Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Chúng ta có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan.
I. Trước năm 1884.
1. Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn đã xác lập và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa.
Suốt trong ba thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của Nhà nước Việt Nam, Đội Hoàng Sa, là bằng chứng hùng hồn về sự xác lập và thực thi chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa ra đời ở Cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép Đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn.Hải ngoại kỷ sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội “Hoàng Sa” và Phủ Biên tạp lục (Lê Quý Đôn) viết năm 1776, chép “Tiền Nguyễn Thị”. Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép “Quốc sơ trí Hoàng Sa”. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của Đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết Đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng tám âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hoà thứ nhất (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.
Như thế, chúng ta có cơ sở để kết luận Đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), bởi chính vào thời kỳ này, các thuyền của Đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân.
Dù ở thời chúa Nguyễn nào thì thời điểm lập ra Đội Hoàng Sa cũng chắc chắn ít ra là vào nửa đầu thế kỷ XVII, tức là vào đầu thời chúa Nguyễn. Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, Chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì Đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, đã cho biết năm 1786 năm Thái Đức thứ 9, dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng nên đến khi năm Gia Long thứ 2 (1803) mới cho Đội Hoàng Sa hoạt động trở lại như Đại Nam thực lục chính biên, quyển XXII đã ghi rõ: “cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Năm 1815, vua Gia Long sai Đội Hoàng Sa đi đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa.
Từ năm 1816, Gia Long bắt đầu cử Thủy quân cùng với đội Hoàng Sa, không còn giao phó hoàn toàn cho Đội Hoàng Sa lo kiểm soát, đo đạc thủy trình ở Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa trở thành tổ chức mang tính dân sự nhiều hơn. Theo truyền thống, dân Cù Lao Ré vẫn tiếp tục đi biển, trong đó có vùng Hoàng Sa nhiều sản vật quý.
Vào thời Minh Mạng, như năm 1835, vẫn thấy Đội Hoàng Sa hỗ trợ Thủy quân đi công tác tại Hoàng Sa với đà công (lái thuyền) và dân phu. Thời Tự Đức, người ta không thấy biên niên sử còn chép các hoạt động của Đội Hoàng Sa, vì theo phàm lệ của Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, chép vào đời Tự Đức, những việc thành lệ thường không được chép nữa mà thôi. Những hoạt động của Đội Hoàng Sa cũng như thủy quân từ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đã trở thành lệ thường, như đã chép trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Ngoài ra, có văn tế sống lính Đội Hoàng Sa thời vua Tự Đức còn lưu lại ở đảo Cù Lao Ré.
Về lịch hoạt động ở ngoài đảo, theo những tài liệu như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam Nhất Thống Chí, hàng năm Đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toản tập An Nam lộ thì lúc đi cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ biên tạp lục, thì thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về (nếu lương thực mang đi có 6 tháng, từ tháng 3 đến tháng 8, tức khoảng từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch ở Quảng Ngãi là mùa khô, có gió Tây Nam rất thuận lợi cho việc đi biển, nhất là vùng Quảng Ngãi lại chỉ có bão trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch (tháng 9 dương lịch đến tháng 12 dương lịch), nhất là hai tháng 9 và 10 âm lịch. Như thế việc chọn thời gian hoạt động của Đội Hoàng Sa là một lựa chọn rất khôn ngoan của tiền nhân.
Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa.
Riêng về nhiệm vụ do thám và bảo vệ vùng biển quần đảo Hoàng Sa nhằm chống lại nạn cướp biển thì đơn xin của phường An Vĩnh tách khỏi xã An Vĩnh ngày 01 tháng 02 năm Gia Long thứ 3 (1804) đã ghi rõ nhiệm vụ này. Ngoài ra, chức cai Đội Hoàng Sa kiêm chức cai cơ Thủ Ngự mà Thủ Ngự lại có nhiệm vụ do thám ngoài biển. Nhiều tài liệu cho biết cai Đội Hoàng Sa kiêm quản cai cơ Thủ Ngự như Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển XXII ghi rõ: Võ Văn Phú được sai tái lập Đội Hoàng Sa, chính khi ấy là Thủ Ngự cửa biển Sa Kỳ.
Như thế, nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thuỷ trình, do thám trên quần đảo Hoàng Sa, nhất là trong thời các chúa Nguyễn và thời kỳ đầu nhà Nguyễn.
Đội Hoàng Sa là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, quyển 3, thì lúc đó, có nhiều tổ chức tương tự như đội Thủ Ngự (đội coi về canh gác, ngăn chặn trộm cướp), đội Thổ Binh...
Đứng đầu Đội Hoàng Sa là một “cai đội”, những thành viên trong Đội được gọi là “lính”. Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do Vua ban.
Thời chúa Nguyễn mỗi năm lấy 70 suất đinh để làm những nhiệm vụ của Đội Hoàng Sa theo phép tuyển như trên, song còn dựa vào khả năng đi biển mà tuyển chọn. Số lượng 70 là số lượng đặc biệt cho một đội dân binh như Đội Hoàng Sa. Cũng theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã gọi những người trong Đội Hoàng Sa là “dân binh”, trong đó có 2 người bị trôi dạt vào Cảng Thanh Lan (Hải Nam) khi bị bão vào năm Càn Long thứ 17 (1754), còn tám người khác bị mất tích. Như thế mỗi thuyền trong Đội Hoàng Sa có số lượng khoảng 10 người.
Tại xã An Vĩnh, nay thuộc thôn An Vĩnh, xã Tự Kỳ, còn di tích một ngôi miếu ở cạnh cửa biển Sa Kỳ là ngôi miếu Hoàng Sa vốn thờ bộ xương đầu của con cá voi, (tương truyền do binh Đội Hoàng Sa đưa từ Hoàng Sa về) và thờ lính Hoàng Sa, ngôi miếu này bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bộ xương cá voi thần linh ở miếu này được chuyển sang thờ tại lăng Thánh, ngay cạnh ngôi miếu xưa.
Tại Cù Lao Ré, nay là huyện đảo Lý Sơn, vẫn còn Âm Linh Tự, tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa. Đến ngày nay tại các nhà thờ tộc họ, các đình làng ở xã An Vĩnh và cả làng An Hải (cả đất liền lẫn ngoài đảo Cù Lao Ré) vẫn còn tục tế đình và làm lễ khao quân tế sống để tiễn lính Đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong buổi tế sống lính Hoàng Sa đó, họ làm những hình nộm bằng khung tre và dán giấy ngũ sắc để giả hình người và đem tế tại đình. Tế xong họ đốt đi hoặc đóng thuyền bằng thân cây chuối đặt hình nộm lên và thả trôi ra biển gọi là “khao lề thế lính Hoàng Sa” còn gọi là "lễ tế sống lính Hoàng Sa" với quan niệm các hình nộm kia sẽ gánh chịu mọi hiểm nguy, tai nạn trên biển thay cho lính Đội Hoàng Sa và cầu mong cho người thân của họ bình an trở về. Ngày nay tại các nhà thờ tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đều có tổ chức tục lễ như thế và hiện tại gia đình các tộc họ cũng còn giữ bài văn khao lề thế lính Hoàng Sa, gồm một nửa chữ Hán, một nửa chữ Nôm.
Với những nhiệm vụ và tổ chức hoạt động kể trên, Đội Hoàng Sa thu lượm những hải vật quý lạ ở Hoàng Sa như hải sâm, ốc hoa, ốc tai voi có chiếc lớn như chiếc chiếu, bụng có châu ngọc lớn như ngón tay trẻ em, sắc đục không bằng sắc con trai châu, song vỏ ốc có thể tách ra từng phiến, cũng có thể dùng vỏ ốc làm thành vôi; có thứ ốc xà cừ, người ta có thể dùng để dát các đồ dùng; có thứ đại mạo hay đại mội, tức con đồi mồi rất lớn hay con hải ba (ba ba biển tục gọi là con trắng bông, cũng giống như con đồi mồi, nhưng nhỏ hơn).
Quan trọng nhất là các hàng hoá từ các tàu đắm mà Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, viết rằng hàng hoá thu được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng ống. Phủ biên tạp lục thì ghi: những sản vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vàng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ.
Lê Quý Đôn, hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hóa, đã viết: “tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy Đội Hoàng Sa, trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau:
- Năm Nhâm Ngọ (1702), Đội Hoàng Sa lượm được bạc 30 thoi.
- Năm Giáp Tuất (1704), lượm được thiếc 5100 cân.
- Năm Ất Dậu, lượm được bạc 126 thoi.
Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúi Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.
2. Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn chống hải tặc và bảo vệ Biển Đông (1771 - 1801).
Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông, từng khu vực có lực lượng hoặc do chúa Nguyễn, chúa Trịnh hoặc quân Tây Sơn làm chủ.
Sau hơn 9 năm ngày vua Quang Trung mất, mặc dù lực lượng thủy quân Tây Sơn đã bị hao hụt nhiều, năm 1801, Jean Baptiste Chaigneau, kẻ tham dự trận đại thắng thủy chiến tiêu diệt hoàn toàn hạm đội Tây Sơn, đã viết thư cho Laurent Barizy (người Anh) ngày 02/3/1801, có nhận định về thủy quân Tây Sơn như sau:
“Trước khi thấy được thủy quân địch, tôi vốn coi thường lực lượng này, nhưng tôi cam đoan với ông rằng đó là sai lầm, quân Tây Sơn đã có những chiến hạm trang bị 50 và 60 đại bác. Theo mô tả của Barizy, nhà quân sự người Anh, trong lực lượng thủy quân Tây Sơn ít ra có 4 loại tàu thuyền và dĩ nhiên thời này chỉ chạy bằng buồm hoặc chèo. Song chưa thấy tài liệu nào cho biết các tàu thuyền Tây Sơn được bọc đồng theo kiểu Tây Phương hồi đó. Loại chiến hạm lớn có tới 600 hay 700 thủy thủ và trang bị 50 hay 60 đại bác nặng 24 cân Anh (livres); tuy chỉ có từ 5 đến 9 chiến hạm, song đã nói lên hỏa lực mạnh và lực lượng thủy quân đông đảo trên các chiến hạm của Tây Sơn. Chính vì vậy quân Tây Sơn thường có những quả đấm mạnh bằng thủy quân trong các cuộc tiến công vào đất Gia định, nhất là sau chiến thắng quân Thanh, xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung chuẩn bị đóng chiến thuyền vào Nam đánh quân Nguyễn Ánh.
Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Qui Nhơn rồi tiến lên phía Quảng Nam, kiểm soát bến Bình Sơn ( Bến Ván), Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré (Đảo Lý Sơn), cái nôi của Đội Hoàng Sa, từ đầu thế kỷ XVII đã bắt đầu khai thác Biển Đông.
Chỉ trong vài năm bị đình đốn, ngày 15 tháng giêng năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) cai hợp Hà Liễu ở phường Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã làm đơn xin với chính quyền Tây Sơn được lập lại Đội Hoàng Sa và Quế Hương, sẵn sàng vượt biển ra các cù lao ngoài biển để làm nhiêm vụ theo thông lệ và sẵng sàng ứng chiến chống kẻ xâm phạm.
Mãi đến năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế và từ đó mới có chính quyền Tây Sơn hoàn chỉnh. Năm Thái Đức thứ 9 (1786), ngày 14 tháng 2 (âm lịch) chính quyền Tây Sơn ra quyết định sai phái Hội Đức Hầu, cai Đội Hoàng Sa, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển ra thẳng Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển.
Theo các tư liệu còn lưu lại cho thấy người phụ trách các tổ chức hoạt động ngoài biển là Thái phó, một chức quan lớn trong triều. Chính quyền Tây Sơn còn yêu cầu các thuyền của Đội Hoàng Sa phải mang biển hiệu thủy quân, song lại nhắc nhở không được lấy danh nghĩa thủy quân mà làm càn, bắt nạt dân làm muối, đánh cá.
Các đội khai thác Biển Đông như Đội Hoàng Sa, Đội Quế Hương, Đội Đại Mạo, Hải Ba, Đội Quế Hương Hàmkhông những có nhiệm vụ kinh tế mà còn như lời hứa của dân Phường Cù Lao Ré, do Cai hợp Hà Liễu đứng tên, sẵn sàng ứng chiến với kẻ xâm phạm mỗi khi có truyền báo xảy ra chinh chiến.
Riêng Đội Hoàng Sa, đứng đầu là cai đội hay đội trưởng, lại thường kiêm cai thủ cửa biển Sa Kỳ cũng như kiêm quản cai cơ thủ ngự. Chức quan cai cơ thủ ngự phụ trách thu thuế, an ninh trên biển, chống hải tặc, cướp biển. Như thế, việc khai thác kinh tế biển luôn kết hợp nhiệm vụ quốc phòng, chống cướp biển, bảo vệ Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét