Syria một lần nữa nhắc đến "tiêu chuẩn kép" khi nói về Mỹ trong cuộc chiến chống IS
Một liên minh khủng bố sắp ra đời?
11/9/2014, một lần nữa nước Mỹ tuyên chiến với khủng bố. Một lần nữa liên quân do Mỹ đứng đầu tiếp tục thảo phạt những phần tử Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, sau những đòn tấn công dồn dập thì khủng bố không yếu đi, và thậm chí còn mạnh lên.
Điều khiến những phần tử cực đoan này mạnh lên không phải đòn tấn công của Mỹ không hiệu quả, mà bởi vì họ cũng bắt đầu thành lập một liên minh.
Trong cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, một loạt những tổ chức Hồi giáo cực đoan đã bị liệt vào danh sách khủng bố như Boko Haram ở Nigeria, al-Shabab ở Somalia, quân đoàn Mahdi ở Iraq, các chi nhánh Al Qaeda ở Yemen, Libya, Philippines, Ấn Độ, Hezbollah ở Lebanon...
Và điều đáng ngại hơn, những cái tên vừa được liệt kê đã có xu hướng xích lại gần nhau như một liên minh dưới ngọn cờ Thánh chiến mà Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng đang khởi xướng. Thủ tướng Israel - quốc gia vốn ít tiếng từ đầu cuộc chiến đến giờ đã phải cảnh báo: "Những phần tử cực đoan này có tham vọng bá chủ thế giới. Nạn nhân hiện tại là những tín đồ thuộc dòng Hồi giáo khác, nhưng chắc chắn tiếp theo sẽ không ngoại trừ ai, người Cơ đốc, Do thái, Kurds... Chống khủng bố sẽ là cuộc chiến của cả thế giới."
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới để đề phòng lực lượng Hồi giáo cực đoan IS tràn sang |
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới để đề phòng lực lượng Hồi giáo cực đoan IS tràn sang
Minh chứng cho việc IS không hề yếu đi bởi không kích của liên quân Mỹ, BBC đưa tin IS đã tiến đến sát Baghdad của Iraq và quân đội quốc gia này đang thất thủ, bất chấp yểm trợ của không quân Pháp - Mỹ và nỗ lực phòng thủ của Iraq. Tại Syria, IS đã tiến tới vị trí sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 5km, tại khu vực Ain al-Arab. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải điều xe tăng tới sát biên giới và thiết lập một hàng rào phòng thủ.
IS đã khiến cả Trung Đông, từ những quốc gia thân Mỹ, cho đến ghét Mỹ phải có cái nhìn đúng đắn hơn và nhận ra đâu là mối nguy thực sự với tất cả các quốc gia ở khu vực này.
Gật đầu với "tiêu chuẩn kép"
IS đang trở thành mối lo ngại hàng đầu của tất cả các quốc gia ở Trung Đông. Bằng chứng là dù có hiềm khích với Mỹ, có tư thù với Israel, nhưng tại Liên Hợp Quốc, Syria của Bashar al-Assad đã phải thừa nhận những gì mà Thủ tướng Netanyahu của Israel đã nói: IS thực sự nguy hiểm.
Tại Liên Hợp Quốc, Syria tiếp tục chỉ trích Mỹ vẫn đang duy trì quan điểm về một tiêu chuẩn kép, khi họ nắm đằng chuôi và quyết định tổ chức nào là cực đoan, tổ chức nào là ôn hòa. Và Syria đưa ra những bằng chứng chứng tỏ Mỹ vẫn ngày đêm nuôi dưỡng những tổ chức mà họ gọi là ôn hòa đó.
Trong khi Syria khẳng định thứ ôn hòa mà Mỹ đang dung dưỡng cũng chẳng khác gì một tổ chức khủng bố. Điều mà Syria cáo buộc giống như những gì mà Trung Quốc đang nghi kỵ. Khi phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phát triển theo chiều hướng khủng bố, Bắc Kinh đã cáo buộc tổ chức ETIM - phong trào Hồi giáo Đông Turkestan - đứng sau giật dây. Thì với Mỹ, ETIM vẫn chỉ là "hoạt động nhân quyền ôn hòa". Và tất nhiên, tổ chức này không có tên trong danh sách khủng bố. Bắc Kinh chắc chắn sẽ không hài lòng.
Tiêm kích F-18 của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay làm nhiệm vụ không kích IS |
Tiêm kích F-18 của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay làm nhiệm vụ không kích IS
Nhưng dù mạnh miệng như vậy, nhưng Damacus vẫn không thể không thừa nhận rằng họ cần có những hoạt động quân sự của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Bởi chỉ cách đó vài ngày, Damacus còn khẳng định sẽ không cho phép máy bay Mỹ không kích trong lãnh thổ của họ.
Nhưng đến ngày 29/9/2014, Syria đã phải chấp thuận các hành động quân sự của Mỹ và nói rõ: phải tránh các khu đông dân cư. Trung Đông ngày nay duy còn có Iran là không đội trời chung với Mỹ ở bất kỳ vấn đề nào. Tiêu chuẩn kép, nước lớn chi phối, nước lớn áp đặt… những cụm từ ấy vẫn được đội lên đầu của Mỹ, nhưng họ vẫn phải nhìn nhận rằng cần có Mỹ trong cuộc chiến chung này, và thực tế thì cũng không ai có thể thay thế được nước Mỹ.
Vẫn là thế giới đơn cực!
Bản thân Washington cũng chẳng giấu diếm cái gọi là “tiêu chuẩn kép” của mình. Tiêu chuẩn kép (double standard) là việc áp dụng những nguyên tắc, cách thức ứng xử, xử lý khác nhau cho cùng một vấn đề hoặc tình huống. Khái niệm "tiêu chuẩn kép" gần đây được đề cập khá thường xuyên trong nền chính trị - ngoại giao thế giới, trong đó phần lớn vụ việc liên quan đều bắt nguồn từ Mỹ.
Tổng thống Obama phát biểu trước Liên Hợp Quốc về những hiểm họa của nhân loại |
Tổng thống Obama phát biểu trước Liên Hợp Quốc về những hiểm họa của nhân loại
Tiêu biểu như vừa qua, tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Barack Obama công bố những mối hiểm họa với cả nhân loại, trong đó đại dịch Ebola là hiểm họa nguy hiểm nhất, nước Nga là thứ hai, và IS là thứ ba. Thậm chí Mỹ còn coi Nga nguy hiểm hơn cả thứ mà họ đang phát động chiến tranh.
Nhưng có điều, Mỹ vẫn mời hiểm họa thứ hai đứng chung hàng ngũ với mình để tiêu diệt hiểm họa thứ ba. Đó là cách chơi của Mỹ, và từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai cho đến nay, Washington vẫn duy trì lối tư duy như vậy.
Về cuộc chiến chống IS này, các đồng minh của Mỹ cũng buộc phải thay đổi thái độ, từ việc chỉ bơm vũ khí và nhận cứu trợ nhân đạo, tức là lo khởi đầu và kết thúc chiến tranh, thì này họ đã phải trực tiếp gửi máy bay để tham chiến. Chiến phí một ngày Mỹ phải gánh chịu cũng vì thế mà giảm bớt đi khi công việc bắt đầu được phân chia cụ thể.
Còn nước Nga, có lẽ họ đang còn phải toan tính xem sẽ phải phá thế đơn cực của Mỹ như thế nào. Bởi Tổng thống Putin đã tuyên bố thế giới đơn cực và vai trò của Mỹ đã kết thúc kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét