Cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang căng thẳng dai dẳng do các bên liên quan chưa thống nhất được các biện pháp hòa bình dứt điểm. Phương Tây duy trì quan điểm cứng rắn để khuất phục Kremlin nhưng các lãnh đạo Nga thường không có thói quen lui bước trước sức ép.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang Spiegel của Đức, lãnh đạo một thời của Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu hay thậm chí là một cuộc chiến tranh hạt nhân. "Chúng ta sẽ không tồn tại nếu một người nào đó bị mất kiểm soát trong căng thẳng hiện nay".
Gorbachev cáo buộc phương Tây và NATO phá hủy cấu trúc an ninh châu Âu bằng cách mở rộng liên minh quân sự. "Không có ông chủ nào của điện Kremlin có thể làm lơ một điều như vậy," ông Gorbachev cho biết và nhấn mạnh việc Mỹ đang gắng thiết lập đế chế của mình tới tận vách nước Nga.
Ông Gorbachev cũng không ngại chỉ trích vai trò của Đức trong khủng hoảng Ukraine. "Đức muốn thò bàn tay của mình lấy phần ở mỗi chiếc bánh. Đức đã từng cố gắng để mở rộng ảnh hưởng quyền lực về phía Đông trong Thế chiến II. Liệu thực sự có cần thêm một bài học nữa?"
Ông cho biết việc phương Tây cố gắng làm suy giảm quyền lực của lãnh đạo Nga, Tổng thống Vladimir Putin và gây bất ổn cho nước Nga là "rất ngu ngốc và vô cùng nguy hiểm". Ông tiếp tục bảo vệ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm ngoái sau một cuộc trưng cầu dân ý nhưng Phương Tây không công nhận kết quả.
Hồi tháng 11 năm ngoái, ông cũng từng khẳng định: "Crimea là của Nga và hầu hết mọi người ở Crimea bỏ phiếu ủng hộ gia nhập Nga. Tôi ủng hộ động thái này ngay từ đầu và dù một nửa dòng máu trong người tôi là Ukraine”.
Tại lễ kỷ niệm 25 năm bức tường Berlin sụp đổ, ông Gorbachev cũng từng phát biểu: “Tôi hoàn toàn tin Tổng thống Putin sẽ bảo vệ quyền lợi của nước Nga tốt hơn so với bất kỳ ai”. Ông cũng ca ngợi chính nhờ tổng thống Putin mà nước Nga không bị rơi vào tình trạng phân liệt.
Riêng về mối quan hệ ngoại giao giữa Đức và Nga, Gorbachev khi ấy đã thừa nhận quan hệ giữa Berlin và Moscow đang có dấu hiệu xấu đi do các quan điểm khác nhau của hai bên tại miền Đông Ukraine. Nhưng ông khẳng định rằng: “Miễn là Nga và Đức hiểu nhau và mối quan hệ giữa chúng ta vẫn tốt đẹp thì cả hai sẽ cùng hưởng lợi”.
Anh Tú (theo DW)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét