash lại làm chủ ngành hóa chất. Họ vẫn sẽ tiếp tục nắm quyền và tiếp tục hăm dọa tống tiền chính phủ. Nói cách khác, tỷ phú Kolomoyskiy không phải là người duy nhất làm như vậy", ông Oleksandr Bondar, cựu Chủ tịch Qũy Tài sản quốc gia của Ukraine, nói.
Nhà phân tích chính trị ở Kiev, ông Vitaly Portnikov cho rằng "câu lạc bộ đầu sỏ chính trị ở Ukraine đang làm mọi thứ để duy trì một chính thể đầu sỏ thông qua quyền lực chính trị và các kênh truyền thông".
Trong khi đó, bất cứ sự rạn nứt nào trong bộ máy điều hành ở Ukraine cũng sẽ khiến Kiev chịu cảnh thất thế nếu không may xảy ra xung đột kinh tế với Nga.
Theo ông Portnikov, Moscow đang thúc đẩy quá trình "liên bang hóa" ở Ukraine khi làm suy yếu khả năng điều hành của chính phủ trung ương và mở rộng quyền tự trị cho một số khu vực đặc biệt là những vùng có phần đông người Nga và những người nói tiếng Nga sinh sống. Do đó, các cuộc đấu đá trong giới đầu sỏ ở Ukraine sẽ chỉ khiến tình hình chính trị và kinh tế của quốc gia này xuống dốc không phanh. "Thay vì liên bang hóa, Ukraine đang dần sa vào con đường phong kiến hóa", ông Portnikov nhấn mạnh.
"Chúng ta đang mất dần cơ hội cải cách. Chúng ta mới chỉ chăm chăm dự báo chuyện gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Ukraine mà quên mất hoạt động của các ngân hàng, tỷ giá hối đoái và nhiều thứ khác. Thay vì tập trung tìm hiểu nhu cầu của các nhà đầu tư, chúng ta lại đang làm họ mất niềm tin. Đồng hryvna đang bị mất giá. như tôi đã từng nói, Tổng thống Nga Putin có thể thảnh thơi bởi chính phủ và giới đầu sỏ chính trị ở Ukraine đang đi theo hướng mà nhà lãnh đạo Moscow mong muốn ", cựu quan chức Bondar nhận định.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Đài Châu Âu Tự do/Đài Tự do (RFE/RL). RFE/RL là một cơ quan truyền thông do Quốc hội Hoa Kỳ tài trợ. Cơ quan truyền thông này cung cấp các tin tức, thông tin và phân tích thời sự tại các quốc gia Đông Âu, Trung Á và Trung Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét