Một tàu chiến của hải quân Đan Mạch bên ngoài bờ biển thị trấn Larnaca của Cypriot |
(CATP) Đại sứ Nga ở Đan Mạch hôm 20-3-2015 tuyên bố hải quân của quốc gia thành viên NATO này có thể là mục tiêu tấn công của tên lửa hạt nhân Nga nếu họ tham gia hệ thống lá chắn tên lửa của Liên minh phương Tây.
Lời đe dọa của đại sứ Mikhail Vanin đưa ra trong một bài xã luận ông viết cho nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten. Bài viết đang gây ra phản ứng dữ dội trong bối cảnh đối đầu kiểu chiến tranh lạnh ngày càng gia tăng giữa Moscow và phương Tây. AFP dẫn một câu trong bài xã luận của đại sứ Mikhail Vanin viết: “Tôi nghĩ rằng người Đan Mạch không hiểu hết hậu quả về những gì sẽ xảy ra nếu Đan Mạch gia nhập lá chắn tên lửa do Mỹ dẫn đầu. Nếu điều này xảy ra, các tàu chiến của Đan Mạch trở thành mục tiêu của tên lửa hạt nhân Nga”. Nga từ lâu đã phản đối lá chắn tên lửa của NATO - lắp đặt năm 2010 và dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ trong năm nay - trong đó, nhiều quốc gia thành viên đóng góp radar và vũ khí để bảo vệ châu Âu khỏi các vụ tấn công bằng tên lửa. Đan Mạch cam kết cung cấp ít nhất một tàu khu trục nhỏ trang bị radar tiên tiến để theo dõi các tên lửa. Nữ Chủ tịch công tác đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch, Mette Gjerskov, nói với AFP rằng, bình luận của đại sứ Nga “rất đe dọa và không cần thiết” khi lá chắn tên lửa đơn giản chỉ là một “hệ thống báo động có kẻ xâm nhập” và không gây nguy hiểm cho Nga”. Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard thì nói những nhận xét của ông Vanin là “không thể chấp nhận được” và “hoàn toàn không tương xứng”. Căng thẳng giữa Nga và các quốc gia Bắc Âu tăng lên những năm gần đây, với nhiều báo cáo về các vụ xâm nhập không phận của máy bay Nga ở khu vực Baltic. Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO đặt đại bản doanh ở Ramstein, Đức, từ năm 2012. Nó bao gồm cả việc triển khai các tàu chiến phá hủy tên lửa của Mỹ ở Tây Ban Nha, hệ thống chống tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ, hệ thống radar đặt trên tàu của một số quốc gia thành viên và tên lửa đánh chặn ở Romania. NATO do Mỹ dẫn đầu nhiều lần tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa được lắp đặt ở gần biên giới Nga là nhằm ngăn các vụ tấn công tên lửa từ những nước như Iran và CHDCND Triều Tiên, và không đe dọa đến Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO cũng nhiều lần từ chối yêu cầu của Nga đòi họ phải có một đảm bảo mang tính ràng buộc về pháp lý, khẳng định lá chắn tên lửa này không nhằm vào Nga. Điều đó khiến Nga phải tự tìm cách đối phó. | ||
MINH PHƯƠNG |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét