Nền kinh tế Ukraine hiện đang ở tình cảnh phá sản, sụp đổ. GDP được dự báo sẽ giảm 6% trong năm nay, sau khi đã tụt giảm 7,5% trong năm 2014. Các khó khăn kinh tế đã tác động đến cuộc sống của mọi người dân bình thường. Lương tháng trung bình ở Ukraine hiện chỉ đạt 170 USD/tháng, với mức lạm phát lên đến 30%. Tồi tệ hơn, theo đánh giá của Viện Cato (Mỹ), với tốc độ mất giá kỉ lục của đồng nội tệ hryvnia, tỉ lệ lạm phát có thể đã lên đến 272%, đồng nghĩa với việc quốc gia Đông Âu này đang ở thời kì siêu lạm phát.
Người dân Ukraine phải đối mặt với tình cảnh khốn khó về kinh tế. Ảnh: EPA
|
Những con số trên có thể vẫn chưa nói hết được mức độ cùng cực mà người dân Ukraine đang đối mặt. Để nhận được các khoản viện trợ của các định chế tài chính quốc tế, phương Tây, Kiev đã buộc phải thực thi chương trình kinh tế khắc khổ, với việc cắt giảm mạnh lương hưu và nhiều khoản trợ cấp xã hội, cố định mức lương tối thiếu và giảm chi tiêu công. Hàng triệu người hiện không đủ khả năng để chi trả các khoản tiêu dùng thiết yếu, liên quan đến điện, khí đốt…
Ở thượng tầng, tham nhũng vẫn là vấn nạn tràn lan, khi mà Ukraine được xếp là nước đứng đầu về mức độ tham nhũng tại châu Âu theo Tổ chức minh bạch quốc tế. Có đến 90% người dân không hài lòng với chiến dịch chống tham nhũng mà chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko đang thực hiện – nghiên cứu của Viện Xã hội học quốc tế Kiev cho thấy. Điều nguy hiểm hơn là ở chỗ, người dân dần xuất hiện thái độ phản kháng: Họ cảm thấy bất công khi đối mặt với đầy rẫy khó khăn kinh tế, trong khi các quan chức chính quyền thì vẫn “kiếm tiền” như bình thường.
Mầm mống Maidan
Volodymyr Ischenko, một chuyên gia chuyên nghiên cứu phong trào biểu tình xã hội thuộc Trung tâm Nghiên cứu lao động xã hội Ukraine cho biết, đã xuất hiện những mầm mống phản bên trong. Các kết quả nghiên cứu của mới nhất cho thấy nhiều sự khác biệt lớn về bản chất của của làn sóng phản đối trong dân chúng. Đến giữa năm 2014, các cuộc biểu tình có thể được xem là “yêu nước”, vì mang xu hướng ủng hộ chính quyền, chống phe ly khai. Thế nhưng đến cuối năm, người biểu tình quay sang phản đối tình cảnh bất ổn về kinh tế-xã hội.
Liệu sẽ xuất hiện một Maidan khác ở Ukraine? Ảnh: Reuters
|
“Nhiều người đã bắt đầu đề cập đến một Maidan khác. Họ không phải là những người thuộc giai tầng chính trị cao nhất, mà là người bình thường trong nhiều câu chuyện hàng ngày. Nền kinh tế ngày một xấu đi và chúng ta sắp phải tận thấy mức tăng đột biến của giá nhiên liệu. Nó không chỉ ảnh hưởng đến người nghèo, mà còn cả tầng lớp trung lưu. Câu hỏi đặt ra là đến lúc nào xã hội này sẽ không chấp nhận tình cảnh trên?”, Ischenko bình luận.
Các chuyên gia như Ischenko không thể dự đoán chính xác khi nào làn sóng nổi dậy sẽ bùng phát trên diện rộng. Nhưng họ e ngại rằng chính thế lực cánh hữu, những tay súng thuộc các tiểu đoàn tiễu phát do các trùm tỉ phú tài trợ, sẽ là người châm ngòi bất ổn. Thủ lĩnh của lực lượng này đã nhiều lần “úp mở” rằng, họ có thể lật đổ chính phủ nắm quyền nếu các điều kiện không được cải thiện. Tiểu đoàn tiễu phạt Azov từng đe dọa sẽ “đưa chiến tranh tới Kiev”, trong khi Tiểu đoàn Aidar cũng đã có hành động xông thẳng vào trụ sở Bộ Quốc phòng, phản đối kế hoạch của Kiev muốn sáp nhập quân tiễu phạt vào lực lượng quân sự chính quy. Thủ lĩnh Tiểu đoàn Donbass thậm chí còn công khai đe dọa các nghị sĩ quốc hội Ukraine, tuyên bố sẵn sàng tiến thẳng vào trụ sở Quốc hội để "giám sát”.
“Nếu có một cách mạng Maidan khác thì phe cánh hữu sẽ giữ vai trò lãnh đạo. Họ sẽ tấn công chính quyền với lý do không ‘bảo vệ được đất nước’, gây ra đói nghèo và khủng hoảng xã hội. Tham nhũng, khốn khó kinh tế kết hợp với chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn là điềm báo cho một cuộc nổi dậy lớn, đó là những gì mà châu Âu đã trải qua trong thời kì Đại suy thoái những năm 1930”, Ischenko kết luận.
Hoài Thanh (Theo TheMoscowtimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét