Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, kinh tế Nga đang có dấu hiệu khởi sắc và sẽ phát triển chậm nhưng ổn định trong giai đoạn trung hạn.
Nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu khởi sắc
Ngày 23/03, Hãng tin Anh Reuters cho rằng, Hoa Kỳ hầu như không còn khả năng tăng cường trừng phạt chống Nga. Những lĩnh vực quan trọng nhất họ đều đã thực hiện và đã đạt được những hiệu quả ban đầu nhưng dần dần hiệu quả của chúng đã giảm đi rõ rệt.
Reuters cho rằng, Hoa Kỳ đã và sẽ cố tìm cách gia tăng bao vây, cấm vận, trừng phạt Nga, trong đó chống lại vũ khí chính của Moscow là năng lượng. Tuy nhiên, khi tính đến hàng loạt yếu tố khách quan thì thấy những “chiêu thức” của chính quyền Obama đưa ra khá là hạn chế.
Khối năng lượng là mục tiêu chính của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt chống Nga. Tuy nhiên, như nhận xét của hãng thông tấn, đối với những "mục tiêu dễ tiếp cận hơn cả", cụ thể như các cơ sở khai thác dầu khí ở Siberia và Bắc Cực, thì đòn tấn công đã thực hiện mà không mấy hiệu quả.
Theo góc nhìn của Reuters, Hoa Kỳ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt đánh vào ngành xuất khẩu dầu mỏ của Nga, theo cùng một cách như người Mỹ đã làm với Iran. Thế nhưng, trong trường hợp như vậy Nga có thể đáp trả bằng cách hạn chế nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu hoặc tăng giá.
"Nếu Hoa Kỳ bắt đầu thao túng giá dầu, thì ắt là Nga sẽ thao túng với giá khí đốt. Và châu Âu sẽ không vì bất cứ cái gì mà chịu chấp nhận thiệt hại đó" - hãng Reuters dẫn lời ông Carlos Pascual, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách vấn đề năng lượng.
Thời gian qua, châu Âu đã hô hào đa dạng hóa nguồn cung khí đốt để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, chiến lược này có thực hiện được thì cũng nằm trong kế hoạch dài hạn, còn trên thực tế hiện châu lục này vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp từ Nga.
Khi châu Âu thoát khỏi “thòng lọng” của Nga thì cũng đến lúc Moscow điều chỉnh xong cơ cấu nên kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng hoặc hình thành những thị trường mới, đặc biệt là ở châu Á. Đến lúc đó, chính châu Âu mới tiếc nuối nguồn khí đốt giá rẻ của Nga.
Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và EU, kinh tế Nga vẫn có dấu hiệu khởi sắc |
Cũng trong ngày 23/03, Hãng tin Bloomberg của Mỹ đăng tải bài viết cho biết, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, kinh tế Nga đang hồi phục chậm nhưng vững chắc. Đây là tín hiệu cho thấy lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu hết hiệu quả.
Theo các nhà phân tích của hãng này, đồng rúp đã ổn định, và từ đầu năm 2015 đến nay, biến động của nó đã trở nên thấp hơn so với bất kỳ đồng tiền quốc gia nào trong danh sách 30 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất.
Bloomberg lưu ý rằng lợi nhuận trái phiếu các công ty Nga đang tăng: Từ đầu năm đến giờ đã tăng 7,3%. Ví dụ như, công ty Micex của Nga cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với những đối thủ cạnh tranh của họ từ các nước khác.
Ngoài ra, bất chấp những lệnh trừng phạt Nga trong lĩnh vực hợp tác quân sự, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Nga vẫn đang ổn định. Không những mở thêm những thị trường mới, Nga còn “ẵm” mất một số thị trường truyền thống của Mỹ như Ai Cập hay Iraq.
Theo Cục Thống kê Nhà nước Liên bang, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2014 giảm còn 0,6% từ mức 1,3% của năm trước đó. Ngoài ra, dự kiến thâm hụt ngân sách của Nga năm 2015 sẽ cao hơn mức 0,5% năm 2014, nhưng sẽ thấp hơn mức khủng hoảng 5,9% của năm 2009.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đây là những con số chấp nhận được trong bối cảnh Moscow đang chịu khó khăn trùng trùng từ những lệnh trừng phạt của Washington và Brussels áp đặt lên nền kinh tế Nga. Thậm chí có thể nói rằng, kinh tế nước này đang có những dấu hiệu khởi sắc sau 1 năm chịu lệnh trừng phạt.
Nga đang nỗ lực thoát sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ |
Mỹ sắp “hết bài” trừng phạt Nga?
Các lệnh trừng phạt kinh tế và giá dầu giảm đã khiến kinh tế Nga hao hụt khoảng 200 tỷ USD khó khăn là thời điểm để Moscow chuyển mình theo hướng phát triển bền vững bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình, đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Điểm cốt lõi trong lộ trình khôi phục kinh tế mà điện Kremlin đưa ra là nâng cao khả năng thích ứng với sự biến động của giá dầu thế giới, đồng nghĩa với việc giảm thiểu sự lệ thuộc của nền kinh tế Nga vào nguồn tài nguyên năng lượng, đồng nghĩa với tăng trưởng bền vững và khuyến khích đầu tư vào sản xuất thực tế
Các chuyên gia phân tích của Mosscow Times cho rằng, giá dầu và tỷ giá đồng Rúp ổn định là nhân tố quan trọng nhưng gói kích thích kinh tế 21 tỷ USD mà Moscow công bố hôm 21/1 và sự ổn định của tình hình Ukraine sau thỏa thuận Minsk mới là yếu tố quyết định của sự phục hồi kinh tế Nga.
Trong báo cáo trình Tổng thống Vladimir Putin, Phó thủ tướng Igor Shuvalov nêu rõ, hỗ trợ từ kế hoạch trên sẽ được thực hiện qua nhiều hình thức, trong đó có ngân sách, trái phiếu, các bảo đảm của Chính phủ và giãn nợ thuế.
Trong tổng số 1.375 tỷ Rúp (tương đương 21 tỷ USD), 50 tỷ Rúp sẽ được chi bổ sung cho lĩnh vực nông nghiệp, trong khi lĩnh vực công nghiệp sẽ nhận thêm 20 tỷ và 16 tỷ dành cho lĩnh vực y tế.
Chính phủ Nga sẽ xây dựng một số chương trình hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đã phối hợp thực hiện các biện pháp và thỏa thuận với các nhà xuất khẩu lớn để các tập đoàn này cung cấp nguồn ngoại tệ thu được cho nhà nước, giúp Moscow thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nước ngoài, thay vì bán ra thị trường.
Nếu không ra được “chiêu mới”, ngón đòn cấm vận của Mỹ sẽ hết tác dụng? |
Ngoài ra, Thỏa thuận Minsk 2 được các bên thông qua ngày 12/2 vừa qua chính là giá trị của “ẩn số” Ukraine đối với sự phục hồi kinh tế của Nga. Thỏa thuận Minsk 2 đã có tác động ngay lập tức đến thị trường chứng khoán ở Nga cũng như diễn biến tỷ giá của đồng ruble so với USD.
Nếu so sánh giá dầu là yếu tố sống còn của nền kinh tế Nga, thì tình hình Ukraine diễn biến theo chiều hướng tích cực sẽ là nhân tố hứa hẹn tháo gỡ những căng thẳng trong kinh tế Nga. Tuy nhiên, Moscow sẽ phải đề phòng những “nhân tố bí ẩn” phá hoại thỏa thuận này, để có cớ gia tăng trừng phạt.
Hãng tin Mỹ Bloombeg cho rằng, ngón đòn cấm vận của Mỹ sẽ chỉ phát huy tác dụng trong giai đoạn ngắn hạn và chỉ đạt được hiệu quả cao nhất nếu những khó khăn về kinh tế Nga chuyển hóa thành những biến động về chính trị, khiến các nhà đầu tư sợ hãi và rút vốn ồ ạt ra khỏi đất nước này.
Tuy nhiên, mặc dù trong thời gian qua, kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, đó là những dấu hiệu mà các nhà đầu tư không thể không nhìn thấy. Đồng thời, nền chính trị của họ tiếp tục ổn định thì không có lí gì những nhà tư bản bỏ qua cơ hội kiếm tiền ở thị trường màu mỡ, chưa khai phá hết của Nga.
Bản thân Điện Kremlin ở thời điểm hiện tại cũng đang dần tìm cách tháo gỡ tình trạng bao vây về kinh tế do các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây tạo ra. Số thành viên EU ủng hộ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga ngày càng tăng lên, trong đó có cả Pháp và Đức vốn là hai thành viên quan trọng nhất.
Các chuyên gia kinh tế-chính trị thế giới cho rằng, nếu Washington không đưa ra được những “chiêu mới” để gây sức ép lên Moscow thì chiến lược bao vây, cấm vận, trừng phạt của Mỹ sẽ thất bại trong thời gian ngắn tới và Liên minh châu Âu sẽ là đối tượng chịu thiệt đầu tiên.
- Huy Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét