(Xã hội) - Ông Bảo bày tỏ, nếu được gặp ông Tập Cận Bình, ông sẽ gửi đến ông tấm bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng lá Quốc kỳ…
Theo ông Bảo, trong khoảng thời gian đó, ngoài gia đình ông thì có nhiều công chức người Pháp và Việt Nam làm việc trêm đảo. Đường trên đảo đã được xây dựng khá quy củ. Ngoài một trung đội lính khố xanh thì còn có các phu đảo.
“Ở đảo có mấy công chức, trong đó ba tôi là trạm trưởng vô tuyến điện,1 người phục vụ máy nổ, 1 người làm về thiên văn, 1 người coi kho thực phẩm và 1 thầy thuốc xử lý những đau ốm thông thường của mọi người trên đó, còn 1 người là thư ký, văn thư cho lính đồn.
Ngoài những người kể trên còn có một trung đội lính khố xanh khoảng 20 người cùng với rất nhiều phu đảo làm nhiệm vụ xây dựng nhà cửa, đường xá, khuân vác đá để xây cầu tàu, kè đá cho đảo và đi nhặt phân chim rồi về phơi khô để làm phân bón chuyển vào đất liền…
Lúc đó, tôi chưa đến tuổi đi học nên ba tôi mong đến năm 1940 sẽ được về đất liền để tôi đi học. Mẹ tôi chỉ dạy tôi biết các chữ cái, còn sách báo thì chủ yếu là tiếng Pháp”, ông Bảo kể lại.
Ông Bảo cũng cho hay, vì lúc đó, chỉ có ba đứa trẻ con là ba anh em ông ở trên đảo nên mọi người rất cưng chiều, quý mến.
“Mọi người thường hãy cõng, bế… mấy anh em chúng tôi đi chơi. Những hôm có thuyền tiếp tế ra, cả đảo vui như ngày hội.
Tất nhiên thỉnh thoảng mọi người vẫn chỉ cho chúng tôi những chiếc tàu chạy qua đảo nhưng đa phần họ không ghé vào, chỉ trừ khi họ có nhu cầu trao đổi nước ngọt lấy hàng hóa hay gì đó thì mới ghé vào. Vì thế ấn tượng về những chiếc tàu với tôi không lớn lắm”, ông Bảo nói.
Giữa năm 1940 thì gia đình ông Bảo mới được về lại đất liền. Sau đó, ông cũng không rõ có gia đình nào ra đảo sinh sống nữa hay không…
Gia đình ông Bảo là gia đình đầu tiên cũng là gia đình duy nhất được sống ở Hoàng Sa, bởi sau này chính quyền thực dân Pháp đã cấm các công chức Pháp cho cả gia đình ra sinh sống tại nơi này.
Nguyên nhân lệnh cấm cũng từ một tai nạn trên đảo. Nguyên công chức phụ trách nha khí tượng trên đảo Paracels khi kết hôn đã xin phép đưa vợ ra Hoàng Sa sinh sống. Tuy nhiên do điều kiện ở đảo rất khó khăn, không có bệnh viện nên vợ của người công chức này đã bị sảy thai. Tin này đến tai chính quyền thực dân, sợ bị ảnh hưởng đến uy tín của mình nên chính quyền thực dân đã quyết định cấm không cho công chức Pháp đưa gia đình ra Hoàng Sa nữa.
Chính bởi vậy chuyến ra Hoàng Sa của gia đình ông Trần Quân Bảo chính là chuyến cuối cùng mà một gia đình được phép ra sinh sống tại đảo.
“Tất cả sinh hoạt trên đảo đều theo tiếng kèn của 1 người lính, kể cả chào cờ. Ở đó cũng không có đồng hồ, tất cả sinh hoạt nhìn theo bóng mặt trời…”, ông Bảo nhớ lại.
Ông Bảo khẳng định, tất cả những gì ông vừa kể đã cho thấy sự thực không thể chối cãi về chủ quyền thiêng liêng, truyền đời của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
“Những gì tôi kể lại ở đây là một sự thật không thể chối cãi được về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo này. Từ trước những năm 1938 – 1940 đã có rất nhiều người Việt sinh sống, làm việc trên quần đảo Hoàng Sa do Pháp cùng với nhà nước phong kiến cũ của Việt Nam quản lý. Quần đảo Hoàng Sa là chủ quyền thiêng liêng, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc như dùng vũ lực chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, rồi mới đây nhất là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo nói, nếu có cơ hội được sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ông sẽ bày tỏ lòng mình và có tặng quà vị này. “Thực tế, việc được sang gặp ông Tập Cận Bình là điều khó có thể thực hiện đối với một công dân bình thường như tôi. Nhưng nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ không ngần ngại kể lại những gì tôi đã từng biết khi cùng gia đình sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1938 – 1940, để chứng minh một sự thật không thể chối cãi về việc người Việt Nam đã sống, làm việc, quản lý Hoàng Sa từ rất lâu.
Những hành động của Trung Quốc trong suốt thời gian qua là hoàn toàn sai trái, đi ngược lại đạo lý, công pháp quốc tế. Và đương nhiên tôi sẽ đề nghị ông Bình xem lại kỹ hơn những bản đồ mà quốc tế và chính Trung Quốc đã vẽ ra trước đây”, lời ông Bảo.
Ông Bảo cũng khẳng định, nếu được gặp, ông sẽ mang theo và tặng ông Bình tấm bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được thế giới công nhận cùng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam.
Nhắc lại về người cha mình, ông Bảo cho hay, với cốt cách thẳng thắn, không chịu khuất phục, năm 1941 sau 1 năm từ Hoàng Sa trở về, cụ Trần Văn Phước lại bị thực dân Pháp đẩy lên Điện Biên Phủ làm việc.Năm 1946, cụ Phước đã được giác ngộ cách mạng, với chuyên môn của mình, cụ đã tham gia thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực vô tuyến điện. Cụ Phước làm việc ở Cục thông tin liên lạc – Bộ Quốc phòng rồi chuyển sang Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Bưu chính Viễn thông, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho đến khi về hưu năm 1967.Những người con của cụ Trần Văn Phước có mặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, sau khi trở về đều đi theo kháng chiến, tham gia cách mạng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người con cả là đại tá Trần Quân Bảo, nay đã về hưu, sống tại phường Văn Miếu, Hà Nội. Trước khi về hưu, ông Trần Quân Bảo làm việc tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng – Bộ Quốc phòng.Người con thứ 2 của cụ Phước là bà Trần Quỳnh Nga, kỹ sư hữu tuyến điện trước công tác tại Bưu điện Hà Nội, nay đã về hưu. Người con thứ 3, thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình cụ Phước từng sống ở Hoàng Sa là ông Trần Quân Ngọc, thạc sỹ hóa học tốt nghiệp tại Nga, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư phía Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội quốc tế ngữ Việt Nam…
(Theo Trí Thức Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét