Đến thời Minh Mạng trị vì, nước ta trở thành một quốc gia cường thịnh, các nước lân bang đều nể ph
ục, các nước phương Tây xa xôi cũng nhiều lần đến xin thông hiếu. Với sức mạnh và vị thế đó, Minh Mạng đã cho lực lượng thủy quân tiếp tục quản lý, khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng trên các hải đảo, nhất là tại các khu Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung trước đây của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
ục, các nước phương Tây xa xôi cũng nhiều lần đến xin thông hiếu. Với sức mạnh và vị thế đó, Minh Mạng đã cho lực lượng thủy quân tiếp tục quản lý, khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng trên các hải đảo, nhất là tại các khu Vạn lý Hoàng Sa (tên gọi chung trước đây của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
Minh Mạng là vị hoàng đế tiến hành cuộc cải cách lớn nhất triều Nguyễn. Cuộc cải cách của ông được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền cho cư dân đi biển. Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, mà nhà vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, năm Mậu Tý (1828) vua định ngạch các hạng thuyền (ấn định số lượng các loại thuyền cần đóng) ở các địa phương.
Tinh thần hướng đến tiến bộ mới của Minh Mạng được sử sách ghi nhận rõ, cuốn Quốc sử di biên cho biết vào tháng 4 năm Canh Dần (1830) “vua nghe nói ngoại quốc có xe hỏa, tàu thủy và nhiều vật lạ, sai lũ (Đặng) Khải đi Lã Tống, Tây dương để mua”.
Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng cho chuẩn. Đặc biệt, Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp, vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương, để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu thuyền này.
Sách Khâm định Đại Nam thực lục ghi rằng tháng 6 năm ấy, vua “sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long; sau đó hàng hoạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến công cán ở nước ngoài.
Còn theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thuyền bọc đồng được phân thành 4 hạng khác nhau là hạng rất lớn, hạng lớn, hạng vừa, và hạng nhỏ. Ngoài thuyền bọc đồng, năm Mậu Tuất (1838) Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước cũ của Pháp đem về tháo ra nghiên cứu để lấy mẫu đóng thử.
Đến tháng 4 năm sau, chiếc tàu máy hơi nước đầu tiên của nước ta đóng xong và chạy thử thành công. Tháng 10 cùng năm đó, chiếc tàu máy hơi nước thứ 2 cũng được hoàn thành. Từ đó, vua xây dựng quy thức đóng tàu máy hơi vào năm Canh Tý (1840) với “thân rộng 7 thước 5 tấc, dài trên dưới 4 trượng, nhưng thân không quá sâu, khoảng 1 trượng, để dễ dàng di chuyển trên các sông, biển” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ).
Sự quan tâm đặc biệt của Minh Mạng với ngành đóng thuyền không chỉ phục vục mục đích kinh tế, giao thương, phát triển công nghệ mà còn nhằm xây dựng lực lượng thủy quân hùng hậu, có sức mạnh và khả năng lớn trong việc xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thậm chí vào năm Kỷ Hợi (1839) ông còn ra lệnh tham khảo các tài liệu phương Tây để soạn sách dạy thủy chiến, bản đồ thủy chiến sau đó cho quân lính thao diễn, luyện tập.
Nhà vua còn truyền bảo với Binh bộ thượng thư Trương Đăng Quế rằng: “Trẫm muốn các ngươi trù tính kỹ càng, làm thành quyển sách thủy chiến, giao cho quân lính ngày đêm học tập, đó mới là cách phòng bị trước khi có việc”.
Vua Minh Mạng còn căn dặn: “Bờ cõi nước ta, chạy dài ven biển, phái quân đi tuần bể, có nhiều đường ngách, hoặc phải bỏ thuyền mà đánh trên bộ, hoặc phải dời dinh mà vây dưới nước. Như thế thời bộ binh cần phải biết cách đánh dưới nước, thủy binh cũng cần phải biết cách đánh trên bộ, cần dụ các viên Thống quản ở kinh sức cho quân lính dưới quyền, cố gắng diễn tập sao cho hết thảy đều tinh, nên người quân mạnh” (Minh Mạng chính yếu).
Năm Canh Tý (1840) cuộc tập trận có mục tiêu giả định lần đầu tiên được tiến hành, theo sử sách nhà Nguyễn ghi lại, vua đã định phép thao diễn thủy sư như một cuộc tập bắn trên biển với diễn biến như sau: “Một cái bè nổi giả làm hình thuyền, dài độ 3 trượng, ngang hơn 1 trượng, dựng phên nứa làm giả lá buồm được dựng lên. Đặt bè ở biển hơi xa bờ, xung quanh thả neo để khỏi bị trôi.
Những thuyền tham gia diễn tập đậu cách bè chừng 50 trượng, tất cả đều chỉnh tề đợi lệnh.
Khi thành Trấn Hải treo cờ đỏ thì cuộc thao diễn bắt đầu, các thuyền đều nhổ neo kéo thuyền chạy về phía bè. Khi đến quãng giữa thì thuyền đến trước sẽ mang súng hồng y lên ngắm vào bè nổi, bắn liền 3 phát rồi tiến quá phía trước bè ngoài 500 trượng lại quay trở về.
Các thuyền đi tiếp sau cũng làm như thế, khi trở về thanh thuyền đi trước, khi đến chỗ tiêu chuẩn bè nổi ở trung gian lại bắn súng như trước và chèo thuyền về chỗ bày hàng ban đầu. Lại thuyền buồm tiến lên bắn súng như trước. Bắn xong 3 đợt thì cờ trên thành Trấn Hải hạ xuống, truyền lệnh thu quân, các thuyền cuốn buồm và hạ neo”.
Trước đó, vào năm Giáp Ngọ (1834) vua đã cho xây dựng pháo đài phòng thủ trên một số hòn đảo trọng yếu, đồng thời lệnh cho quan chức các địa phương nơi có dân cư sinh sống tại các đảo, bãi ngoài biển phải dùng tiền công quỹ đóng thuyền do họ đi lại và cấp cả gươm giáo, súng đạn để phòng bị giặc biển. Hai năm sau, vào năm Bính Thân (1836) Minh Mạng ban quy định về lệ tuần biển để đánh đuổi cướp biển, thuyền ngoại quốc có ý đồ xâm phạm hải đảo của quốc gia.
Để biết rõ hơn về các đảo thuộc Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa và Trường Sa), theo sách Đại Nam thực lục chính biên, năm Giáp Ngọ (1834) vua Minh Mạng đã sai Đội trưởng đội Hoàng Sa là Trương Phúc Sĩ dẫn 20 thủy thủ đi đo đạc kích thước, vẽ bản đồ, đo độ nông sâu, địa thế các đảo. Kể từ đó vua đã nhiều lần cho tiến hành công việc này, những người không hoàn thành nhiệm vụ đều bị xử phạt nghiêm khắc, như trường hợp của Giám thành Trương Viết Soái, năm Bính Thân (1836) khi về không có bản đồ đệ trình bị xử “trảm giam hậu” (chém nhưng tạm giam trước)…
Đặc biệt, bên cạnh việc khai thác, tuần phòng trên biển, vua Minh Mạng còn cho tiến hành xây dựng nơi thờ tự (chùa, miếu), trồng cây, dựng cột, bia chủ quyền tại một số đảo vào các năm Quý Tị (1833), Ất Mùi (1835), Bính Thân (1836)… Như vào tháng Giêng năm Bính Thân (1836) các quan ở bộ Công đã dâng sớ tâu rằng:
“Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Hằng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Xin từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chọn phái biền binh thủy quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng Hai thì đến Quảng Ngãi, yêu cầu 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ.
Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về, dâng trình” (Đại Nam thực lục chính biên).
Lời tâu này được Minh Mạng chấp thuận ngay, vua còn căn dặn rằng phải “ghi, nói minh bạch trong họa đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ).
Như vậy việc các tàu thuyền đi tuần tiễu, khảo sát đo đạc tại Vạn lý Hoàng Sa theo lệ sẽ được tiến hành vào mùa Xuân. Theo các tư liệu khác nhau thì hoạt động này được thực hiện trong vòng 6 tháng, dù có năm do mưa gió, bão lớn nên việc khởi hành phải lùi lại nhưng nhiệm vụ của các tàu thuyền vẫn không thay đổi.
Việc cho quân đồn trú, tiến hành thu thuế và bảo vệ ngư dân cũng đã được thực hiện, một người Anh tên là Gutzlaff trong bài viết đăng trên tập san Á Châu hội xuất bản ở Luân Đôn năm 1849 cho biết: “Những đảo ấy đáng lẽ không có giá trị nếu nghề cá ở đó không phồn thịnh và không bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu…
Tuy rằng hằng năm hơn mười phần thuyền bị đắm nhưng đánh cá được nhiều, đến nỗi không những bù hết mọi thiệt thòi mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đều phải trả, và để bảo trợ những người đánh cá bản quốc”.
Ngoài hoạt động bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên biển, vua Minh Mạng còn lệnh cho thủy quân làm nhiệm vụ cứu hộ, giúp đỡ các tàu thuyền không cứ của nước nào gặp nạn trên vùng biển nước ta. Như vào năm Bính Thân (1836) đã cứu giúp một thuyền buôn của nước Anh gặp bão tại Hoàng Sa, cứu thoát hơn 90 người đưa vào bờ biển Bình Định cấp lương thực, nước uống, thuốc men cho họ rồi cho về nước…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét