Ông Silvio Berlusconi tuyên bố các biện pháp trừng phạt chống Nga không có ý nghĩa, vô ích và gây bất lợi cho nền kinh tế Italy.
Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, ngày 12/1, cựu Thủ tướng Italy, lãnh đạo đảng Forza Italia, ông Silvio Berlusconi tuyên bố: “Trừng phạt là không hiệu quả, hơn nữa, lại phương hại cho chính sách đối ngoại và nền kinh tế của chúng tôi. Tôi hy vọng rằng Chính phủ Italy sẽ bắt đầu thay đổi chính sách với châu Âu."
Chính trị gia này cho rằng Nga là "đồng minh tự nhiên" của châu Âu trong cuộc chiến chống "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan" và ngăn chặn "mối đe dọa khủng bố".
Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. |
Khi tình hình ở miền đông Ukraine hạ nhiệt, các nước châu Âu bắt đầu nôn nóng muốn dỡ bỏ cấm vận Nga vốn gây ra nhiều tác dụng ngược đối với kinh tế châu Âu thời gian qua.
Tổng thống Pháp François Hollande ngày 5/1 cho biết các biện pháp cấm vận Matxcơva cần chấm dứt ngay khi vấn đề Ukraine có tiến triển. Trên đài France Inter, ông Hollande lạc quan rằng sẽ có tiến triển như vậy tại cuộc họp Nga, Đức, Pháp và Ukraine vào giữa tháng này tại Kazakhstan.
“Nếu Nga có khủng hoảng, nó không thể là điều tốt cho châu Âu. Tôi không ủng hộ những chính sách nhằm đạt được mục tiêu bằng cách làm mọi thứ tồi tệ hơn. Tôi nghĩ trừng phạt phải dừng lại ngay lúc này”, Tổng thống Hollande nói trong một cuộc phỏng vấn dài 2 giờ với đài phát thanh France Inter hôm 5/1.
Ông Hollande cho biết ông hiểu rằng việc Kiev muốn vào NATO không thể đóng góp cho tiến trình hoà bình. “Ông Putin không hề muốn sáp nhập miền đông Ukraine vào Nga. Tôi chắc chắn.
Ông ấy đã nói với tôi như vậy. Điều ông ấy muốn là duy trì tầm ảnh hưởng. Ông Putin không muốn Ukraine trở thành một thành viên của NATO. Ý tưởng của ông Putin là duy trì tình trạng phi quân sự gần biên giới Nga”, Tổng thống Pháp nói với France Inter.
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Hình ảnh Chủ nhật" ngày 4/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel cũng bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt Nga, được áp dụng từ tháng 3/2014.
Theo ông, có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn "khuất phục” Nga nhưng việc trừng phạt Matxcơva chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm.
Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Hans-Werner Sinn, cũng cảnh báo nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu, nhất là những ngân hàng của Pháp và Áo vốn có hợp tác chặt chẽ với Nga.
Thanh Giang (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét