Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Nga chưa hạ nhiệt và nội bộ đối mặt với nhiều thách thức, Hội nghị Thượng đỉnh mùa Xuân của Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục chứng kiến bất đồng giữa các nước thành viên trong nhiều vấn đề then chốt.
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Tại hội nghị, lãnh đạo 28 nước thành viên EU đã tập trung thảo luận việc thành lập Liên minh Năng lượng châu Âu, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, việc kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, tình hình kinh tế Hy Lạp, vấn đề hỗ trợ an ninh cho Libya cũng như cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Hội nghị đã quyết định thúc đẩy thành lập Liên minh Năng lượng châu Âu, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tại các quốc gia EU nhằm nâng cao hiệu quả của thị trường năng lượng nội khối. Hội nghị kêu gọi việc thành lập Liên minh Năng lượng nhằm đưa tất cả các thỏa thuận liên quan đến việc mua khí đốt của các nhà cung cấp nước ngoài phù hợp với luật pháp EU, cụ thể là tăng tính minh bạch của các thỏa thuận, đồng thời phù hợp với các tiêu chuẩn cung cấp năng lượng của EU. Ngoài ra, hội nghị khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ tính bí mật thông tin thương mại trong các thỏa thuận cung cấp khí đốt.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu quyết định cung cấp cho Hy Lạp 2 tỷ euro trích từ nguồn vốn của EC chưa sử dụng nhằm hỗ trợ quốc gia này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Số tiền này không làm giảm bớt nhu cầu thanh khoản của quốc gia mà sẽ được phân bổ cho các chính sách xã hội. Chủ tịch EC Juncker nhấn mạnh mục đích của việc hỗ trợ này là nhằm chống cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Quyết định giải ngân hỗ trợ của châu Âu cũng giúp Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Tuy nhiên, sự đồng thuận về dự án thiết lập Liên minh Năng lượng và vấn đề Hy Lạp không khỏa lấp được những bất đồng trong chính sách đối với Nga. Trong khi Anh cùng một số nước vùng Baltic và Bắc Âu tỏ rõ quan điểm cứng rắn, muốn tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt và xem đây là biện pháp sẽ khiến Moscow phải có trách nhiệm ràng buộc hơn đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine thì 7 quốc gia EU khác gồm Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Áo, Hungary và Slovakia lại phản đối gia hạn biện pháp trừng phạt Nga và cho rằng chính sách trừng phạt nói chung là sai lầm, lẽ ra EU không nên sử dụng biện pháp này trong quan hệ với Nga. Nhóm quốc gia này cũng tuyên bố sẵn sàng phủ quyết bất kỳ nghị quyết trừng phạt nào được đưa ra.
Đáng chú ý, Pháp cũng lên tiếng phản đối thắt chặt trừng phạt Nga và cho rằng các lệnh trừng phạt kéo dài sẽ khiến Moscow cảm thấy bị khiêu khích và tương lai của thỏa thuận Minsk sẽ không thể lường trước. Hiện tại, chỉ có Đức đứng ở vị trí trung gian giữa hai phe trong EU về vấn đề trừng phạt Nga khi vừa muốn thể hiện sự cứng rắn vừa muốn duy trì được sự đoàn kết của châu Âu.
Gói biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU đang áp đặt đối với Nga hiện nay sẽ hết hạn vào tháng 7 tới. Song không thể phủ nhận, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU sau diễn biến chiến sự tại thành phố Debalsevo, Ukraine trong hơn một năm qua đã tác động tiêu cực đến kinh tế Nga. Bên cạnh giá dầu giảm và đồng ruble suy yếu, các lệnh trừng phạt đã làm Nga thiệt hại ít nhất 100 tỷ USD. Từ tháng 8.2014, Nga cũng áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm lương thực thực phẩm của EU. Các biện pháp đáp trả giữa Nga và EU đã khiến cả hai bên chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Thế nhưng vấn đề khủng hoảng ở Ukraine vẫn bế tắc và chưa đi đến giải pháp cuối cùng. Điều đó có nghĩa là việc cô lập Nga không thể giải quyết tận gốc vấn đề mà còn gây tổn hại cả cho bên áp đặt.
Vì thế, ngày càng nhiều quốc gia EU lên tiếng phản đối chính sách cứng rắn với Nga. Cụ thể, danh sách các nước EU tới thăm điện Kremlin trong thời gian gần đây và sắp tới là bằng chứng cho thấy nhiều nước trong EU đang giảm dần ý muốn quay lưng lại với Moscow. Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades đã có chuyến thăm Nga và ký một thỏa thuận cho phép các tàu quân sự Nga được cập các cảng của nước này. Tiếp đến, là Thủ tướng Italy Matteo Renzi và lãnh đạo hai nước đã khẳng định quan hệ kinh tế song phương vững chắc bất chấp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của EU. Vào tháng 4 tới, dự kiến Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ là chính khách châu Âu tiếp theo tới thăm Nga.
Theo quy định của EU, việc siết chặt trừng phạt Nga cần phải có sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên. Tuy nhiên, quan điểm trái ngược nhau đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh EU chỉ dừng lại ở biện pháp mang tính thỏa hiệp. Đó là duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga cho đến khi thỏa thuận Minsk về Ukraine được thực hiện đầy đủ. Như vậy biện pháp trừng phạt sẽ kéo dài đến hết năm 2015, thời hạn dự kiến các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk.
Sự chia rẽ này của châu Âu khiến Ukraine ở vào thế chông chênh khi không thể dựa hẳn vào những nước tưởng là đồng minh trong cái gọi là cuộc cách mạng Maidan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét