Quyết định từ chức của cựu Thị trưởng Igor Kolomoisky đã khiến nhiều người lo ngại giống như Donetsk và Lugansk, vùng Dnipropetrovsk có thể sẽ thành lập "Nhà nước Cộng hòa tự xưng", tách khỏi Kiev.
Tờ Kyiv Post nhận định nếu không may bất ổn an ninh bùng nổ tại Dnipropetrovsk, một khu vực thuộc miền đông Ukraine, khả năng các lực lượng ly khai thân Nga sẽ chiếm thêm được nhiều phần lãnh thổ và giành quyền kiểm soát từ tay chính phủ Kiev.
Hôm 24/3, ngay sau khi cựu Thị trưởng Kolomoisky từ chức, hai vị phó thị trưởng thân cận của ông này là Gennady Korban và Svyatoslav Oliynyk cũng đã gửi đơn lên chính phủ xin từ nhiệm.
Các binh sĩ thuộc tiểu đoàn Donbas tham gia khóa huấn luyện tại căn cứ của Bộ Nội vụ Ukraine ở Novi Petrivtsi gần Kiev hồi năm 2014. |
Chính những bất đồng về quyền kiểm soát và quản lý một số công ty dầu mỏ quốc gia đã dẫn tới cuộc đối đầu giữa Tổng thống Petro Poroshenko và tỷ phú kiêm cựu Thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk.
Thậm chí, ông Kolomoisky còn điều động "lực lượng dân quân tư nhân" để bảo vệ cho lợi ích kinh tế cá nhân bằng cách đưa các tay súng vũ trang tới chiếm đóng tòa nhà trụ sở của Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Ukrnafta hôm 22/3. Trước đó, một nhóm vũ trang khác cũng đã tới bao vây các tòa nhà của Ukrtransnafta, công ty con của Ukrnafta.
Mặc dù, cho tới nay, nhóm dân quân của ông Kolomoisky ở thành phố Dnipropetrovsk vẫn đảm nhận trọng trách ngăn chặn các cuộc tấn công của phe ly khai thân Nga từ khu vực phía tây. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi lo lắng sau quyết định từ chức của ông Kolomoisky, Dnipropetrovsk rất có thể sẽ trở thành "Cộng hòa Nhân dân Dnipropetrovsk tự xưng" giống như hai khu vực Donetsk và Lugansk.
Ông Viktor Mironenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Ukraine thuộc Viện Khoa học châu Âu ở Nga cho rằng quyết định từ chức của ông Kolomoisky là một phần trong cuộc chiến bất ổn ngày càng lan rộng trong giới cầm quyền ở Ukraine.
Trong khi đó, cựu phó thị trưởng Dnipropetrovsk, ông Oliynyk nhấn mạnh ông hy vọng những người tiền nhiệm sẽ làm tốt công việc được chính quyền Kiev giao phó nhưng nghi ngại rằng vị Thị trưởng mới vốn là một cựu quản lý ngành truyền thông, ông Valentyn Reznychenko khó có thể bình ổn tình hình an ninh tại khu vực này.
"Tôi cho rằng ngài thị trưởng mới chưa nắm bắt được việc ông ấy phải chi bao nhiêu tiền mới có thể duy trì an ninh tại khu vực", ông Oliynyk chia sẻ với tờ Kyiv Post.
Cũng theo ông Oliynyk, hồi năm ngoái, cựu Thị trưởng Kolomoisky cùng các cộng sự đã phải bỏ ra số tiền 300 triệu hryvnia (gần 19 triệu USD) tài trợ cho các tiểu đoàn quân tình nguyện và xây dựng 23 hàng rào chắn đường để ngăn quân ly khai đóng quân cách đó 70 km, tràn sang tấn công Dnipropetrovsk.
Cựu phó thị trưởng này nói thêm, số tiền tài trợ cho các tiểu đoàn tình nguyện ở Dnipropetrovsk là do ông Kolomoisky đóng góp cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức doanh nghiệp, tư nhân và người nước ngoài.
Trên thực tế, số tiền ông Kolomoisky tài trợ cho các tiểu đoàn quân tình nguyện còn bị nghi là nhằm xây dựng một đội quân cho riêng ông này. Tuy nhiên, các tiểu đoàn ở Dnipropetrovsk vẫn phối hợp hành động với Bộ Nội Vụ Ukraine và hoạt động như một phần trong lực lượng Vệ binh quốc gia.
Ông Svyatoslav Oliynyk (phải), cựu phó Thị trưởng Dnipropetrovsk cho rằng vị tân Thị trưởng của vùng sẽ khó có thể bình ổn an ninh khu vực. |
Trong hơn một năm qua, mối đe dọa tới nền an ninh của vùng Dnipropetrovsk không chỉ đến từ khu vực phía đông, nơi phe ly khai thân Nga đang có âm mưu mở rộng lãnh thổ chiếm đóng, mà còn từ lực lượng ly khai trong vùng.
Theo cựu phó Thị trưởng Oliynyk, chính quyền Dnipropetrovsk vẫn "tiến hành đối thoại" với các tổ chức ly khai trong khu vực nhằm ngăn chặn họ chiếm đóng những tòa nhà chính quyền trong khu vực. Trước đó, vào tháng 3/2014, chính quyền tại Dnipropetrovsk đã tổ chức 2 cuộc đối thoại với nhóm ly khai trong vùng nhưng nỗ lực bất thành.
Vào thời điểm đó, ông Viktor Marchenko, nhà lãnh đạo của Liên đoàn Sĩ quan Liên Xô, một tổ chức phi chính phủ ở Dnipropetrovsk, đã trở thành một trong những nhà hoạt động ủng hộ Nga mạnh mẽ nhất ở thành phố này. Thậm chí, trong các cuộc biểu tình hồi tháng Ba năm ngoái, ông Marchenko còn kêu gọi quân đội Nga tiến vào thành phố Dnipropetrovsk. Tuy nhiên, dưới sự kiểm soát của cựu Thị trưởng Kolomoisky, ông Marchenko đã buộc phải chùn bước.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định vai trò gìn giữ an ninh tại Dnipropetrovsk của ông Kolomoisky đã được "cường điệu hóa" so với thực tế.
"Các cuộc khảo sát cho thấy nguy cơ vùng Dnipropetrovsk ly khai khỏi Kiev là nhỏ hơn rất nhiều so với vùng Kharkov hay Odessa chứ không nói gì tới Donetsk", ông Volodymyr Fesenko, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính trị Penta tại Kiev nhấn mạnh.
Trái lại, các nhà lãnh đạo phe ly khai tại miền đông Ukraine lại xem quyết định từ chức của ông Kolomoisky là một lý do để tổ chức ăn mừng.
Ông Alexander Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho rằng cựu Thị trưởng Kolomoisky sẽ cho thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Dnepropetrovsk tự xưng.
"Tại sao lại không thể? Trên thực tế, ông Kolomoisky là nhà lãnh đạo của vùng Dnipropetrovsk. Chắc chắn, chính quyền Kiev sẽ phải ngồi xuống đàm phán với ông ấy", tờ Kommersant dẫn lời thủ lĩnh Zakharchenko.
Nội dung được hoàn thành qua tham khảo nguồn tin từ Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh của Ukraine. Kyiv Post được cho là tờ báo ủng hộ Ukraine hội nhập với phương Tây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét