Tên lửa Iskander khai hỏa |
Theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander có những tính năng "độc nhất vô nhị", khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với tên lửa cùng loại của các nước khác.
Cuộc diễn tập toàn diện và với quy mô lớn chưa từng có (gần 100.000 binh sĩ tham gia) của Các lực lượng vũ trang Nga trong tháng 3/2015 có sự hiện diện của các đơn vị tên lửa Iskander.
Đây là loại tên lửa được chính giới phân tích quân sự Phương Tây đánh giá là "độc nhất vô nhị" trên thế giới. Vì sao vậy?
“Sát thủ” nhằm vào lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu
Trước thềm cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga diễn ra vào ngày 4/12/2011, Washington tuyên bố:
Sẽ không có bất cứ cam kết nào về mặt pháp lý để khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) hay "lá chắn tên lửa" dự kiến hoàn tất vào năm 2018 của Mỹ ở châu Âu sẽ không nhằm vào các mục tiêu chiến lược của Nga.
Nhưng Điện Kremlin đã hoàn toàn bác bỏ mọi sự biện minh của Mỹ. Moscow đã khẩn trương nghiên cứu phát triển một loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa “lá chắn tên lửa” của Mỹ khi xảy ra khủng hoảng.
Vì thế, năm 2011, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đã tuyên bố về quyết định triển khai các dàn tên lửa đường đạn Iskander "độc nhất vô nhị" của Nga tại vùng Kaliningrad, giáp với lãnh thổ các thành viên NATO ở Châu Âu.
Theo giới phân tích quân sự của Nga và Phương Tây, hệ thống tên lửa Iskander có thể chớp nhoáng và bí mật tiến công vào các căn cứ thuộc “lá chắn tên lửa” của Mỹ, một khi các tên lửa đánh chặn của Mỹ đe doạ các căn cứ tên lửa chiến lược của Nga.
Trong cuộc diễn tập toàn diện và với quy mô lớn chưa từng có tháng 3/2015, Iskander đã được điều bổ sung đến bố trí tại khu vực Kaliningrad thuộc Quân khu Miền Tây của Nga.
Bí quyết làm nên sức mạnh vô song của Iskander
Thời gian gần đây, các chuyên gia quân sự nước ngoài và ở Nga vẫn tiếp tục các cuộc tranh luận xung quanh tên lửa Iskander thế hệ mới mà Nga vừa đưa vào trang bị.
Ngoài ra, Nga còn có phiên bản Iskander xuất khẩu và dĩ nhiên loại này có tính năng thua xa phiên bản có trong trang bị của Các lực lượng vũ trang Nga.
Tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật Iskander được đánh giá là “có sức mạnh vô song” không chỉ bởi khả năng “tàng hình” rất độc đáo, mà còn ở khả năng cơ động của nó.
Khác với tất cả các loại tên lửa đường đạn đã từng được biết đến, đặc điểm chủ yếu của tổ hợp tên lửa Iskander là được chế tạo trên cơ sở sử dụng một loại công nghệ "tàng hình".
Công nghệ này hoàn toàn khác với công nghệ “tàng hình” mà người Mỹ lần đầu tiên sử dụng để chế tạo máy bay ném bom "tàng hình" F-117A, máy bay ném bom chiến lược B-2 và gần đây là tiêm kích-bom F-22A.
Theo các chuyên gia quân sự, người Nga từ rất lâu đã phát minh ra một loại công nghệ "tàng hình" vượt rất xa trình độ của Mỹ.
Nhờ đó, họ có thể làm suy giảm đáng kể khả năng bị phát hiện của bất kỳ vật thể và khí tài chuyển động nào, từ máy bay, xe tăng, tàu chiến đến ô tô.
Bí quyết của công nghệ này ẩn chứa ở một loại máy phát tạo ra một loại bức xạ đặc biệt, có tên là plasma.
Đó là trạng thái thứ 4 của vật chất, một môi trường chất khí hỗn hợp gồm các điện tích dương và điện tích âm, nhưng tổng thể là trung hoà về điện.
Một khi loại bức xạ này bao phủ xung quanh loại khí tài cần che giấu thì vật thể đó hoàn toàn "tàng hình" trước khả năng theo dõi của các đài radar hiện đại nhất.
Theo nhận xét của Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Nga A.X.Coroteev, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học mang tên Viện sĩ Keldysh, nơi chuyên nghiên cứu về tên lửa các khí tài vũ trụ:
Người Nga đã quyết định chế tạo các khí tài bay "tàng hình" dựa vào những công nghệ có nguyên lý hoạt động hoàn toàn mới.
Ông A.X Coroteev tiết lộ, nếu tạo ra xung quanh khí tài bay một màn chắn từ plasma thì máy bay trở nên "tàng hình" trước các đài radar phòng không hiện đại nhất.
Theo viện sỹ A.X.Coroteev, có thể hình dung sự khác nhau căn bản giữa công nghệ "tàng hình" của người Mỹ và người Nga qua một thí dụ minh họa đơn giản.
Nếu ném một quả bóng bàn vào bức tường cứng, nó sẽ va chạm và bật trở lại ngay.
Cũng tương tự như vậy, khi tín hiệu radar chiếu vào máy bay không được bảo vệ, nó bị phản xạ từ và quay trở về với ăngten thu sóng vô tuyến của radar. Lúc đó, máy bay sẽ bị lộ nguyên hình trên màn hình radar.
Tuy nhiên, nếu bức tường gồ ghề, có nhiều góc cạnh hướng về các phía khác nhau thì quả bóng sau khi va chạm sẽ bật trở lại đi đâu tuỳ ý nhưng không thể quay trở lại theo hướng đi tới. Lúc đó ta nói “tín hiệu bị mất liên lạc”.
Công nghệ "tàng hình" của Mỹ dựa trên nguyên lý này. Chính vì thế, các máy bay “tàng hình” của Mỹ có hình dáng rất lạ.
Máy bay tàng hình F-117A của Mỹ
Còn nếu phủ lên bức tường một tấm lưới mềm thì khi quả bóng bàn ném vào đó nó sẽ không bị bật trở lại, do bị mất năng lượng chuyển động và rơi xuống ngay dưới chân tường.
Công nghệ tàng hình của người Nga dựa trên nguyên lý đơn giản này.
Các máy bay khi được lắp thiết bị “tàng hình" plasma vẫn giữ nguyên hình dáng khí động bình thường, nên vẫn rất dễ dàng cơ động trong các trận không chiến.
Trong khi đó, các máy bay "tàng hình" của Mỹ lại rất khó cơ động, thường phải bay theo các chương trình đã định sẵn.
Hiện chưa có một nước nào trên thế giới làm chủ được công nghệ “tàng hình” tương tự của người Nga.
Cuối những năm 1990, người Mỹ mới bắt đầu tiến hành các công trình nghiên cứu theo hướng này nhưng họ chưa đuổi kịp người Nga.
Chính tên lửa Iskander sử dụng công nghệ mới này để có được khả năng “tàng hình” độc nhất vô nhị trên thế giới.
Ngoài ra, Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt, nhờ đó, nó có thể cơ động rất linh hoạt.
Hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, nếu không muốn nói là không thể, bởi trong khi cơ đông giai đoạn cuối, độ quá tải của Iskander có thể đạt tới giá trị 20-30g (vượt quá 20-30 lần sức hút của Trái Đất).
Tong khi đó, những kiểu tên lửa phòng không đánh chặn hiện đại nhất của Mỹ và NATO chỉ có thể chịu được mức độ quá tải 3-4g.
Tên lửa Iskander trong cuộc tập trận tháng 3/2015 ở khu vực Kaliningrad thuộc Quân khu Miền Tây của Nga. |
Tại một cuộc họp báo được tổ chức ở Moscow gần đây, Cục trưởng Cục vũ khí tên lửa và pháo binh của Quân đội Nga, thượng tướng Zariski, tuyên bố rằng:
"Nga đã chế tạo thành công tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander có thể thực hiện được tất cả mọi hoạt động như thăm dò trinh sát và tiến công đối phương."
Theo số liệu của chính các chuyên gia trong Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, tên lửa Iskander có những tính năng "độc nhất vô nhị", khả năng ưu việt và hiệu quả gấp 5-8 lần so với các tên lửa cùng loại của các nước ngoài.
Nó được dùng để tiến công các mục tiêu điểm và mục tiêu diện như các dàn phóng tên lửa, trận địa pháo, máy bay trên sân bay các sở chỉ huy, các trung tâm công nghiệp và các cơ sở hậu cần.
Iskander có trọng lượng phóng 3.800 kg, mang đầu đạn phi hạt nhân kiểu đạn caset nổ phá gây mảnh xuyên thấu.
Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, có hệ thống điều khiển độc lập, quán tính kết hợp tự dẫn quang điện tử.
Các chuyên gia quân sự của Mỹ nhận xét rằng, họ không thể phát hiện được bất kỳ thành phần nào trong toàn bộ tổ hợp tên lửa, từ giàn phóng cơ động, đến xe vận tải làm nhiệm vụ lắp đạn và chỉ huy cũng như trạm cơ động thu thập thông tin.
Để xác định mục tiêu bắn cho tổ hợp tên lửa Iskander, có thể sử dụng vệ tinh do thám bay trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất, máy bay trinh sát, hoặc thậm chí cả những người lính đặc nhiệm hoạt động đơn lẻ.
Máy tính điện tử trang bị cho tổ hợp này có thể xác định được mục tiêu căn cứ vào bức ảnh chụp được về một khu vực địa hình nào đó.
Với khả năng này, tổ hợp tên lửa Iskander là mối đe dọa thực sự đối với đối phương.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi so sánh lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào.
Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước.
Vì thế, các cơ quan tình báo Mỹ đang ráo riết theo dõi xem người Nga đã xuất khẩu tên lửa Iskander sang những quốc gia nào, biết đâu trong số đó có các nước mà người Mỹ coi là “bất trị”.
Để đáp trả kế hoạch của Mỹ triển khai các căn cứ phòng thủ tên lửa ở các nước Đông Âu, Nga đã tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước huỷ bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Châu Âu đã từng ký kết với Mỹ.
Bên cạnh đó, Moscow sẽ đưa vào trang bị các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật mới, sẵn sàng tiến công tiêu diệt các căn cứ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu một khi an ninh của Nga bị đe doạ.
Tên lửa Iskander là một trong những vũ khí mà Nga sẽ sử dụng trong trường hợp đó.
Một khi những tên lửa này được lắp đầu đạn chân không có sức công phá mạnh bằng đầu đạn hạt nhân chiến thuật mà Nga đã thử nghiệm thành công từ năm 2007, hoặc đầu đạn hạt nhân thế hệ mới, chắc chắn Mỹ sẽ phải cân nhắc tới lời cảnh báo của Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét