EU xem xét bỏ trừng phạt Nga vào tháng 10-2014. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) - Đại diện 28 nước Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-9 gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để đánh giá việc thực hiện kế hoạch hòa bình tại Ukraine và xem xét hủy bỏ các biện pháp trừng phạt Nga vào tháng 10-2014.
Căn cứ theo kết quả đánh giá, đại diện các nước EU sẽ kiến nghị Ủy ban châu Âu (EC) và văn phòng chính sách đối ngoại EU xem xét lại các biện pháp trừng phạt Nga.
Văn phòng chính sách đối ngoại EU khẳng định phải có sự nhất trí của tất cả 28 nước EU mới sửa đối lệnh trừng phạt Nga.
EU bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt Nga vào tháng 3-2014, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước EU phản đối trừng phạt Nga vì điều này đồng nghĩa nhiều ngành sản xuất của các nước này sẽ bị ngưng trệ do không xuất khẩu được hàng hóa sang Nga.
Trước đó vào ngày 29-9, EU thông qua quyết định hoãn thực thi đến ngày 31-12-2015 điều khoản thành lập "khu vực tự do thương mại sâu rộng và toàn diện" EU-Ukraine trong Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine. Phần lớn các điều khoản còn lại trong Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine sẽ được thực thi từ ngày 1-11.
Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine được ký ngày 27-6 và được Nghị viện châu Âu lẫn Quốc hội Ukraine thông qua ngày 16-9. Hiện, thỏa thuận này còn chờ sự phê chuẩn của tất cả các nước EU. Thỏa thuận bao gồm: Ukraine hội nhập kinh tế sâu sắc vào EU, hài hòa hóa cơ sở pháp lý theo tiêu chuẩn châu Âu, thành lập khu vực thương mại tự do EU-Ukraine.
Nga bày tỏ quan ngại việc thực thi thỏa thuận trên, trong đó việc thành lập khu vực tự do thương mại EU-Ukraine có thể gây rủi ro cho nền kinh tế Nga. Nga tuyên bố sẽ hạn chế Ukraine tiếp cận các thị trường thiết yếu của Nga nếu Ukraine thực thi thỏa thuận trên.
Trước tình hình trên, EU, Nga và Ukraine đã nhất trí thành lập cơ chế tham vấn nhằm đánh giá tác động của việc thực hiện Thỏa thuận liên kết Ukraine-EU và giải quyết những mối quan ngại của Nga. Tại cuộc gặp cấp bộ trưởng ba bên ngày 12-9, các bên đã đồng ý hoãn việc thành lập khu vực tự do thương mại EU-Ukraine, đồng thời giữ nguyên quy chế thương mại tự do Nga-Ukraine trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đến hết ngày 31-12-2015.
Trong thời gian hoãn thành lập khu vực tự do thương mại EU-Ukraine, các bên sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn để tìm ra lời đáp cho những quan ngại từ phía Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét