Giáo hoàng bảo vệ tự do ngôn luận sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo của Pháp, nhưng ông nhấn mạnh rằng tự do ngôn luận cũng có giới hạn.
Phát biểu với các phóng viên tháp tùng chuyến thăm Philippins hôm qua, trong cuộc họp báo trên máy bay, Giáo hoàng nói rằng các cuộc tấn công tuần trước là “sự lầm đường”, và không thể biện minh cho một sự bạo lực kinh hoàng như vậy nhân danh Thượng đế.
Khi được một phóng viên Pháp hỏi “một người có thể đi xa tới mức nào trong tự do ngôn luận?”, Giáo hoàng đáp rằng tự do tôn giáo và tự do ngôn luận là những quyền cơ bản của con người.
“Ai cũng có quyền thực thi tôn giáo của mình, tôn giáo riêng của mình mà không gây ra sự xúc phạm”. Nhưng ông nói thêm “Một người không được xúc phạm, gây ra chiến tranh, giết người nhân danh tôn giáo, nhân danh đấng tối cao”.
Ông bảo vệ mạnh mẽ tự do ngôn luận, nhưng sau đó nói rằng tự do ngôn luận cũng có giới hạn, nhất là khi người ta nhạo báng tôn giáo.
Theo ông, tôn giáo cần được đối xử với sự kính trọng, vì thế lòng tin của mọi người không thể đem ra xúc phạm hoặc chế giễu.
Ông lấy ví dụ: “Nếu anh bạn tốt của tôi, tiến sĩ Gasparri (người tổ chức các chuyến đi của Giáo hoàng) nói điều gì đó xấu về mẹ mình, anh ta nên đợi một cú đấm” – Giáo hoàng nói và giả vờ đấm người trợ lý lúc đó đang đứng cạnh ông.
“Anh không thể khiêu khích. Anh không thể xúc phạm lòng tin của người khác. Anh không thể đem lòng tin của người khác ra làm trò cười. Phải có giới hạn”.
“Tự do ngôn luận là một quyền và trách nhiệm cần được thể hiện mà không có sự xúc phạm” – ông nói.
Phát biểu của Giáo hoàng đã thổi thêm cuộc tranh cãi liệu tự do ngôn luận có giới hạn trong một xã hội tự do hay không. Để đáp lại yêu cầu của báo chí làm rõ phát biểu của Giáo hoàng, người phát ngôn của Vatican Thomas Rosica ra tuyên bố nói rằng, bình luận và cử chỉ của giáo hoàng “không thể bị cắt nghĩa là sự biện hộ cho bạo lực và khủng bố diễn ra ở Paris tuần trước, dù theo bất kỳ cách nào”, và hành động của giáo hoàng với tiến sĩ Gasbarri là “một cử chỉ thân thiện, thân mật giữa các đồng nghiệp và bạn bè trong chuyến đi”.
“Cách nói chuyện thoải mái của Giáo hoàng, đặc biệt trong những tình huống như cuộc họp báo trên phải được hiểu theo đúng tình huống, không được bóp méo hay sửa chữa”, người phát ngôn nhấn mạnh. “Bạo lực sẽ dẫn tới bạo lực. Giáo hoàng Francis không khoan dung cho bạo lực bằng những gì ông phát biểu trên chuyến bay”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét