Theo báo trên, Trung Quốc đã chuyển đất cát tới một số bãi đá và bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa tại biển Đông để xây dựng thành các đảo, có thể cho phép xây dựng nhà cửa, đặt các trang thiết bị và có đủ điều kiện cư trú cho con người. Việc xây dựng này đã khiến Philippines và Việt Nam hết sức quan ngại và cũng gióng lên những cảnh báo tại Mỹ, vốn vẫn coi các hành động của Trung Quốc tại biển Đông là gây thêm bất ổn.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có quãng thời gian khó khăn để thuyết phục tòa án quốc tế rằng các hòn đảo mới này có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Một mục trong Điều 60 của UNCLOS cho biết: “Các đảo nhân tạo, các hệ thống lắp đặt, các cấu trúc không mang lại quy chế đảo. Bản thân chúng không có vùng lãnh hải và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng tới việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Ngôn ngữ ở đây nghe có vẻ rõ ràng, nhưng Trung Quốc có thể lập luận rằng các đảo mới này không hoàn toàn là nhân tạo, bởi chúng có các bãi đá, bãi san hô từ trước khi đất cát được đưa đến và quá trình cải tạo đất được bắt đầu. Tuy nhiên, Điều 121 của UNCLOS đưa ra định nghĩa về đảo: “Một hòn đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là nước và luôn ở trên nước tại thời điểm thủy triều lên”.
Giáo sư về hàng hải Lawrence Juda thuộc Đại học Rhode Island (Mỹ) cho biết: “Các đảo nhân tạo không đủ tư cách để được coi là đảo với những quyền pháp lý dành cho các hòn đảo hình thành tự nhiên”. Ông Juda cho rằng, nếu Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo này để đòi hỏi EEZ thì đòi hỏi này là không chính đáng và sẽ không được thừa nhận. Hơn nữa, đòi hỏi như vậy là không thể chấp nhận đối với Philippines nói riêng và tất cả các quốc gia biển quan trọng khác nói chung, chẳng hạn như Mỹ. Việc chấp nhận đòi hỏi EEZ của Trung Quốc quanh một hòn đảo nhân tạo sẽ tạo ra một tiền lệ tồi tệ.
Theo báo trên, Trung Quốc đã và đang đối trọng với nỗ lực của Nhật Bản - một đối thủ về chủ quyền lãnh thổ khác - trong việc đòi hỏi thềm lục địa và EEZ cho một đảo san hô nhỏ tại một vùng biển khác. Đảo san hô này có tên Okinotorishima, nằm trong biển Phillippines, ở phía đông của Philippines và Đài Loan (TQ), phía tây của Guam. Vào thời điểm thủy triều lên, đảo san hô này chỉ còn hai mỏm nhỏ nằm phía trên mặt nước. Theo tạp chí “Chính sách Đối ngoại” (Mỹ), tính tới năm 2012, Nhật Bản đã chi 600 triệu USD xây dựng tường bao quanh hòn đảo san hô này. Các quan chức ngư nghiệp cũng đã trồng thêm san hô tại khu vực này để giúp cho nó giống một hòn đảo.
Các quan chức Trung Quốc đã phản đối và cho rằng Okinotorishma không đủ tư cách đảo chiếu theo UNCLOS và do đó không có thềm lục địa cũng như không thể tạo ra EEZ. Tháng 4.2012, một ủy ban của LHQ đã ra một phán quyết thiên vị về vấn đề này và để lại nhiều câu hỏi cơ bản chưa có câu trả lời. Một bài viết trên trang web của Herbert Smith Freehills - công ty luật thương mại toàn cầu - nói rằng việc liệu Okinotorishima có chính thức đủ tư cách của một hòn đảo hay không “là một sự phân biệt có tầm quan trọng đáng kể đối với các mục đích của luật biển quốc tế, vì nó có thể xác lập đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với vùng thềm lục địa xung quanh cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó”.
Tháng 3.2014, tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản đưa tin Nhật Bản đang chi 780 triệu USD để xây dựng một cảng tại khu vực hòn đảo san hô này. Bản tin của tờ “Asahi Shimbun” cho rằng mặc dù mục đích đã tuyên bố của Bộ Giao thông là để khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển tại các khu vực xung quanh, nhưng các nhà quan sát cho rằng việc xây cảng có thể là để cảnh báo Trung Quốc - nước đang tìm mọi cơ hội để làm suy yếu quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với EEZ xung quanh các hòn đảo nhỏ”.