Sở Nội vụ Đà Nẵng và UBND huyện đảo Hoàng Sa vừa cho ra mắt cuốn sách “Kỷ yếu Hoàng Sa”. Những tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, hình ảnh và ký ức của những người từng giữ đảo... cho thấy quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Chỉ dụ số 10, ngày 29/2/1938 của Vua Bảo Đại sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên |
Lịch sử đã xác lập và thực thi chủ quyền
Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử, quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000km2.
Quần đảo Hoàng Sa gồm hai cụm đảo chính là cụm Lưỡi Liềm ở phía Tây; cụm An Vĩnh ở phía Đông. Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á.
Theo TS. Trần Công Trục - Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình và phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử liên quan.
Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép Đội Hoàng Sa được thành lập từ nửa đầu thế kỷ XVII, tức là vào đầu thời chúa Nguyễn. Năm 1815, vua Gia Long sai Đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.
Từ năm 1816, Gia Long bắt đầu cử Thủy quân cùng với đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn toàn cho Đội Hoàng Sa lo kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa.
Từ năm1884 đến năm 1945, Cộng hòa Pháp tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa trong thời kỳ Pháp thuộc.
Trong giai đoạn từ 1946 - 1956, lợi dụng Việt Nam đang lo đối phó với sự trở lại của thực dân Pháp và lo kháng chiến chống Pháp, quân Tưởng Giới Thạch và sau đó là quân của CHND Trung Hoa đã tiến hành chiếm đóng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quân Pháp rút khỏi Việt Nam, sau khi thua trận Điện Biên Phủ, và trong thời kỳ Việt Nam chia đôi theo qui định của Hiệp định Genève khiến Trung Quốc, Đài Loan, Philippines tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1956 - 1975).
Từ sau năm 1975, Nhà nước Việt Nam thống nhất đã tiếp tục thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Người Việt Nam đào giếng nước ngọt trên đảo Hoàng Sa (1938) |
Những ngày tháng không bao giờ quên
Điểm nổi bật của cuốn kỷ yếu này là phần giới thiệu của 24 nhân chứng từng đến sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trong những thập niên 50-70 của thế kỷ XX cùng cảm nhận của họ về vùng đảo và những ngày tháng sống và làm việc ở đây. Với họ, đó là những ngày tháng không bao giờ quên.
Ông Nguyễn Văn Cúc (Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng), một chứng nhân của Hoàng Sa viết: Tôi thấy mình may mắn được làm việc, cống hiến sức trẻ tại mảnh đất thiêng liêng ấy và tôi muốn chia sẻ mọi người biết, để con cháu thế hệ mai sau biết rằng Hoàng Sa vô cùng tươi đẹp là một phần của Tổ quốc Việt Nam, hãy ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ông Trần Hòa chia sẻ: Có một lần bão đến bất ngờ, một con tàu Trung Quốc không kịp vào bờ tránh bão nên đã tấp vào đảo trong đêm. Mặc dù lương thực sử dụng là tính toán chi li nhưng tình người trong cơn hoạn nạn, ai nỡ ăn no để nhìn kẻ bên mình đang đói. Vậy là toàn đảo sẻ chia, cưu mang gia đình Trung Quốc kia cho đến ngày họ xin được tàu về lại quê hương.
“Sói biển” Mai Phụng Lưu, một ngư dân sống ở huyện đảo Lý Sơn đã gắn bó mấy chục năm nay trên vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá đã viết: “Khó khăn đến mấy, cha con tôi cũng quyết không rời ngư trường của tổ tiên ông bà mình, dù có bị đánh đập, tịch thu tài sản hoặc thiên tai rủi ro luôn rình rập. Cầu cho trời yên biển lặng để cha con tôi tiếp tục đạp sóng ra khơi. Ra biển Hoàng Sa”.
Phạm Lý
(Theo Kỷ yếu Hoàng Sa)
(Theo Kỷ yếu Hoàng Sa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét