Vũ khí không gian nằm trong chiến lược mới của Nga. |
Đô đốc Cecil Haney, Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ thừa nhận chính phủ nước này đang có những quan ngại về việc Nga dồn sức phát triển vũ khí chiến lược quân sự mới, đặc biệt là trong hoạt động chế tạo vũ khí không gian chống vệ tinh, bom hạt nhân hay lĩnh vực an ninh mạng.
“Nga đã có hơn một thập kỷ đầu tư hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của mình, mặc dù thời điểm hiện tại không phải là giai đoạn chiến tranh lạnh, điều này khiến Mỹ lo lắng về việc Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí mới bên ngoài lãnh thổ như thế nào,” ông Haney nói.
Ngoài ra, nhận định về các loại vũ khí chiến lược không gian, ông cho rằng Moscow đã có những bước tiến nhất định trong hoạt động nghiên cứu, chế tạo thuộc lĩnh vực này.
“Quân đội Nga đã công khai tiến hành phát triển khả năng xâm nhập không gian với các loại thiết bị mới. Trong khi lực lượng vũ trang của nước này vẫn đang sở hữu rất nhiều vũ khí chống vệ tinh, và không ngừng nghiên cứu trong thời gian qua,” ông trả lời các phóng viên về sức mạnh quân sự của Nga trong lĩnh vực không gian.
Ngược lại về phía mình, Nga cho biết nước này đang xem xét lại các cam kết của chính phủ trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), đây là động thái nhằm đáp trả hành động “không thân thiện của Mỹ” trong thời gian gần đây, người đứng đầu Cục quản lý và kiểm soát vũ khí Nga, ông Mikhail Ulyanov cho biết.
“Chúng tôi đã không thực hiện bất cứ bước đi cụ thể nào theo các bản cam kết, đó là hành động phản đối lại thái độ của Mỹ. Washington sẽ không thấy bất cứ điều khoản nào được Moscow thực hiện, nếu các hoạt động liên quan đến Nga của Mỹ không xuất phát từ mục đích thân thiện,” báo chí địa phương dẫn lời ông Ulyanov.
Các nhà ngoại giao cho rằng phản ứng của Nga có thể liên quan đến việc thay đổi chính sách hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ của Hiệp ước START.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược đầu tiên được ký kết bởi 2 nhà lãnh đạo cường quốc Mỹ và Liên Xô ngay sát thời kì chiến tranh lạnh kết thúc. Năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W Bush và Tổng thống Mikhail Gorbachev của Liên Xô đã chính thức chấp thuận các thỏa thuận cắt giảm các loại vũ khí chiến lược đầy tham vọng trong lịch sử.
Hiệp ước hết hạn vào năm 2009, và một thỏa thuận mới mang tên New START đã được ký giữa Nga và Mỹ trong năm 2010. START hạn chế về số lượng tên lửa đạn đạo triển khai và máy bay ném bom hạng nặng có trang bị vũ khí hạt nhân không vượt quá con số 700, số đầu đạn hạt nhân được triển khai là 1.550, bệ phóng và hệ thống phòng không là 800. Riêng vũ khí chống vệ tinh chưa được nhắc đến.
Các điều ước có thời hạn đến năm 2021. Nhưng có thể kéo dài thêm từ 1-5 năm, tùy theo thỏa thuận giữa các nước.
Hàn Giang (theo RIA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét