Những gì mà Kiev đang thể hiện cho thấy những dấu hiệu nội loạn đen tối, cùng quẫn...
"Quân đội Ukraine đang...hấp hối"?
Ngày 21/3/2015, Đại sứ Ukraine tại Mỹ, ông Alexander Motsyk trong một bài trả lời truyền thông đã cho rằng quân đội Ukraine đang "hấp hối". Song song với lời nhận định này, Đại sứ Ukraine kêu gọi Washington và các đồng minh cần sớm hỗ trợ chính quyền Kiev để khơi dậy sức mạnh quân sự cho Ukraine.
"Chỉ có vũ khí của quân đội Mỹ mới có thể mang đến hòa bình thức sự cho Ukraine."- Đại sứ Ukraine cầu cứu.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, các diễn biến liên tiếp ở Ukraine cho thấy quốc gia này thực sự nguy kịch, có dấu hiệu bạo loạn.
Để có thể khẳng định như vậy, trước hết xem kẻ thù trực tiếp lúc này của Kiev là phe ly khai ở Donbass đang làm gì? Những cuộc đấu pháo rầm rộ ở Donetsk ngày 22 và 23/3 đã cho thấy cả cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk chưa bao giờ rút vũ khí hạng nặng, cũng chưa bao giờ tin tưởng vào những gì Kiev hứa hẹn. Họ luôn ở đó, sẵn sàng tư thế chiến đấu và đáp trả.
Sức ép từ phía phe ly khai luôn hiện diện, tuy nhiên còn một sức ép nữa mà chính quyền Ukraine lo lắng hơn: sự bất tuân của các tập đoàn tài phiệt trong nội bộ miền Tây, và vấn đề ngày càng bất mãn của người dân đối với những nhà cầm quyền.
Có thể thấy rằng trong ngày 22/3, khi chiến sự nổ ra ác liệt ở sân bay Donetsk, thay vì huy động càng nhiều lực lượng đổ ra tiền tuyến càng tốt, Tổng thống Poroshenko bất ngờ hạ lệnh điều tất cả những quân đoàn tình nguyện trở về Kiev.
Binh sĩ và vũ khí trong một tiểu đoàn tình nguyện của Ukraine |
Bản chất của những quân đoàn tình nguyện này là đội ngũ của những kẻ đánh thuê, chuyên nghiệp có, nghiệp dư có, với đầy đủ khí tài vũ khí, được các trùm tài phiệt của Ukraine nuôi dưỡng, phục vụ các mục đích chính trị, kinh tế của bản thân ông chủ trả tiền cho họ.
Ngày 23/3, vẫn là Poroshenko, một lần nữa vị Tổng thống này hạ lệnh giải tán toàn bộ các quân đoàn tình nguyện của các thống đốc, các tài phiệt. "Ukraine sẽ không có và không bao giờ cần đến những đội quân bỏ túi." - Poroshenko tuyên bố.
Sau những bước đi của hai ngày liên tiếp như vậy, Tổng thống Poroshenko tiếp tục gây chú ý trong chính trường Ukraine khi chấp thuận đơn xin từ chức thống đốc vùng Dnepropetrovsk của tỉ phú Igor Kolomoisky. Và trước khi đơn từ chức này được chấp thuận, Kiev cũng đã kịp phái 2 lữ đoàn chinh phạt tới Dnepropetrovsk để "đảm bảo an ninh".
Ngay sau khi Igor Kolomoisky từ chức, giải tán quân đội, truyền thông Ukraine đã liên tiếp rộ lên thông tin về việc tỉ phú này đang âm mưu lật đổ chính quyền Kiev. Và đồng thời, các nhà tài phiệt khác cũng bắt đầu có những hành động quyết liệt để bảo vệ chính mình, thay vì rơi vào thảm cảnh như của Kolomoisky.
Có thể thấy rằng, Kiev đang rơi vào một tình huống hiểm nghèo. Từ tháng 5/2014 khi chiến thắng trong cuộc bầu cử, Poroshenko đã rất nỗ lực thực hiện việc tiêu diệt các thế lực chống đối bằng cách giải tán liên minh cầm quyền, tiến hành tổng tuyển cử Quốc hội trước thời hạn vào tháng 10/2014.
Tuy nhiên, sau những tháng ngày điều hành đất nước, những gì mà chính quyền Kiev đang thể hiện chỉ cho thấy rằng họ đã và đang không có được sự phục tùng cần thiết. Đồng thời những bất mãn ngày càng phổ biến ở tất cả các tầng lớp, từ người dân bực bội vì bánh mì giá cao và đe dọa bạo loạn vì họ không được sống cho đúng nghĩa.
Tổng thống Poroshenko đối mặt với Thống đốc - tài phiệt Igor Kolomoisky |
Tất cả những gì mà Kiev đang thể hiện là một sự yếu kém, bất tài và một cách xử lý khủng hoảng vụng về. Ngày 25/3, tại một cuộc họp được truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Tình trạng khẩn cấp Sergey Bochkovsky và cấp phó của ông này là Vasyl Stoyetsky bị cảnh sát còng tay ngay tại cuộc họp với những cáo buộc về tội tham nhũng trong lĩnh vực nhiên liệu và dầu nhờn.
Thủ tướng Arseny Yatseniuk chỉ trích: “Khi đất nước đang có chiến tranh và khi chúng tôi đang đếm từng đồng xu thì họ lại giở trò ăn cắp của nhân dân và nhà nước. Kết cục xấu sẽ đến với những ai vi phạm pháp luật và xem thường đất nước”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của giới quan sát cho rằng đây chỉ là một động tác nhằm khơi gợi thiện cảm của người dân đối với chính quyền. Và tất nhiên, hai quan chức này không đủ khiến quan điểm của nhân dân Ukraine được thay đổi. Thứ mà họ muốn thấy nhất lúc này là hòa bình lập lại, nền kinh tế được cứu, và họ có công việc cũng như các dịch vụ xã hội.
Thế nhưng Ukraine sẽ không thể nào làm được như vậy. Họ không bao giờ chịu thỏa hiệp với những người ly khai, quyền tự trị dành cho Donbass thực chất chỉ mang tính... hình thức. Và với nền kinh tế sắp phá sản ấy, số tiền 5 tỷ USD mà Kiev mới nhận từ IMF được nhanh chóng trả lãi, đáo hạn các khoản nợ của phương Tây và dốc vào chiến phí.
Trong khi đó, Kiev liên tiếp tuyển quân, bắt lính. Họ đưa ra chỉ tiêu nâng số quân từ 210.000 người lên tới 250.000 người trong vòng một tháng. Tuy nhiên, đại diện phụ trách hậu cần cho quân đội Ukraine, ông Nelly Stelmach, trong năm 2015, quân đội cấp 677 triệu Hryvnia (khoảng 29 triệu USD) để mua lương thực, thực phẩm cho các binh sĩ. Tuy nhiên, ông thừa nhận, số tiền trên là không đủ.
Ly khai bất chiến tự nhiên thành?
Việc Kiev rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đồng nghĩa với việc ly khai Donbass càng yên tâm để có thể ngồi an nhàn và chờ đợi cảnh "bất chiến tự nhiên thành."
Ta đã có thể thấy pháo kích ở Donetsk, nhưng đó là chuyện cơm bữa giữa hai miền Đông - Tây Ukraine. Điều đáng chú ý hơn là những mâu thuẫn giữa miền Đông và chính sách tự trị mà Kiev ban phát cho họ. Hồi cuối tháng 3/2015, Kiev thông qua luật quy chế đặc biệt cho Lugansk và Donetsk. Tuy nhiên, lãnh đạo những vùng tự trị này đã tuyên bố đạo luật này "có cũng như không".
Và thậm chí, họ cũng nhấn mạnh sẽ đáp trả việc thiếu tôn trọng, lắng nghe này bằng các hành động quân sự. Tuy nhiên, đã không có chiến dịch nào được phát động với mục đích như vậy.
Các quân đoàn tình nguyện từng bao vây tư dinh của Poroshenko ở Kiev |
Trước đó, một động thái đáng chú ý được thể hiện ở Odessa và Kharkov, khi các thành phố này bị các cuộc đánh bom liên tiếp làm rung chuyển.
Đã có những tin đồn về việc quân ly khai đang tập trung lực lượng để thôn tính cả dải đất ven biển Đen ở phía nam Ukraine, chạy từ đông sang tây, kéo dài từ Mariupol đến Crimea, qua Kherson, Mykolaiv để tới Odessa và bành trướng tới tận khu vực ly khai Transnistria của Moldova.
Những giả thuyết như thế đã khiến chính quyền thành phố này và lực lượng ủng hộ chính phủ thân phương Tây ở Kiev nâng cao cảnh giác và phòng bị ở Odessa. Họ sợ khu vực này sẽ trở thành một nước "cộng hòa nhân dân" khác, trong khuôn khổ Liên bang Novorossiya như Donetsk và Lugansk.
Hồi năm ngoái, vào ngày 16/04, những người biểu tình thân Nga ở khu vực Odessa ở tây nam Ukraine, giáp với biển Đen, đã tuyên bố thành lập "Nước Cộng hòa nhân dân Odessa" và kêu gọi người dân phong tỏa giao thông thành phố này.
Tuy nhiên, việc phát động những chiến dịch tương tự để thành lập Novorossiya như vậy vào thời điểm này là không cần thiết. Có một cách nhàn hơn cho phe ly khai, khiến họ có thể bất chiến tự nhiên thành, đó là án binh bất động, đáp trả những đợt tấn công bị khiêu khích, tích lương nuôi quân, chờ đến khi nội bộ Kiev tự có nội loạn có thể lấy được một loạt thành phố nói trên.
Một người dân trong căn nhà đổ nát của mình thuộc ngôi làng ngoại ô Donetsk |
Còn mục tiêu của ly khai với miền Đông như thế nào thì đã rõ. Họ không còn trông đợi vào quy chế đặc biệt của Kiev, cũng không phản đối, kêu gọi, chỉ trích hay đe dọa. Điều họ làm duy nhất lúc này là chờ đợi sự sụp đổ của Kiev, bạo loạn của Ukraine. Và khi đó, lá cờ Novorossiya sẽ thành công.
Bản thân lãnh đạo Donetsk đã từng bóng gió về vấn đề thành lập Novorossiya từ giữa tháng 3: "Chúng tôi không muốn tham gia vào một quốc gia sắp sụp đổ về kinh tế, người dân chúng tôi không muốn phải đóng thuế để trả những món nợ xuất phát từ sự hiếu chiến và bất tài. Donetsk cần có tự do thực sự."
Trong một chuỗi hành động được cho là thất bại liên tiếp của mình, điều duy nhất mà Kiev thực hiện thành công, đó là trút gánh nặng về năng lượng cho liên minh châu Âu. Việc Kiev tự tin tuyên bố từ ngày 1/4 sẽ không sử dụng năng lượng của Nga, đồng nghĩa với việc Ukraine đã giải tỏa được sức ép từ Moscow về vấn đề năng lượng.
Duy chỉ có điều, nếu không mua năng lượng Nga, Ukraine sẽ sử dụng năng lượng của ai? Bộ Năng lượng Ukraine cho biết họ sẽ nhận được sự cung cấp từ phía EU. Nhưng thực chất của thông tin này chỉ đơn thuần là châu Âu sẽ phải mua năng lượng từ Nga, và cung cấp cho Ukraine dùng theo dạng trả tiền sau. Thay vì cho Kiev vay tiền để mua năng lượng với giá cao trực tiếp từ Nga.
Việc đẩy được gánh nặng năng lượng cho EU là thành công của Ukraine, nhưng sẽ là thất bại mang tính chiến lược của Mỹ. Trong bối cảnh EU ngày càng chán ghét cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này, và bản thân EU cũng lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn, thì việc phải nuôi báo cô một Ukraine về năng lượng sẽ chỉ khiến mâu thuẫn giữa Mỹ và EU ngày càng sâu sắc.
Cần nhớ rằng, đồng euro của EU ngày càng mất giá và ngang hàng với đồng USD, trong khi đó, đồng ruble của Nga đang có những dấu hiệu hồi phục nhẹ.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét