Có đến hàng chục dị bản về toa thuốc Minh Mạng thang được lưu truyền trong dân gian và gia đình quan lại ở Huế.
Có nhiều Minh Mạng thang
Sau bài viết của nhà nghiên cứu Phan Thuận An trên Tạp chí Sông Hương năm 1991, Báo Thừa Thiên-Huế số Tết năm 1993 có bài viết “Nói thêm về toa thuốc bổ của Vua Minh Mạng” của tác giả lương y Thích Tuệ Tâm, phụ trách Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế (nay là Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa ở chùa Liên Hoa, đường Lê Quý Đôn, TP.Huế).
Bài thuốc “Minh Mạng thang” được các cửa hàng đông dược bày bán tràn lan. |
Theo lương y Thích Tuệ Tâm, toa thuốc của Vua Minh Mạng có hai bài là Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử (một đêm quan hệ 5 lần sinh 4 con trai), thích hợp cho lứa tuổi từ 30 đến 40 và bài Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử (một đêm quan hệ 6 lần sinh 5 con trai) thích hợp cho người từ 40 tuổi trở lên. Kèm theo bài báo, lương y Thích Tuệ Tâm cũng đã công bố một bài thuốc Nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử, với 20 vị.
Năm 1997, trong cuốn Sổ tay Võ thuật phần Sức khỏe cho mọi người cũng công bố một bài thuốc gọi là Minh Mạng thang với 25 vị, do Nguyễn Thị Thanh Xuân sưu tầm. Trong tập thức ăn chữa bệnh của người Trung Hoa (NXB Trẻ ấn hành năm 1995), lương y Lương Tú Vân và cộng sự cũng đã công bố 2 bài Tráng dương lục giao thang (23 vị) và Yêu cốt thống dược tửu (12 vị), với ghi chú do các ngự y triều Nguyễn chế cho Vua Minh Mạng dùng.
Được cho là thuốc dùng riêng của Vua Minh Mạng, nhưng đến nay, vẫn chưa tìm thấy ghi chép nào về chuyện này trong châu bản của Thái y viện triều Nguyễn. |
Ngoài ra, các lương y còn sưu tầm thêm được 2 phái thuốc gọi là Phái thuốc bổ của Vua Minh Mạng, tại nhà ông Nghi ở đường Đào Duy Từ (TP.Huế). Theo gia đình ông Nghi, hai phái thuốc này do gia đình quan Ngự y triều Nguyễn là Lê Quốc Chước cung cấp. Theo đó, 2 phái thuốc gồm phái chính (13 vị) và phái phụ (18 vị), có ghi chú công dụng: thuốc này bổ thận, tráng dương, cường lực, sung khí huyết, đen râu tóc, do quan Ngự y Lê Quốc Chước dâng Vua Minh Mạng sau ngày lễ đăng quang.
Thời gian qua, các lương y thuộc Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên-Huế còn sưu tầm được nhiều bài thuốc “Minh Mạng thang” được lưu truyền trong các gia đình quan lại. Trong đó đáng chú ý nhất là bài thuốc Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử của gia đình quan Ngự y Phạm Đạt, có tới 36 vị. Cụ Phạm Đạt là quan Ngự y cuối cùng của triều Nguyễn.
Năm 1996, tiến sĩ Võ Quang Yến thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cũng sưu tầm được bài thuốc bổ Minh Mạng, với 25 vị, nguyên văn chữ Hán, riêng phần hướng dẫn pha chế bằng tiếng Việt và công bố trên tạp chí Tiếng Sông Hương, ở Mỹ. Ngoài ra, gia đình ông Phạm Kim Âu (nguyên giáo sư giảng dạy tại Đại học Khoa học Huế) cũng lưu giữ bài thuốc Ngũ giao tam dựng (25 vị).
Theo gia đình ông Âu, bài thuốc này do thân sinh của ông chép lại ở một gia đình ngự y triều Nguyễn. Gia đình cụ cử nhân Phan Ngọc Hoàng (người đỗ cử nhân cuối cùng của triều Nguyễn) ở đường Huỳnh Thúc Kháng (TP.Huế) cũng lưu giữ bài thuốc Lục giao tam dựng (23 vị). Gia đình ông Nguyễn Khoa Thông, thuộc dòng họ danh gia thế tộc nhiều đời (ở Vỹ Dạ, TP.Huế) cũng lưu giữ bài Ngũ giao tam dựng.
Gia đình cụ Trần Thước (trước đây làm Đốc học, là một trong những người biên soạn lại Mục lục Châu bản triều Nguyễn) thuộc dòng dõi của Quan phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành, cũng lưu giữ bài thuốc Minh Mạng dược tửu với 15 vị.
Nhưng không có trong châu bản của Thái y viện triều Nguyễn
Theo lương y Phan Tấn Tô, Phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã có ít nhất là 25 dị bản “Minh Mạng thang” khác nhau được sưu tầm, phát hiện và công bố. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các lương y ở Huế và cả nước chưa ai tìm thấy xuất xứ, nguồn gốc của bài thuốc.
Nguyên nhân được lý giải rằng “Minh Mạng thang” là bài thuốc thuộc loại tối mật của triều đình nhà Nguyễn do các ngự y trong thái y viện bốc riêng cho vua, không ai được phép bắt chước, kể cả đại quan cận thần. Tuy nhiên, do thấy rõ công hiệu phi thường của “Minh Mạng thang” nên một số quan lớn trong triều đã “móc” nối với các ngự y trong thái y viện để lén lút sao phái thuốc đưa ra ngoài.
Cũng theo lương y Phan Tấn Tô, hiện tại, Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đang thực hiện đề tài “Thu thập, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn” theo đặt hàng của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm chuẩn bị việc phục hồi mô hình thái y viện, đưa vào khai thác du lịch.
“Chúng tôi đã lục tung tất cả các thư tịch liên quan đến thái y viện, thậm chí đã tiếp xúc với 300 châu bản là các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn, trên đó có châu phê và chữ ký của các ngự y, hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, nhưng vẫn không tìm thấy bài “Minh Mạng thang”, lương y Phan Tấn Tô nói.
Một bài thuốc “Minh Mạng thang” lưu truyền trong dân gian. |
Trước đó, ông cũng đã tiếp xúc với các châu bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV ở Đà Lạt, nhưng kết quả cũng không có gì mới. Tương tự là 2 bài thuốc gọi là Phái thuốc bổ của Vua Minh Mạng, tại nhà ông Nghi ở đường Đào Duy Từ (TP.Huế) - được cho là của gia đình quan Ngự y triều Nguyễn là Lê Quốc Chước cung cấp như đã nói ở trên.
Tuy nhiên theo lương y Phan Tấn Tô, trong Mục lục Châu bản triều Nguyễn, hiện vẫn chưa thấy chỗ nào có tên của quan Ngự y Lê Quốc Chước nên chưa thể kiểm chứng được độ tin cậy của hai phái thuốc đó.
Có hay không sự tồn tại của bài thuốc “Minh Mạng thang” trong lịch sử đến nay vẫn là một câu hỏi bí ẩn. Tuy nhiên trong thực tế, với tên thuốc và những dữ liệu liên quan đến chuyện phi tần, con cái của Vua Minh Mạng, nhiều người vẫn tin rằng “Minh Mạng thang” là một loại “dâm dược” kiểu như Viagra có thể giúp họ cải thiện bản lĩnh đàn ông.
Mấy chục năm qua, không chỉ ở Huế mà khắp nơi trong Nam ngoài Bắc, cửa hàng đông dược nào cũng có riêng cho mình mấy bài “Minh Mạng thang” và sẵn sàng bốc cho ai có nhu cầu về ngâm rượu uống. Rượu “Minh Mạng thang” pha sẵn bán lẻ theo “xị” cũng có thể được chào hàng ở các quán rượu của nhiều địa phương.
Tại Huế, “quê hương” của “Minh Mạng thang”, năm 1998, Công ty dược phẩm Thừa Thiên-Huế đã chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học: “Nguồn gốc bài thuốc “Minh Mạng thang” và đề xuất các bài thuốc phù hợp trong sản xuất rượu Minh Mạng”, sau đó cho sản xuất đại trà rượu này để bán ra thị trường. Mấy năm trước, “Minh Mạng thang” của công ty này còn là sản phẩm “đặc thù” để làm quà tặng cho khách quý trong, ngoài nước của lãnh đạo tỉnh.
Theo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét