Một công ty thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ xuất khẩu một giàn khoan đầu giếng sang Brunei
Công ty TNHH một thành viên dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C, thuộc PTSC, Tập đoàn dầu khí quốc gia VN) sẽ “xuất khẩu” giàn đầu giếng công nghệ Marahaja Lela South (MLS) sang Brunei vào thời điểm giữa tháng 6/2015.
Đây là giàn do Công ty Total E&P Borneo B.V (có trụ sở tại Brunei, thuộc Tập đoàn Total, Pháp) làm chủ đầu tư, có trị giá trên 100 triệu USD.
Hiện PTSC đã hoàn thành phần chân đế (jacket) nặng gần 1.200 tấn tại Brunei và đang hoàn thiện khối thượng tầng (topside) nặng gần 3.000 tấn tại Vũng Tàu.
Trước đó vào tháng 11/2014, PTSC M&C cũng đã xuất sang Ấn Độ khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm HRD trị giá 70 triệu USD cho Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC).
Trao đổi với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam ngày 20/3/2015, ông Bình đã nhận định đây là một tin vui đối với ngành khoa học biển trong nước.
Nhận định về giàn khoan mà công ty PTSC đóng cho Brunei, ông Bình cho biết: “Đây là giàn khoan khai thác đầu nguồn, là giàn cố định.
Tuy nhiên việc đóng được giàn khoan này cũng hứa hẹn sẽ mang được nhiều quyền lợi và các hợp đồng kinh tế về cho doanh nghiệp của Việt Nam vì nhu cầu đối với loại giàn này trên thế giới vẫn còn rất lớn. Đặc biệt ở những khu vực có độ sâu khoảng 100m. Còn trên độ sâu đó sẽ phải dùng các loại giàn khoan khác.”
Thi công khối thượng tầng giàn công nghệ MLS tại cảng PTSC Vũng Tàu. Ảnh: TTO |
Ông Đỗ Thái Bình chia sẻ: “Có thể thấy rằng có những sự tiến bộ của đội ngũ kỹ sư, tri thức trẻ trong công ty. Với giàn khoan này, đây là một bước chuyển biến rõ rệt từ việc đi thuê công nghệ đến làm chủ công nghệ.”
Lý giải cho điều này, ông Bình phân tích: “Tất cả các công ty của Việt Nam liên quan đến hoạt động khai thác dầu khí từ trước tới nay đều phải mua giàn khoan của nước ngoài, từ những giàn cũ đã qua sử dụng, giàn được viện trợ, rồi dần tới việc thuê giàn khoan mới, mua mới, sau đó đến mua bản vẽ thiết kế và tự chế tạo.
Nhưng lần này khác ở chỗ là dù mua thiết kế cơ bản của nước ngoài, nhưng ta có thể thực hiện công đoạn thiết kế công nghệ, tức là vẽ bản thiết kế chi tiết cho từng phân đoạn, từng bộ phận thiết bị và sau đó là tự chế tạo. Tiến bộ hơn là chế tạo theo tiêu chuẩn và quy định của nước ngoài.”
Đồng thời, chuyên gia Đỗ Thái Bình cũng nhìn nhận những thành tựu khác đáng chú ý hơn: “Thành công này của doanh nghiệp (công ty PTSC – PV) đối với bản thân doanh nghiệp là lớn, với nền khoa học biển của Việt Nam là quý, nhưng với thành tựu của cả thế giới về lĩnh vực dầu khí thì chưa đáng kể. Nhưng như thế cho thấy là ít nhất là Việt Nam đã có thể xuất khẩu được sức lao động, gồm lao động trí óc và cả lao động chân tay.
Ngoài ra, để có những thành tựu thì không phải một bước mà thành công, hoặc đi đường tắt mà có thể đến. Phải có những bước đi ngắn, nhỏ, nhưng chắc chắn, phải đổ mồ hôi, công sức, chất xám ra như vậy thì mới có thể trông mong rằng trong tương lai có thành tựu nào đó thực sự là của người Việt được.
Trong hợp đồng chế tạo giàn khoan cho đối tác Brunei, phía nước bạn yêu cầu công ty Việt Nam phải sử dụng 50% lao động người bản địa vào công việc. Và phía công ty Việt Nam cho rằng việc sử dụng song song hai nguồn nhân lực cũng là một khó khăn, áp lực rất lớn.
Theo ông Đỗ Thái Bình nhận định: “Việc làm cùng với Brunei, sử dụng lực lượng lao động tại chỗ thì cũng là một điều dễ hiểu bởi đây là cách làm mà cả thế giới người ta đang thực hiện. Cứ làm nhiều khắc sẽ quen. Điều này sẽ hướng đến một phong cách làm việc chủ động, khoa học và hiệu quả cho các công ty của Việt Nam.”
Để có được thành tựu này, từ năm 2010 PTSC M&C đã đưa công tác thiết kế chi tiết giàn khoan về thực hiện tại trụ sở công ty ở Vũng Tàu, với sự trợ giúp của các đối tác nước ngoài.
Thời gian này, các kỹ sư VN đã cùng đối tác nước ngoài thực hiện thiết kế chi tiết những dự án như: Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen, Thăng Long - Đông Đô, Thái Bình Hàm Rồng tại Vũng Tàu. Sau đó là thành công với việc tự thiết kế giàn khoan Sư Tử Vàng Tây Nam với 100% nguồn lực nội địa.
Sau thành tựu của PTSC M&C với giàn khoan xuất khẩu cho Brunei, Việt Nam vừa qua cũng có một thành tựu khác khi công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) chuyên đóng các giàn khoan tự nâng đã thực hiện đóng giàn khoan Tam Đảo 05.
Đây là giàn khoan với tổng vốn đầu tư 230 triệu USD, do đơn đặt hàng từ chủ đầu tư là công ty liên doanh Việt - Nga Vietsopetro. Đây là giàn khoan tự nâng hiện đại lớn nhất Việt Nam hiện nay, do các kỹ sư người Việt lên bản vẽ thiết kế chi tiết.
|
Đỗ Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét